Bộ Công Thương 'vẽ' thêm 'giấy phép con' trong quản lý chợ, siêu thị?

VCCI cho rằng, ác đề xuất mới về quản lý chợ, siêu thị của Bộ Công Thương có bóng dáng như một dạng giấy phép con mới và còn can thiệp vào quyền kinh doanh của doanh nghiệp
VCCI cho rằng, ác đề xuất mới về quản lý chợ, siêu thị của Bộ Công Thương có bóng dáng như một dạng giấy phép con mới và còn can thiệp vào quyền kinh doanh của doanh nghiệp
TPO - Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) cho rằng, các đề xuất mới của Bộ Công Thương có bóng dáng như một dạng giấy phép con mới và còn can thiệp vào quyền kinh doanh của doanh nghiệp trong khi hoạt động siêu thị, trung tâm thương mại không được xem là một dạng ngành, nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định tại Luật Đầu tư.

Theo dự thảo được Bộ Công Thương xây dựng, có quy định yêu cầu siêu thị, trung tâm thương mại phải mở cửa tất cả các ngày trong tuần, kể cả ngày nghỉ lễ, tối thiểu từ 10h sáng đến 22h tối. Dự thảo cũng quy định cả việc về tần suất và số lượng mặt hàng được giảm giá. Cụ thể, Bộ Công Thương yêu cầu mỗi năm, các siêu thị, trung tâm thương mại chỉ được tổ chức 3 đợt bán hàng giảm giá. Các đợt giảm giá phải được chấp thuận bởi cơ quan có thẩm quyền. Mỗi đợt giảm giá phải diễn ra trong tối thiểu 30 ngày, số lượng và ngày diễn ra chương trình giảm giá phải được thông báo cụ thể tại mỗi quảng cáo.

Ngoài ra, mỗi đợt bán hàng giảm giá sau phải cách đợt bán hàng giảm giá trước ít nhất 30 ngày. Chưa kể trong đợt giảm giá, phải có ít nhất 70% hàng hóa được bày bán tại siêu thị, trung tâm thương mại nằm trong chương trình giảm giá.

Không chỉ quy định cụ thể cách thức kinh doanh của doanh nghiệp, dự thảo còn quy định về việc “những người thuộc diện sản xuất nhỏ, tự tiêu thụ sản phẩm của mình (nông dân, thợ thủ công…) và những người buôn bán nhỏ, hàng rong, quà vặt được bố trí bán hàng trong chợ ở khu vực riêng dành cho người kinh doanh không thường xuyên tại chợ và phải chấp hành Nội quy chợ”.

Cùng với việc quy định chi tiết về tần suất khuyến mại, Bộ Công Thương cũng quy định khá sâu về tiêu chuẩn của siêu thị với yêu cầu phải “có diện tích kinh doanh từ 250m2 đến dưới 10.000 m2” và phải phân bố ít nhất 30% gian hàng cho các sản phẩm có nguồn gốc từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam. Cùng đó, siêu thị phải có "các dịch vụ giao hàng tận nhà, bán hàng qua internet, qua bưu điện, điện thoại".

Góp ý cho dự thảo Nghị định của Chính phủ về phát triển và quản lý ngành phân phối, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) cho rằng, Bộ Công Thương đang bộc lộ nhiều lúng túng trong xây dựng luật thông qua việc can thiệp quá sâu vào vào quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp. Chưa kể một số quy định có bóng dáng của việc “cài” các giấy phép con.

Dẫn các quy định hiện hành, VCCI cho rằng, theo tinh thần chỉ đạo được trích dẫn trong Tờ trình Chính phủ, mục tiêu và phạm vi xây dựng Nghị định này chỉ giới hạn ở việc điều chỉnh hai Nghị định 02, Nghị định 114, tức là “phát triển và quản lý chợ”. Tuy nhiên, việc Dự thảo mở rộng phạm vi ra cả ngành phân phối (trong đó bao gồm các cửa hàng, trung tâm đấu giá hàng hóa, siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, cửa hàng … ) dường như đã vượt quá tinh thần chỉ đạo tại Công văn số 12070/VPCP của Văn phòng Chính phủ.

Bên cạnh việc hăng hái làm vượt chỉ đạo của Chính phủ, một số quy định dự kiến tại Nghị định lại được thiết kế theo hướng thêm nhiều ràng buộc một số hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (ví dụ: quy định về khuyến mại, quảng bá, cách đặt tên siêu thị, trung tâm thương mại …) mà không rõ mục tiêu quản lý nhà nước cụ thể ở đây là gì, lại có thể dẫn tới sự can thiệp, cản trở bất hợp lý hoạt động của doanh nghiệp.

“Việc yêu cầu đơn vị kinh doanh khai thác  phải “lập phương án bố trí, sắp xếp ngành nghề kinh doanh, sử dụng điểm kinh doanh tại chợ, trình UBND cấp có thẩm quyền phê duyệt” là sự can thiệp sâu vào quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp một cách bất hợp lý. Hơn nữa, xét về tính minh bạch, đây được xem là một dạng giấy phép tuy nhiên không rõ về tiêu chí và thủ tục để có được loại giấy phép này”, VCCI đánh giá.

Cũng theo VCCI, quy định “thời gian mở cửa: siêu thị, trung tâm thương mại phải mở cửa tất cả các ngày trong tuần, kể cả các ngày nghỉ lễ, tối thiểu từ 10h sáng đến 22h tối” là can thiệp sâu vào quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp. Đây là vấn đề của thị trường, Nhà nước không cần và không nên can thiệp.

“Ít nhất thị trường Việt Nam cũng không ở bối cảnh khan hiếm hàng hóa tiêu dùng đến mức bắt buộc phải duy trì các siêu thị, trung tâm thương mại tất cả các ngày nếu không nói rằng việc các siêu thị, trung tâm thương mại đóng cửa dịp lễ còn là cơ hội cho các hình thức bán lẻ truyền thống, nhỏ lẻ khác. Ngoài ra, cần chú ý là các siêu thị, trung tâm thương mại không phải chỉ toàn bán các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu, ví dụ nhiều siêu thị chuyên ngành điện máy…, không rõ dựa vào căn cứ nào để bắt buộc các siêu thị này duy trì hoạt động tất cả các ngày trong năm?”, VCCI đặt vấn đề.

Cũng theo VCCI, quy định giới hạn về đợt bán hàng giảm giá, các quy định ràng buộc về giảm giá tại dự thảo Nghị  định là chưa hợp lý. Lý do, siêu thị hay trung tâm thương mại không phải là hoạt động đặc thù để đi ngược lại hoặc có chính sách quy định riêng về khuyến mại, trong khi chính sách khuyến mại chung đã có.

“Các quy định giới hạn về khuyến mại tại siêu thị, trung tâm thương mại là sự can thiệp sâu vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp một cách bất hợp lý. Nếu lo ngại các đợt giảm giá tại siêu thị, trung tâm thương mại sẽ ảnh hưởng đến thị trường cạnh tranh thì cần phải kiểm soát theo pháp luật cạnh tranh, chứ không phải kiểm soát riêng theo cách này”, VCCI đánh giá.

Đánh giá về những sức ép đối với thị trường bán lẻ Việt Nam mới đây, trong bài viết gửi Tiền Phong, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, bên cạnh sức ép từ cạnh tranh với các doanh nghiệp ngoại, một sức ép nữa không kém phần quan trọng đó là nhận thức của các ngành các cấp về thị trường bán lẻ nội địa, chính vì vậy, hầu như không có những đầu tư đúng mức và bài bản cho lĩnh vực này. Bán lẻ Việt Nam chưa được xây dựng chiến lược kể cả 3 cấp nhà nước, ngành và doanh nghiệp. 

“Nhận thức đúng vai trò quan trọng của thị trường bán lẻ Việt Nam là đầu ra của sản xuất và nhập khẩu, hiểu rõ những sức ép đối với thị trường để cùng nhau hành động là một vấn đề hết sức quan trọng và cần thiết trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo. Đối với nhà nước cần tạo môi trường kinh doanh bán lẻ thông thoáng, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh trên thị trường, có những chính sách hỗ trợ hợp lý cho ngành bán lẻ nội địa. Kiểm soát thị trường một cách lành mạnh và công bằng, hiệu quả”, ông Phú đánh giá.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.