Ông trăn trở: “Tôi nghĩ rằng đa số anh em là như vậy nhưng có một bộ phận mà Đảng nói là không nhỏ…, bây giờ không biết nằm ở đâu. Dân hỏi mãi, Đảng hỏi mãi nhưng không trả lời được. Từ Trung ương đến cơ sở đều lúng túng chỗ này”.
Trong hàng triệu cán bộ, công chức và những người hưởng lương sự nghiệp công từ địa phương tới Trung ương, cái u nhọt “bộ phận không nhỏ” thoái hóa, biến chất ấy là những ai, nằm chỗ nào? Câu hỏi của Đảng, của dân mà Chủ tịch nước nêu lên quả không dễ trả lời một sớm một chiều. Tại buổi tiếp xúc với cử tri quận 1 và quận 3 hôm 14/10, khi nghe những phản ánh bức xúc của bà con về tình hình tham nhũng, lãng phí, Chủ tịch nước chia sẻ: Chưa đẩy lùi được tham nhũng, kết quả chưa tốt, dân gay gắt là phải.
Rõ ràng người đứng đầu nhà nước luôn đau đáu về “quốc nạn” tham nhũng, lãng phí, về “một bộ phận không nhỏ” nhức nhối kia. Tính từ 2005, Luật Phòng, chống tham nhũng ra đời sắp tròn một thập niên, song nạn tham nhũng vẫn ngày càng tinh vi, phức tạp và chưa hề có dấu hiệu bị đẩy lùi. Vài năm nay, tần suất của cụm từ “lợi ích nhóm” xuất hiện ngày càng nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng như một chỉ dấu cho thấy, công tác đấu tranh chống tham nhũng đang phải đối mặt với những trở lực, thách thức không hề nhỏ.
Để trả lời được câu hỏi day dứt của Đảng, của dân mà Chủ tịch nước vừa nêu “bộ phận không nhỏ nằm ở đâu?”, đã đến lúc cần phải có những giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa trong công cuộc phòng chống tham nhũng hiện nay.
Việt Nam hiện có gần 1 triệu người thuộc diện phải kê khai tài sản, đứng thứ nhì thế giới về số lượng bản kê khai tài sản. Nhưng trong năm qua chỉ có 5 người phải xác minh và chỉ có một người bị xử lý kỷ luật do kê khai không trung thực.
Chắc chắn cái “bộ phận không nhỏ” tìm mãi chưa ra đó nằm trong số 1 triệu bản kê khai này, vấn đề là ở chỗ ai xử lý các bản kê khai và xử lý như thế nào mà thôi. Trả lời phỏng vấn báo Tuổi trẻ, Cục phó Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) Phí Ngọc Tuyển cho rằng, cần thu hẹp diện phải kê khai tài sản và tất cả các bản kê khai phải được xác minh bởi một cơ quan trung ương độc lập.
Để góp phần tìm ra “bộ phận không nhỏ” này, tin rằng không một người dân nào phản đối đề xuất nói trên của ông cục phó Cục Chống tham nhũng.