Kiểm tra một 'đại gia' xăng dầu nổi tiếng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Bộ Công Thương vừa lập đoàn kiểm tra doanh nghiệp đầu mối xăng dầu có quy mô lớn tại miền Bắc là Công ty TNHH Hải Linh, trụ sở tại Phú Thọ. Sở công thương 7 tỉnh được đề nghị xác minh, cung cấp thông tin về các đại lý bán lẻ xăng dầu trực thuộc hệ thống phân phối của Công ty Hải Linh.

Liên quan đến điều kiện kinh doanh của Công ty TNHH Hải Linh, Bộ Công Thương có yêu cầu Sở Công Thương Phú Thọ xác minh và cung cấp thông tin về 9 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc sở hữu và 15 đại lý bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống của Công ty TNHH Hải Linh trên địa bàn.

Các Sở Công Thương tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn, Hà Giang, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Ninh cũng được Bộ Công Thương đề nghị xác minh, cung cấp thông tin về các đại lý bán lẻ xăng dầu trực thuộc hệ thống phân phối của Công ty Hải Linh đang hoạt động trên địa bàn các tỉnh.

Kiểm tra một 'đại gia' xăng dầu nổi tiếng ảnh 1
Ông Lê Văn Tám - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hải Linh (trái) tại buổi lễ ký kết bán 49% cổ phần của Kho cảng LNG Cái Mép tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo thông tin của PV Tiền Phong, Công ty TNHH Hải Linh có địa chỉ ở khu 2, xã Sông Lô, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Đây là một trong những doanh nghiệp đầu mối nổi tiếng, thuộc hàng lớn nhất ở khu vực phía Bắc và luôn nằm trong nhóm các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu lớn nhất Việt Nam. Có những giai đoạn, Công ty TNHH Hải Linh là một trong 8 doanh nghiệp có doanh thu đạt trên 10.000 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính năm 2019, Hải Linh có doanh thu thuần đạt 18.880 tỷ đồng, vượt xa cả Công ty TNHH Vận tải Thủy bộ Hải Hà của nữ doanh nhân Trần Tuyết Mai (bị bắt đầu năm 2024), và Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Long Hưng (doanh thu thuần năm 2019 đạt gần 10.383 tỷ đồng).

Dù đạt mức doanh thu và có sự tăng trưởng rất tốt giai đoạn 2017-2019, lợi Công ty Hải Linh lại có xu hướng giảm qua từng năm. Năm 2017 công ty đạt lợi nhuận 469,9 tỷ đồng, năm 2018 giảm xuống còn 423,3 tỷ đồng và 2019 là 449 tỷ đồng.

Ngoài việc bị "bêu tên" vì không nhập khẩu đủ hạn mức phân giao năm 2020, tháng 7/2022, Hải Linh bị xử phạt 60 triệu đồng do phát hiện không gửi đăng ký phân phối xăng dầu định kỳ với Bộ Công Thương theo quy định. Tại thời điểm năm 2022, theo kê khai, công ty có 13 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trực thuộc, 1 tổng đại lý và 67 đại lý xăng dầu.

Đầu năm nay, Chủ tịch Công ty TNHH Hải Linh là ông Lê Văn Tám đã có văn bản gửi Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính và Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương - giải thích về kết luận của Thanh tra Chính phủ liên quan đến việc doanh nghiệp này sử dụng sai mục đích trên 2.551 tỷ đồng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.

Hồi tháng 4, Cục Thuế tỉnh Phú Thọ đã ban hành quyết định về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính đối với Công ty TNHH Hải Linh với số tiền hơn 160 tỷ đồng do có số tiền nợ thuế quá 90 ngày hết thời hạn nộp thuế theo quy định.

Cũng trong thời gian này, Bộ Công Thương đã lập đoàn kiểm tra điều kiện cấp giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối đối với nhiều doanh nghiệp xăng dầu khác ở TPHCM. Trong số các doanh nghiệp bị kiểm tra có Công ty Cổ phần Thương mại và dịch vụ CTV. Đoàn kiểm tra cũng kiểm tra trực tiếp tại trụ sở làm việc cùng 7 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc đại lý và các cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc sở hữu công ty CTV.

Trong một báo cáo mới đây của đơn vị chức năng gửi Bộ Công Thương, việc kiểm tra cấp phép được đánh giá là cần thiết đối với các doanh nghiệp đầu mối tư nhân ở Việt Nam do đang có những vấn đề cần xem xét về việc tuân thủ quy định về điều kiện kinh doanh.

Theo báo cáo, trong số các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu bị Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Công Thương và Quản lý thị trường vào kiểm tra tình hình hoạt động trong những năm gần đây, tình trạng vi phạm quy định về dự trữ, vi phạm về hệ thống đại lý, hoạt động kinh doanh xăng dầu diễn ra tràn lan với những doanh nghiệp đầu mối tư nhân mới được cấp phép.

MỚI - NÓNG