Biển của thời cạn kiệt, cách nào bám biển?

Trung tá Nguyễn Hữu Phan, Trưởng Ban dân vận quần chúng – Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận tuyên truyền pháp luật cho ngư dân Ảnh: Văn Minh
Trung tá Nguyễn Hữu Phan, Trưởng Ban dân vận quần chúng – Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận tuyên truyền pháp luật cho ngư dân Ảnh: Văn Minh
TP - Nghề biển đang đối mặt với không ít khó khăn do nguồn lợi thủy hải sản suy giảm, thị trường ngày càng siết chặt, khó tính… dẫn đến những ngư dân truyền thống cảm thấy lúng túng, bơ vơ...

Hám lợi làm sai?

Hiện nay, Ủy ban châu Âu (EC) đã cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường châu Âu vì thực hiện chưa tốt quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU).

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2018 cả nước xảy ra 85 vụ vi phạm vùng biển nước ngoài. Trong 5 tháng đầu năm 2019, tiếp tục diễn biến phức tạp khi xảy ra 41 vụ. Các tỉnh có nhiều tàu cá vi phạm điển hình như Kiên Giang, Bến Tre, Cà Mau, Bình Định…

Tại tỉnh Bình Thuận, từ đầu năm 2019 đến nay xảy ra 3 vụ ngư dân đi đánh bắt vi phạm vùng biển nước ngoài. Cụ thể, giữa tháng 1/2019, tàu cá BTh 96424TS do ông Trần Anh Đ. làm thuyền trưởng đánh bắt hải sản tại vùng biển chồng lấn giữa Việt Nam và Malaysia bị lực lượng nước này bắt giữ. Gần 1 tháng sau, tàu được trả về nước. Cuối tháng 4/2019, hai tàu cá BTh 96171TS và tàu BTh 97521TS hành nghề câu khơi cũng vào vùng chồng lấn này.

Trung tá Nguyễn Hữu Phan, Trưởng Ban dân vận quần chúng - Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận cho biết, ngoài số tiền bị phạt là 800 triệu đến 1 tỷ đồng thì chủ tàu còn bị thu hồi giấy phép khai thác, thu hồi những bằng cấp liên quan (lần đầu thì thu hồi 6 tháng, tái phạm thì thu hồi vĩnh viễn). Hiện nay mỗi tàu ra biển đánh bắt xa bờ đều có những cam kết chấp hành đúng quy định, không vi phạm vùng biển nước bạn.

Ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Thuận cho biết: Thực chất là do hám lợi cá nhân nên một số ngư dân lấn sang vùng biển nước bạn đánh bắt. Ở vùng biển của mình nguồn lợi thủy hải sản còn phong phú chứ không phải đến mức cạn kiệt, nếu ngư dân chuyển đổi đánh bắt vẫn có lợi nhuận.

Hỗ trợ ngư dân bám biển

Biển của thời cạn kiệt, cách nào bám biển? ảnh 1 Anh Đinh Phong bên ngư cụ nghề cá truyền thống của mình    Ảnh: Văn Minh

Hiện nay, ngư dân được hỗ trợ rất nhiều từ các chính sách phát triển nghề cá, chính sách hỗ trợ vùng biển xa. Trong đó phải kể đến những chính sách phát huy hiệu quả rất tốt như Nghị định 67, nay là Nghị định 17 về một số chính sách phát triển thủy sản hay như Quyết định 48 hỗ trợ ngư dân khai thác trên vùng biển xa….

Mỗi chuyến ra khơi đánh bắt xa bờ, ngư dân được hỗ trợ từ 22 đến 100 triệu đồng tiền dầu, mỗi năm hỗ trợ tối đa không quá 4 lần. Ngoài ra, ngư dân được hỗ trợ 100% tiền bảo hiểm người, thiết bị liên lạc; 50% bảo hiểm thân tàu…

Rơi vào tình cảnh làm ăn kém hiệu quả, ngư dân Trần Thanh Dũng (52 tuổi, Bình Thuận) cho biết, vay ngân hàng 2 tỷ đồng để nâng cấp ngư cụ từ năm 2016, đến nay tàu của ông làm ăn không hiệu quả, nhiều chuyến đi lỗ nặng. Tiền vay ngân hàng vẫn còn đó, ông chỉ mới trả lãi 6 triệu đồng mỗi tháng.

Đội tàu của anh Đinh Phong (ngụ huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận) vừa cập cảng Phan Thiết sau chuyến đi đánh xa bờ. Anh Đinh Phong luôn tự hào khi gây dựng được đội tàu 6 chiếc thuộc loại lớn (mỗi chiếc trên 715 CV) khi ở tuổi 35. Anh vốn là dân gốc Bình Định vào huyện đảo Phú Qúy (tỉnh Bình Thuận) làm nghề đánh bắt cá. Dù là nghề gia truyền nhưng phải đến đời anh thì mới phất lên.

Vốn liếng tích cóp được gần chục tỷ đồng, cộng với 5 tỷ đồng tiền vay từ chính sách Nhà nước hỗ trợ, anh Đinh Phong quyết định nâng cấp, đóng mới 6 chiếc tàu loại lớn để vươn khơi (tổng gần 15 tỷ đồng). Để duy trì đội tàu này ra khơi đều đặn, mỗi chuyến anh Phong bỏ ra ít nhất 600 triệu đồng tiền chi phí.

Không thể dựa mãi vào con cá, con tôm dưới biển, anh Đinh Phong chuyển hẳn 2 chiếc sang hoạt động thu mua hải sản ngay trên biển. Thế nhưng thu mua được mấy tháng, hải sản ít dần vốn liếng không chịu nổi anh lại định chuyển tàu sang đánh bắt.

Chuyển đổi nghề thế nào?

Nhiều ngư dân cho rằng, bây giờ chuyển đổi từ nghề đánh bắt sang nuôi trồng hay nghề gì khác họ cũng khó làm được bởi xưa nay vốn quen với nghề đi biển. Lão ngư Nguyễn Văn Tôn (58 tuổi, ngụ phường Thanh Hải, TP Phan Thiết, Bình Thuận) từng mấy chục năm bám biển giờ phải bỏ biển lên bờ.

Ông bảo, không có vốn thì nuôi trồng thủy sản vào đâu. Ông dành ít tiền mua miếng đất ở cạnh làng chài Thanh Hải (TP Phan Thiết) vừa để ở, vừa dựng mấy phòng trọ cho thuê. Ông tiết lộ: “Tôi có 10 phòng trọ, chỉ để cho bạn tàu, những người đi biển ở các xứ khác đến thuê tá túc ngắn hạn là chủ yếu”.

Biết cho những ngư phủ tha phương thuê lời lỗ chẳng là bao nhưng ông vẫn vui bởi ông vẫn còn lưu luyến nghề biển lắm.

Ngư dân Trần Thanh Dũng (52 tuổi, ngụ phường Phước Lộc, thị xã La Gi, Bình Thuận) cho biết, việc chuyển đổi từ đánh bắt sang nuôi trồng là quá khó bởi cần vốn rất lớn. “Nghề nuôi trồng không chỉ cần kinh nghiệm mà phải được thiên nhiên ưu đãi. Ở La Gi này không có vịnh, biển là biển hở thì khó nuôi trồng được thứ gì”, ông Dũng nói.

Lãnh đạo Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận cho rằng, hiện nay, chuyển đổi nghề từ đánh bắt sang nuôi trồng chưa thực hiện được do yếu tố ngư dân còn nặng nghề truyền thống.

“Chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề từ đánh bắt sang nuôi trồng chưa có, không chỉ riêng tỉnh Bình Thuận. Sắp tới tỉnh sẽ đề xuất gói hỗ trợ để ngư dân chuyển đổi nghề thuộc dạng này”, ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận nói.

Thực tế cho thấy chuyển đổi nghề trong đánh bắt có dấu hiệu kém hiệu quả. Cụ thể đó là chuyển đổi nghề cho ngư dân đánh bắt thuộc các nghề xâm hại nguồn lợi cao như giã cào bay, lưới kéo… chuyển sang nghề lưới chụp.

Để nghề cá phát triển, ngư dân bám biển vươn ra khơi xa được đòi hỏi phải có chính sách hỗ trợ đầu tư tàu thuyền, phải có dự báo ngư trường để ngư dân biết đánh bắt ở đâu. Cùng với đó cần nâng cấp hiện đại hóa nghề cá, tổ chức tiêu thụ sản phẩm có giá trị cao. "Tuy nhiên, những vấn đề này nghề cá Việt Nam đang bị vướng, chưa làm tốt. Điều đáng mừng là nghề cá ở Việt Nam đang ngày được quan tâm và từng bước có chính sách hỗ trợ thể hiện trong Luật Thủy sản 2017", ông Huỳnh Quang Huy nói.

MỚI - NÓNG
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
TPO - Chiều 30/4, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia cho biết, trong ngày 30/4, toàn quốc xảy ra 61 vụ tai nạn giao thông, làm chết 27 người, bị thương 45 người. Lực lượng chức năng tước hơn 3.400 giấy phép lái xe các loại do vi phạm an toàn giao thông.