Bên lề hội nghị chuyên đề quản lý chất lượng an toàn thực phẩm tại TPHCM ngày 20/4, xung quanh vụ việc cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông phát hiện một cơ sở trộn phế phẩm cà phê với lõi pin, ông Vũ Văn Tám cho biết vụ việc vẫn đang chờ kết luận của cơ quan điều tra.
“Hiện công an vẫn đang xác minh mục đích của chủ cơ sở trong việc trộn phế phẩm cà phê với lõi pin để làm gì. Nếu xác định cơ sở trên pha trộn như vậy để làm thức uống, tức thực phẩm cho người sẽ xử lý hình sự. Đây là vụ việc rất đáng tiếc nhưng mang tính cá biệt, không vì vậy mà có nhận định rằng thực phẩm bây giờ mất an toàn hơn trước đây” - ông Tám nhấn mạnh.
Theo ông Tám, cà phê đang là ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong năm 2017 đã đạt 3,2 tỷ USD. Ngay trong quý 1/2018, xuất khẩu cà phê Việt Nam cũng đạt gần 1 tỷ USD.
Ông Nguyễn Văn Chương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông thông tin, đến thời điểm hiện tại, cơ sở vẫn chưa khai báo mục đích trộn phế phẩm cà phê, bột đá và lõi pin để làm gì.
Ông Chương cho biết, vào thời điểm kiểm tra, tại cơ sở không phát hiện có dụng cụ rang xay, không có bao bì cà phê, cũng không có cà phê rang xay. Họ chỉ khai báo lòng vòng rằng do cơ sở kinh doanh kém hiệu quả nên làm như vậy để giả hồ tiêu làm hồ sơ vay vốn ngân hàng.
Vốn là cán bộ từ Chi cục Bảo vệ thực vật vừa được chuyển về Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản Đắk Nông chưa lâu, vụ việc khiến ông Chương “rất mệt mỏi” vì bị truy về trách nhiệm quản lý trên địa bàn.
“Sau vụ việc, nhiều người nói đùa lên Đắk Nông “uống cà phê pin” làm ảnh hưởng đến tình hình tiêu thụ cà phê tại địa phương. Tôi khẳng định các sản phẩm cà phê có thương hiệu vẫn đảm bảo an toàn thực phẩm và được giám sát tốt”- ông Chương nói.
Trước đó, ngày 17/4, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Đắk Nông phối hợp với các cơ quan chức năng bắt quả tang cơ sở kinh doanh nông sản của bà Nguyễn Thị Thanh Loan (xã Đắk Wer huyện Đắk R’lấp) nhuộm đen cà phê bằng bột pin.
Tại hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện có hàng chục tấn cà phê “bẩn” cùng đất, đá được tập kết ở kho, trong đó có 12 tấn cà phê đã được nhuộm đen bằng lõi pin, cùng nhiều nguyên liệu, phụ gia để thực hiện quá trình này. Bước đầu, chủ cơ sở khai nhận, trong thời gian qua, đã thu mua các loại cà phê kém chất lượng từ các đại lý, sau đó pha trộn lõi pin, các loại hóa chất để làm đẹp. Số cà phê sau khi được nhuộm đen bằng pin được đóng gói rồi bán ra thị trường.