Bí thư, chủ tịch các tỉnh thành Đông Nam Bộ ‘ngồi lại’ bàn việc phát triển kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tại hội nghị tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TPHCM với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ diễn ra ngày 18/3 tại tỉnh Bình Phước, lãnh đạo các địa phương đã đưa ra các kiến nghị hợp tác phát triển trong thời gian tới.

Tại hội nghị này, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, thời gian qua dù đã triển khai nhiều chương trình hợp tác, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội nhưng vẫn còn các mặt tồn tại, hạn chế ở nhiều lĩnh vực.

"Thành phố xác định các nội dung cần đẩy mạnh như hợp tác quy hoạch, kết nối cung cầu, giao thông hạ tầng... Chúng ta xem xét việc có nên lập tổ chức hội đồng vùng hay không, tổ chức thế nào, điều phối hoạt động ra sao; có nên thành lập quỹ cho việc phát triển hạ tầng giao thông vùng", ông Mãi đề xuất, đồng thời cho hay, TPHCM đang cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng cơ chế đột phá phát triển và dự kiến sẽ trình Quốc hội trong tháng 5. Do đó, theo lãnh đạo TPHCM, để phát triển, vai trò liên kết các tỉnh, thành trong khu vực rất quan trọng.

Bí thư, chủ tịch các tỉnh thành Đông Nam Bộ ‘ngồi lại’ bàn việc phát triển kinh tế ảnh 1
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại hội nghị.

Cũng tại hội nghị này, bà Trần Tuệ Hiền - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước - cho biết, để tập trung cao hoàn thành quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn 2050, Bình Phước đã xây dựng và ban hành 58 đề án, chương trình, kế hoạch. Theo bà Hiền, Bình Phước rất cần sự phối hợp, hỗ trợ của các địa phương, đặc biệt là về hạ tầng giao thông.

“Địa phương đang nỗ lực để khắc phục sự bất lợi về vị trí địa lý thông qua các dự án kết nối vùng Đông Nam Bộ, trong đó trọng tâm là cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước)…”, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền.

“Các địa phương cần có phân cấp mạnh mẽ, ưu tiên nguồn vốn đầu tư để phát triển. Riêng Thành phố cần chủ động hơn nữa trong tháo gỡ những khó khăn hiện tại của địa phương, hỗ trợ các doanh nghiệp, địa phương phát triển… Thành phố có trách nhiệm chủ động tháo gỡ các điểm nghẽn hiện tại của địa phương và khu vực. Các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ cần tăng cường kết nối dữ liệu số trong quá trình hợp tác, phát triển để giải quyết nhanh các công việc, chương trình hành động”, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên kết luận tại hội nghị.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng, cho hay một trong những đặc trưng của Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM và các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ nói chung là có tỷ lệ người nhập cư cao nhất cả nước. Điều đó cũng dẫn đến nhiều khó khăn trong quá trình đô thị hóa và tăng trưởng như kẹt xe, ngập lụt, ô nhiễm môi trường, các vấn đề về y tế, giáo dục, an sinh xã hội...

Ngoài ra, nguồn lực đầu tư của Trung ương dành cho các địa phương trong vùng chỉ chiếm khoảng 18,5% tổng vốn đầu tư của cả nước cũng là một trở ngại để các địa phương xoay xở trong phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội.

Bí thư, chủ tịch các tỉnh thành Đông Nam Bộ ‘ngồi lại’ bàn việc phát triển kinh tế ảnh 2

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị

“Qua tổng kết thực hiện hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TPHCM với tỉnh Đồng Nai và các tỉnh Đông Nam Bộ, cho thấy đã đạt được những kết quả khá tốt trên các lĩnh vực. Các địa phương đã thống nhất việc xây dựng, quản lý và thực hiện các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; thu hút đầu tư thông qua tọa đàm về xúc tiến đầu tư; phát triển thương mại dịch vụ thông qua trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, giao lưu sản phẩm, mở rộng mạng lưới, kết nối cung cầu giữa các địa phương; quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc một số thực phẩm; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và đặc biệt là giao thông kết nối liên vùng”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng nói.

Trong khi đó, ông Lê Ngọc Khánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - cho biết, địa phương đã xây dựng chương trình hành động để thực hiện, trong đó sẽ tổ chức nghiên cứu xây dựng 5 đề án phát triển để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đó là các đề án: Phát triển Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia. Phát triển các tổ hợp quy mô lớn về công nghiệp - dịch vụ - đô thị tại thị xã Phú Mỹ, chú trọng các loại hình khu công nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp sinh thái. Tiếp tục phát triển, hiện đại hóa Cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải thành cảng quốc tế trung chuyển lớn nhất cả nước, có tầm cỡ khu vực châu Á và quốc tế. Phát triển thành phố Vũng Tàu thành trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế. Đồng thời chú trọng xây dựng mối quan hệ liên kết với các địa phương trong Hành lang kinh tế Đông - Tây phía Nam, Mộc Bài - TPHCM - Vũng Tàu, gắn với hành lang kinh tế xuyên Á.

Bí thư, chủ tịch các tỉnh thành Đông Nam Bộ ‘ngồi lại’ bàn việc phát triển kinh tế ảnh 3

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền phát biểu

Ông Nguyễn Thanh Ngọc - Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh - cho rằng, các tỉnh vùng Đông Nam Bộ cần cùng nhau nhận định lại thế mạnh, hạn chế để cùng đưa ra giải pháp phù hợp trong đầu tư, khai thác và phát triển.

"Khu du lịch núi Bà Đen không chỉ có vai trò với tỉnh mà có yếu tố phát triển du lịch cả miền Đông, hay cửa khẩu Mộc Bài cũng đóng vai trò tốt, ảnh hưởng đến kinh tế cả vùng. Nếu để một địa phương tự xoay xở thì sẽ khó tận dụng hết được lợi thế đó", ông Ngọc nói.

MỚI - NÓNG