Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về 8 tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL gồm: Cần Thơ, Long An, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang và Bạc Liêu, thì Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước năm 2022 là 39.760 tỷ đồng (đến nay đã phân bổ chi tiết đạt 85,67%).
Trong đó, vốn ngân sách Trung ương là 9.942 tỷ đồng (đã phân bổ chi tiết đạt 100%); vốn ODA là 3.195 tỷ đồng (đã phân bổ chi tiết đạt 78,44%); tổng vốn ngân sách địa phương là 26.622 tỷ đồng.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu tại buổi làm việc. |
Tuy nhiên, tổng vốn ngân sách Nhà nước của 8 địa phương nêu trên đã giải ngân đến ngày 30/4 chỉ đạt hơn 5.700 tỷ đồng, đạt 14,2%, thấp hơn mức bình quân chung của cả nước là 15,08%, nhưng cao hơn cùng kỳ năm trước 2,6%.
Trong đó, vốn ngân sách Trung ương đã giải ngân đạt 11,8%, thấp hơn bình quân chung cả nước là 16,13%, thấp hơn 4,7% so với cùng kỳ năm trước; vốn ODA đã giải ngân đạt 0,9% thấp hơn bình quân chung cả nước là 4,1%, thấp hơn 0,4% so với cùng kỳ; vốn ngân sách địa phương giải ngân được 16,7%, cao hơn bình quân chung cả nước là 15,68%, cao hơn 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trước tình hình giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cũng cho rằng, tình trạng tăng giá vật tư, vật liệu xây dựng tăng cao đã ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện theo đúng tiến độ đã cam kết của các nhà thầu.
Theo ông Hồng, trong quá trình thực hiện các dự án, địa phương còn vướng một số khó khăn, bao gồm công tác giải phóng mặt bằng khi người dân còn khiếu nại về giá và chính sách hỗ trợ tái định cư. Thậm chí, có hiện tượng người dân so sánh giá, chính sách hỗ trợ tái định cư giữa các dự án vốn trong nước và vốn ODA, từ đó, dẫn đến khiếu nại, nhiều dự án phải điều chỉnh tổng mức đầu tư do tăng chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư.
Cũng theo ông Hồng, trong năm 2022, TP. Cần Thơ bố trí khoảng 2.400 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 29% tổng kế hoạch vốn được giao) cho các dự án khởi công mới.
“Tuy nhiên, hiện các dự án đang trong quá trình thực hiện kê biên, áp giá và trình phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư và triển khai lập thiết kế kỹ thuật- dự toán để đấu thầu xây lắp nên trong 4 tháng đầu năm 2022 khối lượng giải ngân vốn chưa nhiều”, ông Hồng thông tin.
Sáng cùng ngày, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cùng đoàn công tác đã có buổi kiểm tra tiến độ thực hiện dự án đường nối CMT8 với đường tỉnh 918. |
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu các địa phương cần sớm tháo gỡ những khó khăn liên quan đến các dự án đầu tư, nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân và cam kết của các địa phương.
Theo phó Thủ tướng Lê Minh Khái, hiện nay việc giải ngân vốn ngân sách nhà nước của 8 địa phương vẫn còn chậm, chưa đạt mức bình quân của cả nước. Vì vậy, cần tăng cường phân cấp, ủy quyền, gắn trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân
Để giải ngân vốn đầu tư công, các địa phương đã thành lập các tổ công tác thúc đẩy tiến độ thực hiện, thường xuyên tổ chức các cuộc họp, làm việc với các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án nhằm nắm bắt tình hình thực hiện dự án, rà soát các khó khăn, vướng mắc để kịp thời có hướng xử lý, giải quyết .
Bên cạnh đó, một số địa phương còn thành lập các Tổ công tác chuyên đề, Ban chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng, tổ chức phát động thi đua đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công nhằm phát huy tinh thần trách nhiệm của các sở, ban ngành, địa phương, các chủ đầu tư, tạo động lực nhằm phấn đấu hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh: Trong thời gian tới, các địa phương quan tâm, quyết liệt trong việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; đôn đốc, kiểm tra, giám sát chặt việc thực hiện để từ nay đến cuối năm giải ngân đạt 100%.