Biển của thời… chóng quên

Biển của thời… chóng quên
TPO - Trong một phút ngẫu hứng, tôi đã đặt vé đi Đồng Hới. Mà chẳng mảy may nhớ mới năm ngoái đây, vùng biển đó cũng chịu ảnh hưởng thảm họa môi trường Formosa, dự báo mất nhiều thập kỷ mới hồi phục.
Biển của thời… chóng quên ảnh 1

Nhà báo Nguyễn Mạnh Hà, Ban Văn hóa Văn nghệ báo Tiền Phong.

Thế mới biết thực tế là một chuyện, mà tri thức và ký ức của người ta về thực tế lại là chuyện khác. Khi chẳng có một tiếng nói nào thực sự trọng lượng, chẳng có một hướng dẫn nào cụ thể, chỉ có trí… quên là phát huy tác dụng.

Chắc cũng nhiều người như tôi nghĩ chắc chất độc nó chừa mình ra, mình đến chơi một vài ngày chưa kịp nhiễm đã đi rồi, mình đến cũng là giúp cho người dân đang khó khăn có thêm thu nhập… Tóm lại, đặt vé rồi thì bay thôi. Đến nơi thấy biển Nhật Lệ rạng rỡ trong nắng mà lại vắng (mùa thấp điểm mà) là thích rồi. Nó giống như mình quan sát bên ngoài thấy bão tố rất kinh nhưng khi lọt vào tâm bão lại chẳng thấy gì.

Xuống bơi còn bị uống mấy ngụm nước biển, chỉ thấy nhạt vì ở gần cửa sông. Lúc ăn hải sản cũng để ý xem có vị gì lạ mà cũng chỉ thấy ngon, trừ việc ngao lại có vẻ giống sò. Lúc đó vừa ở dưới biển lên, mang theo có mấy chục nghìn phòng thân chỉ đủ ăn cháo ngao. Trong loạt quán sát biển, tôi chọn quán đông hơn cả. Nhưng cũng chỉ dăm ba bàn có khách. Họ gọi nhiều đồ, nhà hàng tất bật phục vụ. Tôi như bị bỏ quên. Sau vài lần gây chú ý thì cháo cũng ra. Nói chung đã quen chờ đợi rồi nên cũng chẳng lấy làm điều. Nhưng lúc tính tiền, cô con gái nói 60.000Đ, thì bà mẹ trong bếp vọng ra: “Thôi lấy anh 50.000 vì để anh đợi lâu”. Đây là lần đầu tiên, một người bán hàng chuộc lỗi với khách là tôi bằng hành động. Tôi cảm kích và hôm sau quay lại ăn. Tất nhiên quán nấu cũng vừa miệng nữa. Lần thứ ba quay lại, quán đóng cửa. Quán bên cạnh vẫn mở, tôi chả buồn vào.

Nói chung trong chuyến đi này tôi có cảm nhận từ tốt đến rất tốt về con người và… đồ ăn Quảng Bình. Đó chính là sức hút của vùng đất, thắng cả độc tố (nếu có) trong nước biển. Tất nhiên đây chỉ là chiến thắng về mặt tâm lý. Biển chắc không thể nào sạch trong một sớm một chiều như trí nhớ con người.

Thiên nhiên sau khi gánh chịu những tai họa do con người gây qua, lại âm thầm tự khắc phục. Người lo giải quyết những gì liên quan đến bản thân còn chưa xong. Tự nhiên là một tổng thể vận hành hoàn hảo. Chính nhờ vào sự hoàn hảo đó mà con người được sinh ra và tồn tại. Giống như thể tự nhiên không thể tự mình trở nên “bất hảo”, nên mới xuất hiện con người?!

Con người có khả năng làm những điều điên rồ nhất. Một trong số đó là bịa ra tiền. “Người là loài duy nhất trả tiền để sống trên Trái Đất”- phát hiện của nhà tâm lý học xã hội David Dunning (Mỹ). Quả thật, ngôi nhà chung Trái Đất không đòi hỏi bất cứ cư dân nào phải trả phí. Nhưng con người lập tức mang của chung ra tư hữu và kinh doanh.

Những khu rừng hoang sơ, nguyên sinh bỗng chốc trở thành khu bảo tồn, vườn (của một) quốc gia. Cũng là một cách thể hiện ý tốt của người. Nhưng đồng thời những “khu vườn” kia không tránh khỏi thân phận “rừng đặc dụng”- tức là vẫn bị lợi dụng nhân danh những nhu cầu mà con người cho là quan trọng.

Ở một nước bất động sản đắt đỏ nhất hành tinh như chúng ta, món hời mà các tập đoàn nhắm đến bây giờ là đất rừng, các khu bảo tồn. Với sức mạnh nhóm lợi ích, rừng cấm bỗng thành rừng đặc dụng, khu phục hồi sinh thái, khu dịch vụ hành chính… rồi xây dựng và đầu ra là khu du lịch, thậm chí biệt thự để bán.

Quá trình tư nhân hóa tài nguyên thiên nhiên này đang diễn ra ráo riết từ Nam ra Bắc, từ núi rừng tới biển đảo. Để rồi cuối cùng đến đâu chúng ta cũng gặp nhà, gặp người kéo theo rác thải, ô nhiễm… Đâu cũng như thành phố cả. Vậy thì cần gì đi du lịch nữa?

Những người bán bất động sản luôn vẽ cho khách hàng thấy tiềm năng sinh lợi của những biệt thự đồi rừng, những condotel ven biển… Mà đẩy lùi viễn cảnh tất cả rồi cũng chỉ là những không gian xây dựng được sử dụng theo mùa hoặc thậm chí bỏ không. Trong khi mỗi tòa nhà xây lên đều chiếm chỗ của thiên nhiên, của di sản, của khu bảo tồn. Kéo theo đó là đa dạng sinh học một đi không trở lại.

Có khái niệm “bồi hoàn đa dạng sinh học” trong luật, nhưng thực tế điều đó là không tưởng. Nhà đầu tư sau khi lấy rừng tự nhiên sẽ trồng đền một diện tích tương tự cây công nghiệp. Trong trường hợp địa phương không còn quỹ đất trồng rừng, họ chỉ việc nộp tiền vào quỹ Bảo vệ Phát triển rừng để bổ sung ở nơi khác(?) Tóm lại, thiên nhiên quý hóa đến đâu cũng quy thành tiền hết. Nó giống như gây tai nạn chết người rồi đền tiền vậy.

Trong đợt bão lũ dồn dập tổng tấn công nhiều tỉnh mới tháng trước, tôi vẫn nhớ tít báo “Sạt lở đất đá vùi lấp nhà sàn gỗ tiền tỷ”. Vụ việc xảy ra tại Nghệ An. Thực tế tỉnh nào càng còn nhiều rừng thì việc phá rừng càng phát đạt, nhà dân thường có khi cũng bày những bộ bàn ghế gỗ thịt mà tay vịn là nguyên thân cây bằng bắp đùi người lớn. Toàn trăm triệu cả, người ta tự hào về thành tích làm ăn của mình. Nhưng với thiên nhiên, đó chỉ là một đống cây chết khô.

Cũng như mảnh đất, ngôi nhà mà con người phải cố công gây dựng có khi cả đời đùng một cái có thể bị sạt lở, cuốn trôi theo lũ quét như thường. Một clip trên mạng ghi lại cảnh vài chiếc xe máy (không người) trôi băng băng theo dòng nước lũ trên đường được cho là tại TP.HCM. Mấy người dân đuổi theo vớt lại… Nguy cơ thành phố xuống dưới mực nước biển nay mai- chúng ta lo được không, hay vẫn mải miết xây nhà để kiếm, mua nhà để “đầu tư”?!

Trước khi nghĩ đến chuyện giải độc biển, giữ đất, cứu rừng… hãy làm sạch người cái đã. Ngày nào chúng ta chưa tự giải thoát mình khỏi những suy nghĩ hạn hẹp về tầm nhưng vô độ về tiền, ngày đó thiên nhiên còn phải ra tay lập lại trật tự. Thiên tai phần nhiều phản ánh sự bất ổn chính nơi con người. Chúng ta chấp nhận, chúng ta quên những gì mình đã gây ra, nhưng thiên nhiên luôn ghi nhớ và sẽ hồi đáp.

MỚI - NÓNG