Cảm hứng nào đưa chị đến với kịch bản phim “Hãy nói lời yêu”?
Thực ra, ý tưởng ban đầu xuất phát từ một biên tập viên, chị ấy có trao đổi với tôi về một bộ phim chỉ dành cho giới trẻ, mà phải là trẻ thật sự, chỉ tầm 18 đến 20 tuổi thôi. Ở tuổi đó, các bạn ấy luôn khao khát thoát ra khỏi vòng tay bố mẹ và chứng tỏ bản thân giỏi giang, không cần dựa dẫm. Chúng tôi nghĩ đến hành trình của một cô gái vì muốn chứng tỏ bản thân mà sa ngã. Nhưng rồi, trong quá trình làm kịch bản, chúng tôi mở rộng thêm tuyến gia đình, nguồn cơn của tất cả những bi kịch sau này của các nhân vật.
Biên kịch Huyền Lê tại buổi họp báo ra mắt phim "Hãy nói lời yêu". |
“Hãy nói lời yêu” là bộ kịch bản có nhiều khác biệt so với những tác phẩm trước đây của chị như: “Yêu thì ghét thôi”, “Ghét thì yêu thôi”, “Cô gái nhà người ta”… Chị có thể chia sẻ điều gì về sự thay đổi này?
Thật sự, sau mỗi bộ kịch bản của mình lên sóng, tôi luôn ao ước được đổi mới mình ở bộ sau, và cũng là một cách để học hỏi không ngừng trong nghề viết. “Hãy nói lời yêu” là bộ kịch bản có chiều sâu tâm lý, có mạch tâm lý phải nói là “dữ dội” và căng thẳng nhất mà tôi từng viết. Tôi cũng cố gắng làm “mềm” kịch bản một chút bằng vài ba tình huống hài hước như một chút gia vị để kịch bản được đa chiều hơn. Với tôi, “Hãy nói lời yêu” là một thách thức lớn của bản thân và tay nghề của mình.
Ai cũng yêu thương con, nhưng yêu thương sai cách cũng tạo nên bi kịch, đó là một vấn đề rất gần với cuộc sống đương đại ngày nay. Làm sao để chị thuyết phục các khán giả là phụ huynh mà vẫn khiến các bạn trẻ tâm phục khẩu phục?
Tôi thấy, trong cuộc sống đương đại này, người ta chú ý đến việc nuôi dạy con nhiều hơn, đặt kỳ vọng vào con quá lớn, hay đòi hỏi những thứ vượt quá khả năng của con. Nói cách khác, có rất nhiều bố mẹ áp đặt ước mơ của chính mình vào con, chứ không cần biết con mình muốn gì, thích gì hay cảm thấy thế nào? Bà Hoài, nhân vật trong phim là một người mẹ như vậy. Bản thân tôi là một người mẹ, tôi cũng có nhiều bạn bè bắt đầu có con ở tuổi dậy thì và gặp rất nhiều vấn đề tương tự như vậy.
"Hãy nói lời yêu" là bộ phim về gia đình khai thác chiều sâu tâm lý dữ dội. |
Chị có gặp những tình huống nào ngoài đời giúp chị có thêm chất liệu để xây dựng kịch bản “Hãy nói lời yêu”?
Tôi còn nhớ một câu chuyện ám ảnh tôi đến tận bây giờ. Cách đây vài năm, tôi có một chị bạn, con gái chị ấy đang học lớp 7 rất ngoan và nghe lời mẹ. Nhưng một ngày, khi tôi gặp cô bé ấy ở quán café, cô bé lén nói với tôi khi không có mẹ ở đó, rằng “cháu bị trầm cảm”. Tôi đã quá sửng sốt vì không nghĩ một cô bé lớp 7 có thể hiểu điều mình vừa nói. Tôi có hỏi lại, thì cháu nói, cháu tìm hiểu trên mạng, cháu thấy cháu có đủ triệu chứng như thế. Tôi hỏi han thêm, cháu kể về áp lực học hành khiến cháu mất ngủ, mẹ luôn muốn cháu đứng thứ nhất, còn nếu thứ nhì là cháu thất bại. Mẹ còn muốn cháu phải biết chơi đàn thật hay, biết bơi thật giỏi, biết vẽ thật đẹp, những lúc bạn bè tới nhà, mẹ muốn cháu trình diễn cho họ xem. Cô bé nói chỉ muốn ngủ một giấc thật ngon, và học môn văn mà mình yêu thích. Tôi lo lắng và nói chuyện với bạn tôi, khuyên bạn tôi nên “nới lỏng” áp lực, nhưng bạn tôi lại nói rằng chị ấy làm tất cả vì tương lai của con. Bẵng đi vài tháng, tôi nhận được điện thoại của bạn, chị ấy khóc và báo tin cô bé tự tử bằng thuốc ngủ trộm được của bà nội, may mắn sao, bé được phát hiện kịp thời nên thoát chết.
Sau sự cố đó, cô bé trở nên lầm lì, và chị bạn tôi đang dần học cách làm bạn với con lại từ đầu. Chị nói với tôi rằng, khi đưa con vào viện, chị đã sợ hãi biết bao nhiêu, chị nhận ra rằng, thành công có hay không cũng chẳng sao, nhưng con mất đi thì mãi mãi chỉ còn lại vết hằn đau đớn. Tôi mừng vì chị hiểu ra, nhưng tôi nghĩ, đâu đó trong cuộc sống, vẫn còn những đứa trẻ không được may mắn như thế. Thỉnh thoảng, tôi đọc báo và thấy tin những đứa trẻ tuổi teen tự tử, tôi mong, nhiều bậc phụ huynh thức tỉnh trước khi có mất mát quá nhiều.
Phim cũng xoáy sâu vào tâm lý khao khát thoát ra khỏi vòng tay cha mẹ của những người trẻ mới lớn. |
Được biết, tên phim “Hãy nói lời yêu” đã có sự thay đổi so với tên dự kiến ban đầu?
Tên ban đầu “Hẹn em ngày nắng” là chúng tôi muốn mang đến câu chuyện về một cô gái trẻ sa ngã khi cố tìm cách chứng minh bản thân. Nhưng sau dần, nội dung phim mở rộng ra gia đình, và lấy hoàn cảnh gia đình của nhân vật My làm chính, chúng tôi khai thác khía cạnh yêu thương sai cách, kể cả là trong tình cảm gia đình, tình yêu, tình bạn… Vì thế, êkip đã đặt lại tên phim “Hãy nói lời yêu”. Khi nghe tên phim, tôi thấy hài lòng, vì nó hàm chứ nhiều ý nghĩa và đúng với thông điệp mà kịch bản muốn chuyển tải.
Nhiều biên kịch chia sẻ, trong quá trình sản xuất bộ phim, họ giữ liên lạc không chỉ với đạo diễn mà cả dàn diễn viên chính để cập nhật tiến triển của câu chuyện phim, nhân vật trong phim khi ra hiện trường. Chị thì sao?
Tôi cũng như những biên kịch khác, khi làm việc, tôi luôn theo sát, giữ liên lạc với đạo diễn, và theo dõi các diễn viên trong đoàn. Thực tế, nếu khi viết, tôi biết trước diễn viên nào sẽ đóng vai nào, thì tôi sẽ cố gắng căn chỉnh, ngữ điệu, trạng thái cho phù hợp với cách diễn của người đó. Hơn nữa, khi biết mặt, hiểu rõ diễn viên sẽ giúp cho biên kịch dễ hình dung về nhân vật khi viết kịch bản hơn. Và ngược lại, bản thân đạo diễn, diễn viên khi trao đổi với biên tập, biên kịch cũng hiểu hơn về kịch bản và diễn tốt, nhập vai hơn, khiến bộ phim trở nên sống động và chân thực hơn.
Hậu trường một cảnh quay trong phim "Hãy nói lời yêu". |
“Hãy nói lời yêu” đã quay được gần 2/3 chặng đường, chị có những kỉ niệm nào đáng nhớ với bộ phim này, với các thành phần đoàn làm phim, với các diễn viên?
Hiện nay, làm kịch bản khác hẳn với trước đây, chúng tôi vừa làm, vừa quay nên hầu như tôi không có thời gian để ra trường quay xem mọi người làm việc. Nhưng vào ngày đầu tiên khai máy bộ phim, khi tôi ra trường quay, anh Trọng Trinh vừa hoàn thành một cảnh. Khi thấy tôi đến, anh chạy ra, bắt tay và bày tỏ “Kịch bản đọc cuốn lắm em ạ, dù chỉ mới có mấy tập đầu, nhưng anh đọc và bị cuốn vào đó, vì thế, anh đã từ chối một bộ phim khác cũng quay vào đợt này để tập trung theo kịch bản đến cùng”. Đó là lời động viên mà một người làm biên kịch như tôi không thể mong gì hơn thế!
Cảm ơn biên kịch Huyền Lê!