Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp xúc cử tri quận 4
Ngày 15/10, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng Tổ đại biểu Quốc hội đơn vị 1 (TPHCM) có buổi tiếp xúc với cử tri quận 4, giải đáp nhiều vấn đề cử tri đặc biệt quan tâm.
Sẽ làm rõ và công bố công khai
Cử tri Dương Xuân Biển (phường 6) bức xúc: Cơ quan phòng chống tham nhũng có quyết liệt nhưng hiệu quả chưa cao, chưa đáp ứng được mong mỏi của cử tri, của Đảng và Nhà nước. Chúng ta chỉ xử cán bộ nhỏ thôi, cán bộ trung, cao cấp thì dường như chưa thực hiện được.
Ông Biển dẫn chứng: Việc một số cán bộ đảng viên thuộc diện trung ương quản lý gần đây giàu lên bất thường, gây bức xúc trong dư luận nhân dân và cán bộ, đảng viên nhưng đến nay chưa thấy xử lý.
“Nhiều chuyên gia đã tính với mức lương của các ông này thì phải mất 3.000 năm mới tạo dựng được khối tài sản này. Phải làm rõ nguồn gốc tài sản này ở đâu, do gia đình, cá nhân tạo ra hay từ thu nhập bất chính?” - ông Biển đặt vấn đề.
“Có một bộ phận mà Đảng nói là không nhỏ…, bây giờ không biết nằm ở đâu. Dân hỏi mãi, Đảng hỏi mãi nhưng không trả lời được. Từ Trung ương đến cơ sở đều lúng túng chỗ này”.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang
Trả lời cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định: Thời gian qua, công tác phòng chống tham nhũng thu được nhiều kết quả song các cơ quan chức năng cũng cho rằng chưa đạt được yêu cầu Đảng, Nhà nước đặt ra nên sắp tới phải tiếp tục đẩy mạnh, các cơ quan chức năng phải nâng cao trách nhiệm, các tổ chức chính trị cùng tham gia.
“Mong cô bác anh chị cứ nêu, cứ thẳng thắn trong những lần gặp gỡ như thế này. Như mấy vị phát biểu lúc đầu nêu cả tên luôn. Rất tốt. Tất cả những cái đó chúng tôi sẽ phản ánh và làm việc với các cơ quan chức năng có liên quan, cơ quan quản lý cán bộ để làm rõ rồi sẽ công bố. Đã đăng báo rồi thì phải công bố công khai, không có cách nào khác” - Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Nợ công, bội chi chạm ngưỡng an toàn
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết Chính phủ vừa trình Quốc hội xin phép bội chi năm 2014 khoảng 5%. Năm nay, bội chi ngân sách (tính cả phát hành trái phiếu) có thể lên tới trên 6%, trong khi độ an toàn và lành mạnh khoảng 4,5%.
“Bội chi thì dứt khoát tăng nợ công. Mà nợ công hiện đã chạm ngưỡng an toàn, không chi mãi như thế được. Trước kia, ngân sách thu được bao nhiêu thì dành khoảng 50% chi cho lương và các khoản chi thường xuyên, bây giờ đã lên mức 72%. Theo đà này còn lên nữa, phần còn lại không đủ trả nợ đến hạn. Nhiều khoản vay đã đến hạn, không thể rủng rỉnh, thoải mái được. Tôi nói hơi gay gắt. Chúng tôi trước hết phải chịu trách nhiệm. Đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Quốc hội là chuyên gia tài chính cũng gay gắt vấn đề này. Sốt ruột, lo lắng, không đơn giản đâu. Nếu không cải cách, không đổi mới thì sẽ lên 82 rồi 92… thu bao nhiêu chi hết, khoản còn lại không đủ, phải đi vay trả nợ” - Chủ tịch nước nói.
“Nhiều chuyên gia đã tính với mức lương của các ông này thì phải mất 3.000 năm mới tạo dựng được khối tài sản này. Phải làm rõ nguồn gốc tài sản này ở đâu, do gia đình, cá nhân tạo ra hay từ thu nhập bất chính?”
Cử tri Dương Xuân Biển
Về chi ngân sách, theo Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, số người hưởng lương, trợ cấp liên quan đến ngân sách là trên 6 triệu người, trong đó trên 2 triệu người thuộc diện chính sách. Biên chế đối với các cấp quận huyện cho đến Trung ương không thể giảm nhiều được nữa mà chỉ nâng cao chất lượng bởi so với khu vực thì tỷ lệ công chức hành chính công của Việt Nam không cao. Điều quan trọng là phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, chết sống với công việc, với đất nước của cán bộ.
“Tôi nghĩ rằng đa số anh em là như vậy nhưng có một bộ phận mà Đảng nói là không nhỏ…, bây giờ không biết nằm ở đâu. Dân hỏi mãi, Đảng hỏi mãi nhưng không trả lời được. Từ Trung ương đến cơ sở đều lúng túng chỗ này”-Chủ tịch nước nói.
“Mình phải cải cách hành chính công song song với cải cách nợ công, cải cách về ngân sách. Nếu không có kế hoạch chi tiết thì bội chi ngân sách sẽ không có lối ra…” - Chủ tịch nước chỉ rõ.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định: Nợ công chạm trần nhưng không vay thì sao làm đường. Từ TPHCM đi Vũng Tàu nay chỉ còn một giờ rưỡi. Nếu sửa một số chỗ tốt hơn thì rút ngắn dưới một giờ. Đất nước mà cứ rề rề, 100 km phải đi mất ba giờ thì tụt hậu hơn. Chúng ta cần tiền nhưng sử dụng tiền phải có hiệu quả.
“Tôi nói bà con đừng buồn. 30 năm đổi mới, thành tựu của chúng ta được cả thế giới ca ngợi; từ khủng hoảng kinh tế xã hội chúng ta vượt qua; từ bao vây cấm vận giờ chúng ta đã vượt qua; từ lúc chỉ quan hệ với các nước XHCN giờ chúng ta quan hệ với tất cả những nước thành viên Liên Hợp Quốc... Nhưng, điều không thể không nói là mình cứ lẽo đẽo đứng thứ 6 trong khối ASEAN, vươn lên không được. Đuổi mãi vẫn không kịp Thái Lan, Philippines. Lừng khừng là mất cơ hội” - Chủ tịch nước nói.