Bình Dương: Kinh tế tăng trưởng, vốn FDI đứng đầu nhưng ‘nút thắt’ đầu tư công chưa mở

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Với 2,5 tỷ USD có được trong 5 tháng đầu năm 2022, Bình Dương hiện đang đứng đầu cả nước về thu hút vốn FDI. Tuy nhiên, vấn đề đầu tư công tại địa phương này chưa gỡ được “nút thắt”.

Thông tin từ Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương Đoàn Văn Thành, cho biết trong 5 tháng đầu năm, kinh tế tỉnh này tăng trưởng cao, đứng đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,9% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 11,5% so với cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 5 tháng tăng 2,3% so với cùng kỳ.

Về kim ngạch xuất khẩu, Bình Dương tăng 11,5% so với cùng kỳ. Tuy vậy, nhập khẩu 5 tháng đầu năm của tỉnh này lại giảm 4,2% so với cùng kỳ.

Về thu hút đầu tư trong nước, Bình Dương đạt khoảng 30.997 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn FDI thu hút được khoảng 2,5 tỷ USD. Lũy kế 5 tháng, Bình Dương thu ngân sách đạt gần 30.000 tỷ đồng, bằng 95% so với cùng kỳ. Trong 5 tháng đầu năm, Bình Dương đã tạo việc làm cho khoảng 15.000 người, riêng trong tháng 5 đã tư vấn việc làm cho hơn 13.000 người;

UBND tỉnh Bình Dương cũng đưa ra các giải pháp để thực hiện có hiệu quả phục hồi kinh tế, xã hội hậu COVID-19.

Bình Dương: Kinh tế tăng trưởng, vốn FDI đứng đầu nhưng ‘nút thắt’ đầu tư công chưa mở ảnh 1

Kinh tế Bình Dương tăng trưởng cao trong 5 tháng đầu năm 2022

Theo đó, địa phương này hoàn thiện phương án tạo nguồn thu từ quỹ đất, trước mắt xây dựng kế hoạch tổ chức đấu giá một số khu đất tạo nguồn thu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025; hoàn thành việc phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đến năm 2030; tăng cường quản lý hoạt động khai thác khoáng sản vùng giáp ranh.

Bình Dương sẽ tập trung hoàn thiện lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch tỉnh; hoàn thiện điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung, quy hoạch xây dựng của các địa phương gồm: TX Tân Uyên, TX Bến Cát và huyện Bắc Tân Uyên; rà soát nghiên cứu, đề xuất khu vực phát triển đô thị dọc bờ sông, các tuyến đường trọng điểm; xử lý tình trạng ngập úng cục bộ.

Tiếp tục phối hợp nghiên cứu phương án, hình thức đầu tư xây dựng đường Vành đai 4, cao tốc Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành; thực hiện phân luồng, điều chỉnh tổ chức giao thông đối với một số tuyến đường; phối hợp với TP Hồ Chí Minh nghiên cứu đầu tư một số công trình giao thông kết nối giữa hai địa phương.

“Nút thắt” đầu tư công chưa bung

Mặc dù tình hình kinh tế, xã hội đạt được thành tựu đáng kể nhưng vấn đề đầu tư công ở Bình Dương còn “nút thắt” chưa mở. Theo thông tin từ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Bình Dương tính từ đầu năm đến nay, tiến độ thực hiện các dự án còn chậm, giá trị khối lượng thực hiện mới khoảng 138 tỷ đồng, chỉ đạt 17% kế hoạch. Cũng theo đơn vị này, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên do vướng giải tỏa đền bù, gói thiết bị nhập khẩu còn kéo dài, các yêu cầu kỹ thuật của một số dự án phức tạp, chi phí đầu tư vượt trần so với thời điểm lập dự án.

Bình Dương: Kinh tế tăng trưởng, vốn FDI đứng đầu nhưng ‘nút thắt’ đầu tư công chưa mở ảnh 2

Một số công trình đầu tư công triển khai chưa đáp ứng kế hoạch đề ra

Được biết, trong năm 2019 Bình Dương giải ngân được 5.033 tỉ đồng vốn đầu tư công, đạt 40,3 % kế hoạch của năm (chỉ tiêu sau điều chỉnh là gần 12.500 tỉ đồng). Năm 2020, giá trị giải ngân đạt 5.131 tỉ đồng, chỉ đạt 34,4% kế hoạch (chỉ tiêu là 14.666 ); Năm 2021, chỉ tiêu kế hoạch đầu tư công của Bình Dương là 9.156 tỉ đồng, sau đó bổ sung thêm 3.200 tỉ đồng cho 15 dự án nhưng giá trị giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt một nửa kế hoạch.

Như vậy, mặc dù kế hoạch vốn đầu tư công đã phê duyệt, tuy nhiên mỗi năm tỉnh Bình Dương vẫn tồn dư hàng ngàn tỉ đồng vốn đầu tư chưa được giải ngân. Việc “có tiền không xài được” khiến hàng loạt công trình, dự án đầu tư triển khai chậm ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế, xã hội tại Bình Dương.

Liên quan đến vấn đề đầu tư công, ông Phạm Văn Chánh – Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Dương thông tin HĐND tỉnh này đã thành lập các đoàn giám sát. Trong đó, đơn vị chịu sự giám sát của đoàn gồm: UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các chủ đầu tư. Đoàn giám sát thực hiện giám sát về những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của công tác đầu tư công nói chung và của một số dự án cụ thể. Hình thức giám sát trực tiếp tại một số đơn vị và công trình cụ thể.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Căn cứ lực lượng an ninh ở Iraq bị không kích
Căn cứ lực lượng an ninh ở Iraq bị không kích
TPO - Lực lượng Huy động Nhân dân (PMF) Iraq - một lực lượng an ninh chính thức - cho biết sở chỉ huy của họ tại căn cứ quân sự Kalso (cách thủ đô Baghdad khoảng 50 km về phía nam) đã hứng chịu một vụ nổ lớn vào tối 19/4. Hai nguồn tin an ninh cho biết vụ nổ là kết quả của một cuộc không kích.