Biệt phái hay biệt tích?

Courtois tận dụng tốt thời gian biệt phái để trưởng thành
Courtois tận dụng tốt thời gian biệt phái để trưởng thành
TP - Khi các ông lớn Premier League tích cực chuẩn bị những công việc cuối cùng cho mùa giải mới cũng là thời điểm nhiều tài năng trẻ của các đội bóng này đang thấp thỏm vì số phận của mình chưa rõ đi đâu về đâu: chấp nhận thi đấu biệt phái dài dài hay biệt tích?

Với những đội bóng như Chelsea hay Arsenal, đội hình luôn quá nhiều ngôi sao, nên các cầu thủ trẻ của họ không có cơ hội thể hiện. Chuyển tới đội bóng khác nhỏ hơn thi đấu theo dạng cho mượn để phát triển tài năng đang là lựa chọn không mong muốn nhưng hợp lý.

Nhiều cầu thủ chứng minh rằng, quãng thời gian thi đấu biệt phái đó là những kinh nghiệm quý báu để chứng minh khả năng. Điển hình nhất là trường hợp thủ môn Bỉ Thibaut Courtois hiên ngang trở lại Chelsea sau ba năm thi đấu cho mượn tại Atletico Madrid. Ba năm trước không ai biết anh là ai, giờ đây khi quay lại London, anh đã là một trong những thủ môn tốt nhất thế giới.

 

Đồng đội tại Chelsea của Courtois là tiền đạo Romelu Lukaku cũng đã học hỏi được rất nhiều trong thời gian thi đấu cho mượn tại West Bromwich Albion và Everton mùa trước. Dù vẫn chưa thuyết phục được hoàn toàn HLV trưởng Jose Mourinho về giá trị của mình, nhưng suất đá chính trên hàng công tuyển Bỉ tại World Cup 2014 cho thấy tài năng của Lukaku đã được thừa nhận.

Tuy nhiên, không phải cầu thủ trẻ nào cũng có duyên với cái cách mà Chelsea đang làm, thậm chí họ xem hành động Chelsea mua về rồi cho đội khác mượn như bị lừa. Ngôi sao trẻ Gael Kakuta có kỹ năng tiềm năng của một tiền vệ công khi gia nhập Chelsea từ đội bóng Pháp Lens ở độ tuổi 16 năm 2007. Song do chưa đủ tuổi, nên mãi đến năm 2009, anh mới có trận ra mắt gặp Wolverhampton và khi đó HLV Carlo Ancelotti phải thốt lên: “Ở độ tuổi này, tôi chưa bao giờ thấy một cầu thủ tài năng như vậy”. 

Song với sự xuất hiện của những cầu thủ đã thành danh như Joe Cole và Florent Malouda, cái tên Kakuta không còn được để ý đến. Chelsea lập tức chuyển anh cho Fulham, Bolton, hay thậm chí trở về Pháp đầu quân cho đội bóng tý hon Dijon và đội bóng Hà Lan Vitesse Arnhem. Bây giờ ở độ tuổi 23 và vẫn thi đấu cho mượn tại Lazio, Kakuta không còn mơ về Chelsea một chút nào nữa. “Tôi từng mơ về Chelsea, nhưng bây giờ tôi biết Chelsea quá cao so với nhiều cầu thủ. Ở độ tuổi tôi, chúng tôi cần thi đấu thường xuyên. Nếu trở lại, tôi chỉ được ra sân khoảng 10 phút một tháng. Tôi không muốn vậy”.

Tính ra, Chelsea đã cho mượn 27 cầu thủ mùa trước, trong đó có sáu cầu thủ tới Vitesse, đối tác chiến lược của họ. Giám đốc kỹ thuật Michael Emenalo cho rằng, chính sách cho mượn đang hoạt động tốt và tiếp tục được thực hiện trong thời gian tới. “Quy trình cho mượn tại Chelsea đang trở nên rất chuyên nghiệp. Chúng tôi gửi cầu thủ đi không phải vì kiếm ít tiền, mà chúng tôi muốn họ được thi đấu và phát triển. Chúng tôi muốn giám sát quá trình trưởng thành của họ”.

Vì thế, không lạ khi có tám cầu thủ trẻ của Chelsea sẽ chuyển sang đội bóng khác thi đấu theo dạng cho mượn ở mùa giải tới đây. Trong số đó, nổi lên hai cái tên: tuyển thủ Nigeria Kenneth Omeruo về Middlesbrough và Thorgan Hazard, em trai của ngôi sao đội một Eden, gia nhập Borussia Moenchengladbach.

Dường như các đội bóng khác tại Anh đang học theo mô hình của Chelsea. Khả năng Arsenal sẽ dành suất cho tiền đạo Joel Campbell sau khi tài năng trẻ này có mùa giải ấn tượng tại Olympiakos và đặc biệt là màn trình diễn thăng hoa cùng đội tuyển Costa Rica tại World Cup 2014. Tương tự, tiền đạo 21 tuổi Wellington Silva, người từng thi đấu cạnh Neymar trong đội U17 Brazil, sẽ có năm thứ năm liên tiếp được Arsenal cho mượn, và điểm đến lần này là đội bóng Tây Ban Nha Almeria. 


MỚI - NÓNG