Chiều 1/8, UBND tỉnh Bình Dương tổ chức họp báo thông tin tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm với sự chủ trì của Phó Chủ tịch tỉnh Nguyễn Lộc Hà.
Trả lời câu hỏi của Tiền Phong về hướng giải quyết của tỉnh Bình Dương đối với các trường hợp đất bị thu hồi làm đường Vành đai 3 TPHCM nhưng không có sổ, Phó giám đốc Sở GTVT Nguyễn Thanh Thuận cho biết, trước khi thực hiện các bước để triển khai dự án, ngành chức năng đã tổ chức họp dân, giải thích ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án. Có khoảng 1.500 hộ dân trên địa bàn 3 thành phố là Thủ Dầu Một, Thuận An và Dĩ An chịu ảnh hưởng bởi dự án đường Vành đai 3 TPHCM đi qua..
Người dân làm thủ tục nhận tiền bồi thường tại dự án đường Vành đai 3 TPHCM |
Người dân mong muốn chính quyền tạo mọi điều kiện về công tác đền bù, hỗ trợ, tái định cư để an tâm sớm bàn giao mặt bằng. Trong đó, chính quyền cần phải có phương án cụ thể để bố trí khu tái định cư cho người dân ở vị trí phù hợp và thuận tiện cho việc học tập cũng như ổn định cuộc sống của người dân ở địa điểm mới. Cần áp dụng giá đền bù phù hợp và không thấp hơn quá nhiều so với giá thị trường.
Ông Thuận cũng cho biết, tại các buổi họp dân, người dân đồng thuận cao, các ý kiến đều xoay quanh vấn đề đền bù, tái định cư.
Ngoài ra, một số hộ dân băn khoăn khi diện tích đất ở của họ chưa được cấp quyền sử dụng đất nên không có giấy tờ để xác nhận được đền bù theo quy định. Từ đó, người dân kiến nghị chính quyền cần hướng dẫn cụ thể, đồng thời không căn cứ vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để thực hiện việc đền bù.
Mô phỏng vị trí nút giao Bình Chuẩn sau khi hoàn thành |
Đại diện Sở GTVT cho biết, theo thống kê sơ bộ, có hơn 100 trường hợp tại Dĩ An và Thuận An thuộc diện đất không có sổ. Đối với các trường hợp cơ quan chức năng trong quá trình giải quyết sẽ xác định nguồn gốc đất làm căn cứ để xem xét hỗ trợ, tùy vào mức độ ảnh hưởng.
Đường Vành đai 3 TPHCM đoạn đi qua tỉnh Bình Dương dài khoảng 26,6km, gồm hai dự án thành phần. Trong đó, dự án thành phần 5: Xây dựng đường Vành đai 3 đoạn qua tỉnh Bình Dương (bao gồm nút giao Tân Vạn và cầu Bình Gởi) và dự án thành phần 6: Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đường Vành đai 3 đoạn qua tỉnh Bình Dương.
Tổng mức đầu tư của dự án, đoạn qua tỉnh Bình Dương khoảng 19.280 tỷ đồng, trong đó dự án xây lắp khoảng 5.752 tỷ đồng và dự án bồi thường, hỗ trợ tái định cư là 13.528 tỷ đồng. Tổng diện tích đất thu hồi khoảng 85,86ha với khoảng 1.500 hộ dân, tổ chức bị ảnh hưởng. Dự án dự kiến cơ bản hoàn thành vào năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.