Theo Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Việt Nam đã và sẽ ký nhiều hiệp định thương mại với các nước trên thế giới. Nông sản Việt đã xuất đi trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. “Do vậy, cuộc chơi là này bình đẳng, chúng ta xuất đi, thì đương nhiên chúng ta phải đón nhận các nước vào nước ta”- ông Cường nói.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Cường, trong giai đoạn đầu đoạn đầu, chúng ta còn yếu thế về khoa học, công nghệ, nguồn lực đầu tư… đó là những thách thức lớn, “nếu không cải thiện, thì chúng ta không những không tiến lên mà có thể tụt lùi”.
Sau một thời gian triển khai tái cơ cấu ngành, có một số ngành hàng đã có nhiều tích lũy, đã bước đầu có sự hội nhập khá tốt như cá tra, tôm, rau quả, chăn nuôi lợn…
Cùng đó, nhận thức của 63 tỉnh thành có chuyển biến rõ nét. “Năm nay gặp, ông Bí thư, Chủ tịch tỉnh cứ đi đâu là nói về nông nghiệp. Các tỉnh ở cũng nhiều nơi trả thảm đỏ mời gọi doanh nghiệp đầu tư, điều đó rất quan trọng”- ông Cường nói.
Cùng đó, một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn ở các lĩnh vực bất động sản, thép…đã “tìm về” đầu tư vào nông nghiệp.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Cường cũng chỉ ra những bất cập của ngành nông nghiệp hiện nay, là chưa hình thành sản xuất lớn, chưa bền vững, phổ quát.
Đến nay 13,8 triệu hộ nông dân với 78 triệu miếng ruộng chưa tổ chức được dưới dạng tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp. Trong khi đó, yếu tố khoa học kỹ thuật, từ sản xuất, chế biến, thương mại ở cấp thấp.
“Cũng vì thế, giá nông sản của ta còn thấp, chuỗi giá trị ngắn, bấp bênh về thị trường. Về mặt quản lý, kể cả từ Bộ đến các địa phương còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng chuyển đổi theo nhu cầu của ngành nông nghiệp”- ông Cường nói.
Ông Cường cho hay, thời gian tới, để đáp ứng sản xuất lớn, tập trung, ứng phó với biến đổi khí hậu, thắng lợi trong hội nhập, rất cần về yếu tốt khoa học trong nông nghiệp.
Năm 2017, Bộ NN&PTNT sẽ tập trung triển khai tái cơ cấu ngành theo hướng rà soát tập trung 3 trục sản phẩm. Theo đó, nhóm sản phẩm quốc gia chủ yếu có kim ngạch xuất khẩu 1 tỷ US trở lên và thịt lợn.
Tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch, xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng giống mới, quy trình tiên tiến, công nghệ cao. Cùng đó, là nhóm chủ lực cấp tỉnh, thành phố và nhóm đặc sản vùng miền.
Tại hội nghị chiều 3/1, Bộ trưởng Cường cũng chỉ đạo các đơn vị thuộc bộ ký kết với các doanh nghiệp đầu tư vào nhiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ, gắn tổ chức nghiên cứu với doanh nghiệp.
Theo đó, Tổng cục Thuỷ sản phối hợp với Tập đoàn Hùng Vương xây dựng chuỗi sản xuất, cung ứng con giống chất lượng cao và liên kết tiêu thụ cá tra. Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản II phối hợp với Tập đoàn Việt Úc nghiên cứu và chuyển giao công nghệ sản xuất tôm nước lợ.
Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Lộc Trời nghiên cứu và chuyển giao công nghệ giống cây trồng và phân bón. Viện Di truyền Nông nghiệp phối hợp với Trường Đại học Trà Vinh nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao công nghệ trong chọn tạo giống dừa và một số loài cây trồng nông nghiệp.
Theo Bộ NN&PTNT, sau ba năm triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành, đến nay, các nhà khoa học đã tạo ra gần 150 giống cây trồng, vật nuôi mới, 65 quy trình công nghệ, 35 tiến bộ kỹ thuật cùng nhiều giải pháp trong các lĩnh vực, kịp thời ứng dụng chuyển giao vào thực tiễn sản xuất.