Bộ Công thương: Hóa đơn điện giảm mạnh đột ngột... do thời tiết

Sau khi đột ngột tăng vào tháng 6 thì hóa đơn tiền điện nhiều gia đình lại giảm không phanh trong tháng 7/2014
Sau khi đột ngột tăng vào tháng 6 thì hóa đơn tiền điện nhiều gia đình lại giảm không phanh trong tháng 7/2014
Trước việc hóa đơn tiền điện nhiều hộ gia đình sau khi được "làm phép" tăng vọt vào tháng 6/2014 nhưng tới tháng 7 lại đột ngột giảm mạnh, lãnh đạo Bộ Công thương cho rằng, chuyện hóa đơn điện tăng, giảm là do… thời tiết. Và chuyện hóa đơn điện tăng, giảm thì tháng nào, năm nào cũng có.

Trả lời câu hỏi của báo giới trước việc sau khi hóa đơn tiền điện tăng đột ngột vào tháng 6/2014, sang tháng 7 lại giảm … không phanh, ông Đinh Thế Phúc – Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công thương) lý giải, hóa đơn tiêu thụ điện của khách hàng tăng hay giảm phụ thuộc nhiều vào thời tiết.

Theo ông Phúc, trong những ngày nắng nóng diễn ra liên tục, khách hàng sử dụng nhiều thiết bị làm mát, như quạt, điều hòa…. thì lượng tiêu thụ điện năng sẽ lớn. Ngược lại, thời tiết mát mẻ hơn, các thiết bị làm mát sử dụng ít hơn thì lượng điện năng sử dụng cũng ít đi.

“Mức chênh lệch giữa nhiệt độ môi trường và thiết bị làm mát càng lớn thì điện năng tiêu thụ càng cao. Nếu mức chênh lệch này là 5 độ thì lượng tiêu thụ điện đương nhiên sẽ ít hơn nếu chênh lệch lên tới 10 độ…”- ông Phúc giải thích.

Cũng theo Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, sau khi có thông tin phản ánh của khách hàng sử dụng điện tăng vọt trong tháng 6, Cục đã tiến hành kiểm ta tại Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) và Bộ Công thương đã có văn bản chỉ đạo gửi tới Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các tổng công ty điện lực trong toàn quốc, yêu cầu thực hiện công khai chu trình, lịch ghi chỉ số công tơ và thông báo cho khách hàng biết chỉ số công tơ trong tháng ngay sau khi ghi để đối chiếu.

Thống kê của Bộ Công thương, tháng 7 có 183.000 khách hàng có hóa đơn giảm 1,5 lần so với tháng 6/2014; lượng khách hàng có hóa đơn điện giảm 2 lần là 75.000 khách hàng.

Nhưng nếu so sánh giữa tháng 5 và tháng 6, thì trong tháng 6 cũng có 79.000 khách hàng hóa đơn tiền điện giảm hơn 1,5 lần và 42.000 khách hàng có hóa đơn điện giảm hơn 2 lần.

Tuy nhiên, số lượng tăng thì tháng 6 có 686.000 tăng 1,5 lần và 234.000 khách hàng có hóa đơn điện tăng 2 lần so với tháng trước. Còn trong tháng 7 số lượng khách hàng có hóa đơn điện tăng vẫn còn, khoảng 55.000 khách hàng tăng 2 lần so với tháng 6.

“Chuyện hóa đơn điện có tháng tăng, tháng giảm thì tháng nào cũng có và năm nào cũng diễn ra”- ông Phúc nói thêm.

Dẫn giải nguyên nhân, vị này cho rằng, trước hết là do thời tiết tháng 7 có khoảng gần 10 ngày cuối tháng mát mẻ hơn tháng 6.

Thứ hai, hóa đơn tiền điện được tính trong 30 ngày, còn tháng 6 là 31 ngày.

Bổ sung ý kiến, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, “dù chỉ hơn nhau 1 ngày nhưng nếu hộ gia đình nào đang ngấp nghé ở các bậc điện cao thì lượng điện và số tiền quy ra cũng được đẩy lên khá nhiều”.

Nguyên nhân thứ 3, lãnh đạo Cục Điều tiết Điện lực lý giải, là do một phần phụ thuộc vào việc sử dụng điện của khách hàng.

Trong tháng 7, sau khi ghi chỉ số sử dụng điện, nếu phát hiện gia đình nào có chỉ số điện tăng gấp đôi hoặc giảm nhiều so với tháng trước thì đều được EVN Hà Nội kiểm tra lại độ chính xác trước khi thông báo tới khách hàng.

Ngoài ra, ông Phúc cũng khuyến cáo, khách hàng sử dụng điện nên đăng ký số điện thoại cho công ty điện lực để nhận tin nhắn chỉ số hóa đơn điện. Nếu có nghi ngờ thì yêu cầu kiểm tra ngay.

Hiện, lượng khách hàng đăng ký nhận tin nhắn từ các công ty điện lực rất ít, như tại Hà Nội chỉ có khoảng 40% khách hàng đăng ký dịch vụ này.

Hiện lịch công khai ghi chỉ số công tơ được EVN Hà Nội công bố tại tất cả phòng giao dịch. Tuy nhiên, do lịch ghi vào giờ hành chính nên các khách hàng cũng khó giám sát.

Thừa nhận sự ảnh hưởng của việc hóa đơn điện đột ngột tăng vọt trong tháng 6/2014 đã ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng cho biết, cơ quan này đã chỉ đạo các đơn vị như EVN, các tổng công ty điện lực kiểm tra, giám sát xử lý những cá nhân vi phạm. Đồng thời, kịp thời thông tin tới người dùng điện.

Về việc sẽ điều chỉnh giá điện thời gian tới, ông Hải khẳng định, "tới thời điểm này Bộ Công thương chưa hề nhận được văn bản trình xin tăng giá điện của EVN. Vì thế, chắc chắn giá điện chưa tăng thời gian tới".

Theo Nguyễn Hoài

Theo Infonet
MỚI - NÓNG