Bộ Công thương kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho ngành năng lượng

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi làm việc với Bộ Công Thương sáng 11/7.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi làm việc với Bộ Công Thương sáng 11/7.
TPO - Tại buổi làm việc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Bộ Công Thương sáng 11/7, lãnh đạo Bộ Công Thương kiến nghị Đảng quan tâm đặc biệt hơn đến ngành năng lượng do nguy cơ thiếu điện đang hiện hữu. Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng kiến nghị Đảng cần có một nghị quyết để có những định hướng lớn về phát triển năng lượng từ nay tới năm 2030.

Báo cáo Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng lãnh đạo nhiều ban, ngành của Đảng tại buổi làm việc với cán bộ chủ chốt của Bộ Công Thương về tình hình thực hiện Nghị quyết đại hội XII của Đảng và các nghị quyết của T.Ư Đảng trong lĩnh vực công thương, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho hay, thời gian trước đây, ngành điện đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo rất sâu sát, cụ thể từ lãnh đạo Đảng, Chính phủ và đã có bước phát triển lớn, đảm bảo được nhu cầu của sản xuất lẫn tiêu dùng. Nhờ sự chỉ đạo đó mà việc đảm bảo điện cho nền kinh tế được đảm bảo mà điển hình là đợt nắng nóng kéo dài vừa qua nhưng người dân không còn bị cắt điện luân phiên như cách đây 10 năm dù tăng trưởng điện sản xuất vẫn ở mức 2 con số.

Theo ông Vượng, để đảm bảo phục vụ nền kinh tế tăng trưởng 7%/mỗi năm trong giai đoạn tới, ước tính công suất nguồn của hệ thống điện đến năm 2025 phải nâng lên đến 96.000 MW, gấp đôi hiện nay. Tuy nhiên, một trong những vấn đề cần quan tâm thời gian tới của ngành công thương chính là nguy cơ thiếu điện có thể xảy ra sau năm 2020 do nhiều dự án điện đang bị chậm tiến độ. Trong đó, có hơn 10 dự án BOT do tư nhân đầu tư, kéo theo rất nhiều khó khăn cho cung ứng điện khoảng sau năm 2021.

Theo ông Vượng, hiện có nhiều quan điểm gây sức ép đến phát triển ngành điện ở Việt Nam. Cụ thể đi đâu cũng nghe nói không được làm nhà máy nhiệt điện than trong khi xây một nhà máy điện than rất khó, thủy điện gây lũ lụt trong khi năng lượng tái tại chưa thể phát triển nhanh do giá thành quá cao. Ngay cả ở các địa phương, hầu như các địa phương, nếu có lựa chọn, đều nói không với nhiệt điện than. Trong khi các nước như Nhật, Mỹ đến nay họ vẫn phát triển nhiệt điện than mới.

“Ngành năng lượng rất cần Đảng có một Nghị quyết định hướng về phát triển ngành năng lượng từ nay đến 2030. Cùng đó, Chính phủ cần có những chính sách về giá năng lượng, đất đai, vốn. Hiện nay chúng ta đang áp dụng chung một chính sách đền bù, thực hiện với tất cả các ngành nghề trong khi nếu áp dụng với các dự án điện lớn thì rất vướng mắc”, ông Vượng nói.

Ông Vượng cũng kiến nghị thành lập Ban Chỉ đạo nhà nước về năng lượng. Ngành năng lượng có ba ngành chính gồm xăng, điện, dầu khí và đều có liên quan đến nhau vì vậy rất cần có Ban Chỉ đạo nhà nước để giải quyết những vấn đề vướng mắc cho các dự án lớn. “Trước chúng ta hoàn thành sớm thủy điện Sơn La cũng nhờ có Ban Chỉ đạo sớm giải quyết các vướng mắc”, ông Vượng đề xuất.

Đại diện ngành hóa chất, ông Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cho hay, giai đoạn trước 2015 tập đoàn vẫn sản xuất có lãi. Nhưng từ cuối 2015 đến nay, tập đoàn đã bị lỗ gần 800 tỷ đồng. Các bộ ngành đã có nhiều cuộc thanh tra đối với các dự án thua lỗ của đơn vị. Nguyên nhân được chỉ ra là do các yếu tố con người, đây cũng là yếu tố khó khăn nhất trong việc thực hiện tái cơ cấu.

Dẫn việc tái cơ cấu Đạm và Hóa chất Hà Bắc, theo ông Cường, kết quả cho thấy, việc sắp xếp, tái cơ cấu và tiết giảm chi phí đã giúp mang lại tới hơn 50% lợi nhuận. “Hóa chất là ngành công nghiệp cơ bản, sản xuất phục vụ nền kinh tế nhưng do vấn đề môi trường nên phải di dời. Giờ nói đến hóa chất, nhiều địa phương không muốn nhận giống như tình trạng của nhiệt điện than. Các nhà máy nếu phải đặt ở nơi hẻo lánh thì rất khó để cạnh tranh. Chúng tôi cam kết các dự án sẽ tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường và mong muốn các địa phương, người dân có cách nhìn thiện cảm hơn”, ông Cường cho hay.

Chia sẻ về việc phát triển ngành năng lượng trong thời gian tới, theo Trưởng Ban Kinh tế T.W Nguyễn Văn Bình, việc phát triển năng lượng đến 2030 cần ít nhất từ 60-150 tỷ USD để phát triển năng lượng. Đây là một số tiền rất lớn vì vậy Bộ Công Thương cần có hướng mới trong phát triển năng lượng cũng như có chính sách thu hút tư nhân tham gia.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cũng bày tỏ lo ngại trước những vấn đề của ngành công thương. Theo đó, việc nhiều dự án điện chậm tiến độ và nguy cơ thiếu điện là hiện hữu. Việc thiếu điện, chậm phát triển công nghiệp hỗ trợ, bảo vệ môi trường trong thời gian tới cũng là những vấn đề sẽ làm giảm tốc độ phát triển của đất nước nếu không được ngành công thương sớm xử lý. “Công nghiệp ô tô không đạt như mục tiêu đặt ra, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao cũng là những vấn đề lớn với ngành công thương”, ông Dũng nói.

Theo Phó Thủ tướng, ngành công thương cần theo dõi sát hơn các chính sách bảo hộ của các nước để từ đó đề ra các giải pháp bảo vệ sản xuất trong nước. “Bộ Công Thương cần tập trung tái cơ cấu ngành và giải quyết những điểm yếu kém của ngành. Cần đẩy nhanh tiến độ các dự án điện và xây dựng các chính sách để thu hút vốn đầu tư tư nhân tham gia.

Kết luận buổi làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng Bộ Công Thương là một bộ lớn với nhiều lĩnh vực quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh những việc làm được, theo Tổng Bí thư, ngành công thương cũng để xảy ra nhiều vấn đề đáng tiếc. Theo đó, một loạt các quan chức, cựu quan chức của ngành công thương đã phải chịu kỷ luật như cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, Hồ Thị Kim Thoa, Trịnh Xuân Thanh rồi các vụ việc khác của ngành dầu khí.

Cũng theo Tổng Bí thư, dù làm được nhiều nhưng vẫn còn nhiều điểm ngành công thương chưa làm được, không thể chủ quan, thỏa mãn, sai một ly là đi một dặm. Có ba đầu việc lớn ngành công thương cần tập trung trong thời gian tới. Cụ thể, ngành công thương cần nắm vững, thật chắc chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển ngành công thương. Đồng thời nắm thật chắc về tình hình diễn biến thế giới. Việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách của ngành công thương cũng là một nhiệm vụ đặt ra với ngành công thương.

Báo cáo với Tổng Bí thư tại buổi làm việc với Bộ Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã điểm lại nhiều việc làm được của ngành trong việc đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Theo ông Trần Tuấn Anh, cùng với việc chuyển hướng, tái cơ cấu lĩnh vực công nghiệp, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, với mức tăng 12,7%, đã khẳng định được vai trò là trụ đỡ, là động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng công nghiệp.

Bên cạnh đó, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam những năm qua cũng đạt được những kết quả ấn tượng, đóng góp vào bức tranh tăng trưởng chung của nền kinh tế cả nước. Trong đó, năm 2017 là năm đặc biệt thành công của hoạt động xuất khẩu khi lần đầu tiên xuất khẩu vượt mốc 200 tỷ USD, tăng trưởng trên 21% so với năm 2016. Nhập khẩu được kiểm soát tốt, giúp đạt thặng dư thương mại hai năm liên tiếp và 6 tháng đầu năm 2018 tiếp tục đạt thặng dư khi xuất siêu 2,71 tỷ USD, qua đó góp phần lành mạnh hóa và cải thiện các cân đối vĩ mô khác của nền kinh tế.

Công tác khai thác cơ hội từ cam kết hội nhập đã được thực hiện có hiệu quả hơn. Tất cả các thị trường mà Việt Nam có quan hệ thương mại tự do đều ghi nhận mức tăng trưởng xuất khẩu vượt trội.

Với thị trường trong nước, từ năm 2016 đến nay, thương mại nội địa tiếp tục giữ được đà tăng trưởng với tốc độ tăng tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ xã hội ở mức 2 con số, năm sau tăng cao hơn năm trước. Thương mại nội địa năm 2016 tăng 10,2%; năm 2017 tăng 10,9% và 6 tháng đầu năm 2018 tăng 10,1%. Qua đó đã cùng với xuất khẩu và đầu tư trở thành trụ đỡ quan trọng, góp phần bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế chung của cả nước. Cung cầu, giá cả hàng hóa, dịch vụ trong nước ổn định, không xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá, kể cả trong các dịp lễ, tết hoặc ở các địa bàn gặp khó khăn do thiên tai, từ đó góp phần vào công tác bình ổn thị trường và kiểm soát lạm phát.

MỚI - NÓNG
Cảnh báo cháy rừng cấp nguy hiểm ở Chí Linh và Kinh Môn
Cảnh báo cháy rừng cấp nguy hiểm ở Chí Linh và Kinh Môn
TPO - Sự cố cháy rừng ở khu vực Đền Cao An Phụ (thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) đã được lực lượng chức năng khống chế, ngăn cháy lan. Tuy nhiên, lực lượng chức năng cảnh báo thời tiết hanh khô và lượng lớn cây rừng bị gãy đổ sau bão số 3 nên nguy cơ cháy rừng rất cao, ở cấp độ 4, mức nguy hiểm.