TPO - Mo cau vốn là phế phẩm nông nghiệp, tuy nhiên anh Nguyễn Văn Tuyến đã “biến tấu” những chiếc mo cau thành sản phẩm hữu dụng như chén, dĩa, xuất ngoại sang Hàn Quốc, Canada, Ba Lan, Mỹ... mang về nguồn thu lớn, góp phần bảo vệ môi trường và tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân.
Anh Nguyễn Văn Tuyến (39 tuổi) quê gốc Quảng Nam nhưng lớn lên ở Phú Yên. Anh là người đam mê các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Cuối năm 2019, khi tìm hiểu qua mạng anh vô tình đọc được một tài liệu về các sản phẩm thân thiện môi trường từ mo cau ở Ấn Độ nên anh quyết định mở cơ sở thu mua mo cau để làm chén, dĩa, khay ăn… tại huyện Nghĩa Hành - một trong những vùng trồng cau lớn nhất Quảng Ngãi.
Lúc đầu nhiều người cứ tưởng đùa khi thấy có người đi thu mua mo cau với số lượng lớn, loại phế phẩm mà vốn bao đời nay họ chỉ để rụng ngoài vườn. Một chiếc mo cau được anh Tuyến thu mua giá 1.000 đồng, giúp người trồng cau ở Quảng Ngãi tăng thêm thu nhập ngoài bán trái cau.
Mo cau sau khi thu mua được mang về xưởng chà rửa sạch sẽ, ngâm nước cho mềm, để ráo...
Bát, chén, dĩa… từ mo cau được gia công kỹ lưỡng trước khi đóng thùng.
Tùy vào yêu cầu của khách hàng, cơ sở chế tạo các loại khuôn ép khác nhau. Do đó, sản phẩm được ép ra sẽ có hình dáng đa dạng, có thể in được hình ảnh lên sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng.
“Hiện cơ sở sản xuất có 9 máy ép, mỗi máy có 5 khuôn. Trung bình mỗi tháng, cơ sở cung cấp cho thị trường khoảng 600.000 sản phẩm chén, dĩa, khay ăn... bằng mo cau, không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn đem lại nguồn thu nhập lớn cho bản thân, người dân”, anh Tuyến chia sẻ.
Hiện cơ sở của anh giải quyết công ăn việc làm liên tục cho 15 lao động. “Tôi làm ở cơ sở sản xuất sản phẩm từ mo cau từ khi thành lập đến nay, công việc cũng rất nhẹ nhàng và đơn giản, phù hợp với lao động nữ lớn tuổi. Trung bình thu nhập mỗi tháng khoảng 6 triệu đồng, lúc hàng nhiều thì cao hơn, ở quê mà thu nhập vậy là cao rồi”, bà Lê Thị Thinh (61 tuổi, trú xã Hành Trung, huyện Nghĩa Hành) nói.
Trải qua gần 5 năm khởi nghiệp đến nay các sản phẩm được chế biến từ mo cau như chén, dĩa, quạt… của anh đã được đưa đi xuất khẩu khắp nơi, sang các nước như Hàn Quốc, Canada, Ba Lan, Mỹ...
Anh Tuyến cho biết, chén, đĩa mo cau chỉ có giá từ 2.000 – 3.000 đồng/cái, lại có thể tái sử dụng, bảo vệ môi trường nên thị trường nước ngoài rất ưa chuộng. Do đó lượng hàng xuất khẩu chiếm đến 90%, giúp cơ sở sản xuất có doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi tháng.
Ngoài ra, sản phẩm mo cau của anh Tuyến được một hãng hàng không ở trong nước đưa vào phục vụ cho khách ở khoang thương gia.
Ngoài mo cau, anh Tuyến còn phát triển dòng sản phẩm chén, dĩa làm từ lá tra một loại cây ven biển. Sản phẩm này chủ yếu tiêu thụ ở Mỹ.
Theo lãnh đạo UBND huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi), lâu nay, mo cau hầu như không có giá trị sử dụng. Nay nhờ cơ sở sản xuất của anh Nguyễn Văn Tuyến thu mua mo cau mà người nông dân có thêm thu nhập, đây là hướng đi đầy triển vọng. Chén, đĩa từ mo cau là một trong những sản phẩm nổi bật của huyện Nghĩa Hành. Thời gian tới, địa phương sẽ tạo điều kiện để cơ sở này tiếp tục phát triển sản xuất, tạo thêm việc làm cho người lao động.
Quảng Ngãi, được biết đến là “thủ phủ” của cây cau. Mỗi ha cau cho khoảng 12.500 mo, bán 1.000 đồng/chiếc mo, người dân có thể thu về 12,5 triệu đồng.
Biến phế phẩm mo cau trở thành… hàng xuất khẩu. Video: Nguyễn Ngọc