Trả lời phóng viên Tiền Phong, ông Đỗ Văn Giang, Phó Vụ trưởng Dạy nghề Chính quy (Tổng cục Dạy nghề) cho biết, chủ trương của Đảng, Nhà nước hiện nay tập trung phát triển giáo dục nghề nghiệp, để lấy lại sự hợp lý trong cơ cấu nhân lực. Chỉ thị số 10 của Bộ Chính trị đặt mục tiêu: “Phấn đấu đến 2020, có 30% số học sinh trung học phổ thông (THPT) đi học nghề”.
Do đó, ông Giang cho rằng, điểm sàn ĐH ngoài đảm bảo chất lượng đầu vào, còn giúp phân luồng học sinh. Việc Bộ GD&ĐT đưa ra Dự thảo Tuyển sinh ĐH năm 2017 bỏ điểm sàn (chỉ cần tốt nghiệp THPT đã đủ điều kiện vào ĐH) đang đi ngược lại chủ trương trên. Đồng thời, bỏ điểm sàn ĐH sẽ phá vỡ quy hoạch, định hướng phân luồng học sinh vào học nghề và phát triển giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời, làm nặng thêm tâm lý bằng cấp trong xã hội, gây trầm trọng thêm cơ cấu nhân lực đang bất cập hiện nay. “Học ĐH phải những người có tố chất, năng lực, trình độ. Nếu ai học xong THPT đều có thể vào ĐH, với cách dạy và học của Việt Nam hiện nay chất lượng sẽ không bảo đảm”, ông Giang nói.
Lãnh đạo Vụ Dạy nghề Chính quy nói thêm, việc đào tạo ĐH cũng phải theo nguyên tắc thị trường. Đặc biệt khi tỷ lệ thất nghiệp ở trình độ ĐH trở lên ngày càng cao, đó là những con số “báo động đỏ” về sự bất hợp lý trong cơ cấu đào tạo nhân lực của nước ta. Chúng ta đang có tỷ lệ 1 cử nhân nhưng chỉ có 0,46 lao động trực tiếp (gồm cả cao đẳng, trung cấp, sơ cấp), đây là tháp ngược trong cơ cấu nhân lực, đi ngược thị trường. Không ngạc nhiên khi mỗi năm có hơn 400.000 cử nhân trở lên ra trường thất nghiệp (chiếm gần 50% cử nhân ra trường), nhiều người phải giấu bằng ĐH đi làm công nhân.
“Đây là sự nghiệt ngã khách quan của thị trường lao động. Bất cứ nước nào, dù phát triển hay đang phát triển, nhu cầu về lao động trực tiếp (lao động nghề) luôn nhiều hơn lao động gián tiếp (cử nhân). Như 1 kiến trúc sư mỗi năm có thể dựng thiết kế hàng trăm công trình, nhưng để làm được 1 công trình đó phải mất hàng trăm, thậm chí hàng ngàn thợ trong vài năm. “Nếu tiếp tục tăng tỷ lệ sinh viên ĐH, dù chất lượng đào tạo có lên, thị trường lao động cũng không cung cấp đủ chỗ làm cho trình độ này”, ông Giang nói.
Biểu đồ số lao động thất nghiệp theo trình độ chuyên môn kỹ thuật quý 2-3/2016. Nguồn: Bản tin Cập nhật thị trường lao động.
Đại diện Tổng cục Dạy nghề cũng cho biết thêm, Dự thảo Thông tư quy định quy chế tuyển sinh và xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ cao đẳng, trung cấp được đưa ra mới đây không quy định điểm sàn với cao đẳng. Dự thảo chỉ đưa ra những quy định để các trường cao đẳng, trung cấp tự xác định điều kiện tuyển sinh nhằm đảm bảo chất lượng đầu vào, phù hợp với từng ngành nghề đào tạo. Yêu cầu tối thiểu với trường cao đẳng là học sinh phải tốt nghiệp THPT, cao đẳng phải tốt nghiệp trung học cơ sở.
Bộ GD&ĐT: Trường phải công bố ngưỡng điểm xét tuyển
Sau khi lắng nghe ý kiến của dư luận xã hội và các trường cao đẳng trước dự định bỏ điểm sàn tuyển sinh đại học năm 2017, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết trong thông tư hướng dẫn tuyển sinh sắp tới, Bộ GD&ĐT sẽ yêu cầu bắt buộc các trường phải công bố công khai điểm sàn nhận hồ sơ. Trao đổi với PV Tiền Phong, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho hay, thay vì Bộ công bố điểm sàn chung như trước đây thì từ nay các trường tự công bố điểm sàn cho trường mình phù hợp với ngành nghề đa dạng, yêu cầu đảm bảo chất lượng cũng như chiến lược phát triển lâu dài của trường. Chọn điểm sàn thấp không những không thu hút được thí sinh mà càng khiến cho thí sinh quay lưng. Hiện tại Bộ đang đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng. Thực tế mùa tuyển sinh năm 2016 đã có hơn 30% thí sinh dự thi THPT không có nguyện vọng xét tuyển vào ĐH.
Theo Bản tin Cập nhật thị trường lao động do Bộ LĐ-TB&XH công bố, quý I/2014 có 162,4 nghìn sinh viên trình độ đại học trở lên thất nghiệp, và tăng liên tục những năm sau đó, tới quý III/2016, số cử nhân trở lên thất nghiệp đã hơn 202,3 nghìn người.