Bộ Tài chính đưa ra giải pháp gì để lành mạnh hóa thị trường trái phiếu?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tại Hội Nghị "Phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững" chiều 14/7, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đưa ra nhiều giải pháp lành mạnh hóa thị trường trái phiếu. 

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, trong 2 năm vừa qua, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã lựa chọn kênh phát hành trái phiếu để huy động vốn phục vụ hoạt động kinh doanh.

Theo Thứ trưởng Chi, hiện dư nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản mới tương đương khoảng 18,6% so với dư nợ tín dụng bất động sản của các ngân hàng thương mại, rủi ro có sự liên thông tác động qua lại giữa các thị trường cần phải được theo dõi chặt chẽ.

Để vừa phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, vừa khuyến khích các doanh nghiệp bất động sản huy động vốn trái phiếu một cách minh bạch, lành mạnh, hiệu quả, Bộ Tài chính đề xuất tập trung vào các nhóm giải pháp chính để ổn định kinh tế vĩ mô; hoàn thiện chính sách, pháp luật theo hướng tăng cường quản lý giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nâng cao chất lượng hàng hóa, cải thiện chất lượng của các tổ chức cung cấp dịch vụ.

Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán nhà nước và các đơn vị chức năng tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm tại các doanh nghiệp phát hành, các công ty cung cấp dịch vụ trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, củng cố niềm tin nhà đầu tư.

Bộ Tài chính đưa ra giải pháp gì để lành mạnh hóa thị trường trái phiếu? ảnh 1

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi. Ảnh: VGP

Ông Nguyễn Đức Chi cũng cho biết, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thường xuyên cung cấp thông tin, cảnh báo, khuyến nghị thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về các rủi ro đối với nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân khi tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Tại Hội nghị, chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, thị trường bất động sản 2 năm qua phát triển tích cực.

Theo ông, hiện có 5 nguồn huy động vốn cho bất động sản, trong đó có 2 nguồn vốn trụ cột là vốn tín dụng và trái phiếu.

Ông Lực lưu ý về nguồn vốn, dư nợ tín dụng cho bất động sản hiện chiếm trên 20,6% dư nợ nền kinh tế, so với các nước vẫn thấp hơn, nên còn dư địa cho vay, đặc biệt cho vay bất động sản nhà ở.

"Rất tiếc thời gian qua hơi chững lại, nhưng kênh trái phiếu vẫn là kênh quan trọng", ông Lực nói và đề xuất cần tiếp tục phát triển thị trường vốn tốt hơn.

Liên quan đến giải pháp, ông Lực đề xuất cần giải quyết những vấn đề trước mắt như quan tâm giải quyết rủi ro từ dư nợ trái phiếu, ứng xử phù hợp, tránh hiệu ứng domino... "Nếu bây giờ bóp nghẹt thị trường trái phiếu doanh nghiệp thì vô cùng nguy hiểm đối với các nhà đầu tư", ông Lực nói.

Ông cho rằng nên xây dựng chiến lược phát triển thị trường phát triển bất động sản, cần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh liên quan đến đất đai, quy hoạch, đấu giá đấu thầu, xây dựng…

Riêng với thị trường bất động sản, ông nói cần cho phép thí điểm một số kênh huy động nguồn vốn mới như Fintech, đa dạng kênh huy động vốn…, và phân nhóm bất động sản để không đánh đồng, có căn cứ xác định mức độ rủi ro.

Ngoài ra, cần có đầu mối quản lý chuyên nghiệp, chuẩn hóa để quản lý, tham gia thị trường bất động sản.

Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, hiện đã có trên 280 doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn, riêng năm 2021, có 174 doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu, chiếm 33,6% tổng khối lượng phát hành trái phiếu toàn thị trường.

MỚI - NÓNG