Bỏ điểm sàn không quan trọng bằng bỏ tư duy ăn xổi, ở thì

Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
TPO - Nhiều người lo lắng khi Bộ GD-ĐT cho phép bỏ điềm sàn các trường ĐH sẽ tuyển sinh tràn lan, không loại trừ khả năng một số trường sẽ “ăn xổi”, tuyển sinh dễ dãi, chất lượng đầu vào thấp làm cho sản phẩm đầu ra thấp, doanh nghiệp chê, lại thất nghiệp. 

Ăn xổi, sản xuất ra hàng kém chất lượng

Nỗi lo này xuất phát từ thực tế vốn có thật từ những năm qua nhiều trường vội vã thành lập, vội vã tuyển sinh, rồi nhanh chóng phải đóng cửa. 

Khi Bộ GD-ĐT không còn quy định điểm sàn trong xét tuyển đại học một số trường kém chất lượng sẽ lợi dụng quy định này để tuyển sinh ào ạt. 

Việc bỏ điểm sàn chỉ nên diễn ra khi tất cả các trường đại học của Việt Nam được kiểm định chất lượng. Tuy nhiên, hiện chỉ có khoảng 10 trường đại học trong cả nước thực hiện kiểm định chất lượng, trong khi đó, hệ thống đại học của Việt Nam khoảng hơn 300 trường. Ngoài ra, khi bỏ điểm sàn sẽ ảnh hưởng đến những bậc đào tạo thấp hơn, như việc tuyển sinh của các trường cao đẳng sẽ gặp khó khăn.

Tuy nhiên, việc làm ăn gian dối, “ăn xổi”, “sản xuất” ra “hàng dởm” thì sẽ không “bán” được, đóng cửa là tất yếu. Cơ chế thị trường cạnh tranh sẽ có hai hệ thống giám sát chất lượng là báo chí (phản ánh thực tiễn) và quản lý nhà nước. 

Thực tiễn cũng sẽ giúp các trường rút ra những bài học để nâng cao chất lượng. Hệ thống đào tạo theo cơ chế thị trường, cạnh tranh lành mạnh sẽ dần được định vị và tạo ra những bước tiến về chất lượng để “sản phẩm” đào tạo ra đáp ứng tốt hơn với yêu cầu sử dụng.

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng các trường không thể lừa gạt xã hội mà làm ẩu. Các trường sẽ phải tìm ra cách để làm cho sản phẩm có chất lượng, phù hợp với định hướng và mục tiêu đã cam kết với thí sinh, với xã hội thì mới tồn tại. 

Cụ thể là phải nghiêm túc trong việc vạch ra định hướng, mục tiêu và có chính sách thực hiện phù hợp như: phải đầu tư chăm sóc cho sinh viên, cho cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên nhiều hơn”. 

Hiệu trưởng một trường ĐH tư thục từng nhấn mạnh: “Không chỉ trường tư mà ngay cả trường ĐH công cũng đang dần thực hiện quyền tự chủ để vận hành theo cơ chế thị trường”.

Trong điều kiện đó, nếu muốn tồn tại, trường ĐH nhất định phải đào tạo thật tốt, tăng cường trách nhiệm với chính mình và với xã hội. Đã qua rồi thời đua nhau mở trường, mở ngành cốt chỉ dụ thí sinh vào học để hốt bạc.

Năm 2016, lượng thí sinh nộp đơn đăng ký vào các trường giảm mạnh. Nhiều trường tốp trên thiếu hàng trăm chỉ tiêu. Một số trường thậm chí đưa ra nhiều suất học bổng, tổ chức bốc thăm trúng thưởng để thu hút thí sinh. Không ít trường gọi đến 150% chỉ tiêu vẫn không đủ sinh viên.

Hàng trăm nghìn cử nhân thất nghiệp, con số biết nói

Theo Bản tin thị trường lao động quý 2/2016 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vừa công bố, trong quý 2/2016, cả nước có 1,088 triệu người lao động trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp. Con số này đã tăng 16.400 người so với quý 1/2016.

Có 418.200 người có chuyên môn kỹ thuật bị thất nghiệp, chiếm tới 40%. Trong đó có 191.300 người có trình độ từ đại học trở lên, 94.800 người có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp và 59.100 người có trình độ trung cấp chuyên nghiệp.

Thất nghiệp sẽ vẫn là câu chuyện được nhắc dài dài, nhưng để thay đổi nó, không chỉ cần sự kết hợp, giải quyết giữa các bộ ban ngành, mà còn cần thay đổi tư duy của các bạn trẻ trước ngưỡng cửa cuộc đời, để không còn những câu trả lời đầy lúng túng, mông lung khi được hỏi “bạn muốn làm gì trong tương lai”.

Trung bình mỗi năm Việt Nam cho ra lò 400.000 cử nhân, gấp hơn chục lần nhu cầu của thị trường. Nhưng điều đáng buồn, số lượng đào tạo lại tỷ lệ nghịch với chất lượng đầu ra.

Một nguyên nhân khác, xuất phát từ chính các cử nhân. Sàn giao dịch việc làm, nơi các cử nhân viên lộ rõ nhất điểm yếu của mình: thiếu các kỹ năng cần thiết. Trung bình cứ 10 cử nhân, có tới 6 người thiếu kỹ năng và tiếng Anh, 4 người thiếu kiến thức chuyên môn.

Con số 191.000 cử nhân thất nghiệp là con số biết nói. Nó khiến cho người ta không khỏi hoài nghi về những gì sinh viên được học, được dạy ở trường lớp. 4 đến 5 năm học đại học, nhưng các tân cử nhân hầu hết mù mờ về tương lai chính mình. Họ không hình dung ra được mình muốn làm gì, trở thành cái gì.

Thực tế cho thấy, nhiều sinh viên dù tốt nghiệp loại giỏi nhưng vẫn bị đơn vị tuyển dụng lao động từ chối vì thiếu kỹ năng làm việc, kinh nghiệm. Bởi những gì họ học được trên giảng đường vẫn rất xa lạ so với nhu cầu tuyển dụng.

Thất nghiệp sẽ vẫn là câu chuyện được nhắc dài dài, nhưng để thay đổi nó, không chỉ cần sự kết hợp, giải quyết giữa các bộ ban ngành, mà còn cần thay đổi tư duy của các bạn trẻ trước ngưỡng cửa cuộc đời, để không còn những câu trả lời đầy lúng túng, mông lung khi được hỏi “bạn muốn làm gì trong tương lai”.

Các chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do chúng ta đang đào tạo những ngành nghề và kỹ năng nhà trường có chứ không đào tạo ngành nghề xã hội cần. Trong khi đó, thị trường lao động vẫn luôn “khát” nhân sự, đặc biệt ở nhóm có chuyên môn cao và thợ kỹ thuật lành nghề.

Nên chuyển đào tạo ĐH hàn lâm sang ứng dụng

Thừa nhận thực trạng khủng hoảng nhân sự, đặc biệt là tình trạng cử nhân thất nghiệp đang là vấn đề nhức nhối trong xã hội, ông Trần Văn Vinh, Giám đốc phụ trách khối đào tạo, Trường Đại học Nguyễn Trãi cho rằng: Thực tế này đòi hỏi các trường đại học cần phải xem xét lại chương trình đào tạo lẫn mô hình đào tạo của chính mình để điều chỉnh cho phù hợp hơn với những đòi hỏi từ thị trường lao động.

Để giải quyết bài toán này, theo ông Vinh, hiện nay có một số trường đại học trong nước đang chuyển đổi mô hình đào tạo từ đại học hàn lâm sang đại học ứng dụng - mô hình đào tạo tiên tiến được áp dụng phổ biến tại các nước phát triển.

Theo mô hình này, sinh viên sẽ học 30% lí thuyết trên giảng đường, 70% phần kiến thức còn lại sẽ là trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp. Với việc áp dụng mô hình đại học ứng dụng, sinh viên sẽ có cơ hội thực tập, làm việc trực tiếp tại doanh nghiệp ngay từ năm thứ nhất.

“Việc đào tạo sinh viên trở thành những con người toàn diện là mục tiêu cốt lõi của mô hình đại học ứng dụng. Ngoài kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn, thành thạo ngoại ngữ, sinh viên còn được trang bị thêm 15 kỹ năng mềm và kỹ năng hội nhập. Mô hình đại học ứng dụng đảm bảo sinh viên tốt nghiệp có việc làm với thu nhập cao và cơ hội thăng tiến tốt cho tương lai”, ông Vinh cho hay.

MỚI - NÓNG