Lương nhiều lãnh đạo tập đoàn trên 60 triệu đồng/tháng

Dư luận cho rằng, lương lãnh đạo các DN nhà nước cần được tính theo hiệu quả công việc. Nếu DN làm ăn thua lỗ, sếp không thể hưởng lương cao. Ảnh: Đ.T
Dư luận cho rằng, lương lãnh đạo các DN nhà nước cần được tính theo hiệu quả công việc. Nếu DN làm ăn thua lỗ, sếp không thể hưởng lương cao. Ảnh: Đ.T
TP - Bộ Công Thương vừa công bố mức thu nhập bình quân hằng tháng của 120 lãnh đạo thuộc 11 tập đoàn, tổng công ty trong năm 2013. Theo đó nhiều lãnh đạo có mức lương trên 60 triệu đồng/tháng.

Mới chỉ công khai lương

Theo báo cáo, có những tên tuổi lớn như: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản (Vinacomin), Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Tổng Cty Dầu Thực vật Việt Nam (Vocarimex), Tổng Cty Giấy Việt Nam, Tổng Cty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba)...

Số liệu cho thấy, mức lương cao nhất là ông Đỗ Ngọc Khải, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Vocarimex với 74,72 triệu đồng/tháng. Các lãnh đạo Vocarimex khác cũng có mức lương tương đối cao; trong đó phó tổng giám đốc được trả từ 59,79-63,44 triệu đồng/người/tháng.

Lãnh đạo EVN và PVN có mức lương trên 60 triệu đồng/tháng. Cụ thể, ông Phùng Đình Thực - Chủ tịch HĐTV PVN 65,81 triệu đồng; ông Đỗ Văn Hậu - Tổng Giám đốc PVN 64,35 triệu đồng...

Các lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty khác có mức lương từ 38 đến hơn 57 triệu đồng/tháng, gồm: ông Nguyễn Anh Dũng, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (57,13 triệu đồng); ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐQT Petrolimex (54 triệu đồng); ông Phạm Lê Thanh, Tổng giám đốc EVN (53,43 triệu đồng); ông Trần Văn Thịnh, Tổng giám đốc Petrolimex (52,5 triệu đồng); ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch HĐTV Vinatex (52,47 triệu đồng); ông Trần Ngọc Hà, Chủ tịch HĐTV Tổng Cty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (50,28 triệu đồng); ông Vũ Văn Cường, Chủ tịch HĐTV Vinataba (47,41 triệu đồng); ông Hoàng Quốc Lâm, Chủ tịch HĐTV Tổng Cty Giấy Việt Nam (38,01 triệu đồng)...

Mức lương căn cứ vào đâu?

Ngày 24/9, trao đổi với Tiền Phong, một lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, sở dĩ phải công khai thu nhập bình quân hằng tháng của lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc để thực hiện Nghị định 51/2013 của Thủ tướng (quy định chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với viên chức quản lý doanh nghiệp) và Chỉ thị số 11 năm 2014 của Bộ trưởng Công Thương (tăng cường công khai minh bạch đối với hoạt động kinh doanh điện, xăng dầu).

“Sau khi có ý kiến thỏa thuận của Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Công Thương đã phê duyệt quỹ lương, thù lao thực hiện của viên chức quản lý công ty mẹ các tập đoàn kinh tế và tổng công ty năm 2013”, vị này nói.

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho rằng: Nếu so sánh mức lương trên với các chức danh tương tự ở nước ngoài, hoặc doanh nghiệp ngoài nhà nước, không phải quá lớn. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải xem chính sách nhà nước được vận dụng có đúng không (kể cả trường hợp cá biệt, ngành đặc thù). Bên cạnh đó, mức lương lãnh đạo phải so với hiệu quả hoạt động của đơn vị.

Cũng theo vị lãnh đạo Bộ Công Thương, quỹ tiền lương thực hiện của viên chức quản lý công ty mẹ các tập đoàn kinh tế và tổng công ty năm 2013 được tính theo hai giai đoạn.

Giai đoạn một, quỹ lương thực hiện 4 tháng đầu năm 2013, được tính theo Thông tư 27 (2010/TT-BLĐTBXH ngày 14/9/2010) và Thông tư 19 (2007/TT-BLĐTBXH ngày 4/10/2007); giai đoạn hai, quỹ lương thực hiện 8 tháng cuối năm 2013, được tính theo hướng dẫn tại Thông tư 19 (2013/TT-BLĐTBXH ngày 9/9/2013).

Một lãnh đạo Vụ Lao động-Tiền lương (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, theo quy định tại Thông tư 19, việc trả lương đối với viên chức quản lý chuyên trách được xác định và trả lương gắn với hiệu quả sản xuất, kinh doanh; kết quả quản lý, điều hành hoặc kiểm soát và có khống chế mức hưởng tối đa.

Đối với chủ tịch HĐTV chuyên trách hoặc chủ tịch công ty chuyên trách kiêm tổng giám đốc hoặc giám đốc chỉ được nhận tiền lương của một chức danh cao nhất.

“Quỹ tiền lương, thù lao của viên chức quản lý được xác định theo năm, tách riêng với quỹ tiền lương của người lao động. Tiền thưởng của viên chức quản lý được xác định theo năm tương ứng với hiệu quả sản xuất, kinh doanh, kết quả quản lý điều hành hoặc kiểm soát, được trả một phần vào cuối năm; phần còn lại được trả sau khi kết thúc nhiệm kỳ”, vị này nói.

Trả lời câu hỏi vì sao mức lương của nhiều lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty vượt quá 36 triệu đồng theo quy định; ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết: 36 triệu đồng chỉ là mức lương gốc theo quy định.

“Trường hợp doanh nghiệp có hiệu quả cao, viên chức quản lý được tăng thêm tiền lương tối đa 1,5 lần tiền lương thực hiện”, ông Huân nói. Cũng theo ông Huân, nếu doanh nghiệp nào hiệu quả thấp, sẽ hưởng thấp hơn mức lương cơ bản.

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".