Theo bà Hiền, trong nửa đầu năm, thực hiện quy định quản lý nhà nước trong kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định kiểm tra việc duy trì điều kiện kinh doanh xăng dầu của 6 doanh nghiệp đầu mối và 8 thương nhân phân phối. Việc kiểm tra các doanh nghiệp này đang được thực hiện và chưa có kết quả cuối cùng.
Cùng với đó, qua rà soát báo cáo tình hình duy trì điều kiện kinh doanh, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tổng cục Quản lý thị trường kiểm tra 4 thương nhân đầu mối; 20 thương nhân phân phối có dấu hiệu vi phạm để xem xét xử lý theo quy định.
“Hằng năm, theo quy định về quản lý nhà nước trong kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương vẫn thường xuyên lập kế hoạch kiểm tra việc duy trì điều kiện kinh doanh của các thương nhân kinh doanh xăng dầu. Tất cả các đầu mối và thương nhân phân phối xăng dầu dù lớn hay nhỏ bộ đều sẽ có kế hoạch kiểm tra. Việc kiểm tra này không liên quan và không ảnh hưởng đến tổng nguồn xăng dầu trong nước”, bà Hiền cho hay.
Công ty TNHH thương mại xăng dầu Hoàng Lâm Petrol bị phát hiện ngừng kinh doanh nhưng không báo cáo cơ quan quản lý |
Về việc chấp hành quy định pháp luật của các doanh nghiệp, theo đánh giá của Bộ Công Thương, về cơ bản, các thương nhân đã chấp hành quy định pháp luật về kinh doanh xăng dầu, báo cáo duy trì, thay đổi hệ thống phân phối, báo cáo tình hình sản xuất, xuất, nhập, tồn kho, báo cáo quỹ bình ổn giá, kê khai giá bán... định kỳ theo quy định và đột xuất theo yêu cầu của Bộ Công Thương. Tuy nhiên, vẫn còn một số thương nhân chưa chủ động báo cáo để bộ phải nhắc nhở.
Liên quan đến việc kiểm tra các thương nhân phân phối xăng dầu, theo thông tin của PV Tiền Phong, Tổng cục Quản lý thị trường mới đây đã ban hành quyết định xử phạt đối với 4 thương nhân phân phối có trụ sở chính ở quận 1, quận 7, Tân Bình, và TP. Thủ Đức - TPHCM. 4 doanh nghiệp này bị xử phạt từ 30-35 triệu đồng do có vi phạm về điều kiện kinh doanh, không đáp ứng quy định về hệ thống phân phối và có vi phạm trong việc báo cáo theo quy định. Một thương nhân phân phối khác ở quận Liên Chiểu - TP. Đà Nẵng bị xử phạt gần 100 triệu đồng do không đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu; không đăng ký hệ thống phân phối…
Năm 2024, tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2024 Bộ Công Thương phân giao cho các doanh nghiệp đầu mối (36 đơn vị) thực hiện tổng cộng hơn 28,43 triệu m3/tấn xăng dầu các loại
Theo báo cáo của 2 nhà máy lọc dầu và Tổng cục Hải quan, tổng nguồn sản xuất và nhập khẩu xăng dầu 6 tháng đầu năm đạt 12,41 triệu tấn, tương đương khoảng 15,2 triệu m3/tấn xăng dầu các loại. Trong đó, nhập khẩu chiếm 44,5%, sản xuất trong nước chiếm 55,5%.