Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và Trần Hồng Hà; lãnh đạo các Bộ: Giao thông vận tải, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Kế hoạch và đầu tư, lãnh đạo tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Bình Phước, Đắk Nông và đại diện các nhà đầu tư.
Thủ tướng chủ trì họp với các bộ, cơ quan, địa phương về phương án dự kiến đầu tư xây dựng các tuyến cao tốc. |
Tuyến cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình với chiều dài nghiên cứu khoảng 88km. Đoạn qua tỉnh Ninh Bình với chiều dài là 26km; Đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình (62km) và Dự án Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước) với tổng chiều dài hơn 128 km.
Về 2 dự án này, trong thời gian qua Bộ Giao thông vận tải với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về giao thông vận tải đã hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh, các nhà đầu tư để xuất dự án tổ chức nhiều buổi làm việc; hồ sơ trình đề xuất dự án tuy chưa chính thức gửi để lấy ý kiến thẩm định nhưng qua quá trình làm việc và các nội dung được UBND các tỉnh Ninh Bình, Thái Bình và Bình phước báo cáo, đề xuất, Bộ Giao thông vận tải khẳng định, Bộ đồng tình và cho rằng việc đề xuất đầu tư xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình và Gia Nghĩa - Chơn Thành là hết sức cần thiết nhằm hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Đông Nam Bộ kết nối Tây Nguyên.
Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thắng phát biểu |
Bên cạnh đó là đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tái cơ cấu không gian phát triển kinh tế, kết nối vùng, tạo các cực tăng trưởng trong các vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ; phát triển phương thức vận tải bền vững hiện đại, góp phần giảm tai nạn giao thông; đồng thời phù hợp chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia nói chung, phát triển kinh tế - xã hội các vùng và địa phương nói riêng và phù hợp quy hoạch phát triển giao thông vận tải và quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc.
Về phương thức đầu tư, Bộ Giao thông vận tải cho biết, huy động nguồn lực ngoài nhà nước, giảm áp lực vốn nhà nước và thu hút tối đa nguồn lực xã hội tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông là một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu giai đoạn 2021 - 2025 đã được nêu tại Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng: “Tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư của nền kinh tế, trong đó, thu hút tối đa nguồn lực đầu tư, đa dạng hóa các hình thức huy động và sử dụng nguồn lực, nhất là các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước, khuyến khích, thu hút đầu tư ngoài ngân sách phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông ”.
Về 2 dự án này, Bộ Giao thông vận tải đồng thuận với đề xuất tách đầu tư công đối với đoạn tuyến cao tốc thuộc địa phận tỉnh Ninh Bình (dài 26km) và giao tỉnh Ninh Bình làm cơ quan chủ quản đầu tư dự án; đoạn tuyến cao tốc qua địa phận Nam Định - Thái Bình (dài 62km) đầu tư theo phương thức PPP, giao tỉnh Thái Bình là Cơ quan có thẩm quyền tổ chức thực hiện dự án, Tuyến cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành dài trên 128km tiếp tục thực hiện đầu tư theo phương thức PPP như chuẩn bị và đề xuất của Cơ quan có thẩm quyền - UBND Bình Phước.
Ông Nguyễn Khắc Thận- Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình phát biểu. |
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định rõ mục tiêu, đến năm 2030, đất nước ta là một nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến 2045, là nước phát triển có thu nhập cao. Muốn đạt được các mục tiêu này, chúng ta phải thực hiện 3 đột phá chiến lược, trong đó có hạ tầng giao thông chiến lược.
Vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành 6 Nghị quyết cho 6 Vùng, đều xác định rõ các tuyến đường cao tốc phải làm, trong đó có Đồng bằng sông Hồng xác định rõ tuyến cao tốc bắc nam và nhánh sang đông nam sông Hồng, nối Ninh Bình sang Nam Định, Hải Phòng, kết nối Quảng Ninh lên Cửa khẩu Móng Cái, Cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) rồi sang Trà Lĩnh (Cao Bằng). Theo Thủ tướng vùng trũng trù phú là phần đông Ninh Bình, Nam Định kết nối một phần Thanh Hóa có điều kiện phát triển tuy nhiên ở khu vực này mới chỉ phát triển nông nghiệp vì hạn chế hạ tầng giao thông, muốn phát triển công nghiệp thì phải phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, nhất là đường cao tốc để phát triển không gian đô thị, dịch vụ. Do vậy đường cao tốc nối Ninh Bình – Nam Định – Thái Bình sẽ kết nối Hải Phòng, Quảng Ninh tạo ra không gian phát triển mới và tạo đà phát triển cho cả vùng.
Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc phát biểu tại cuộc họp. |
Đối với khu vực Đông Nam Bộ, Thủ tướng cho biết chúng ta đang rất tích cực phát triển hạ tầng giao thông trong đó có Đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh bằng kết hợp nguồn kinh phí Trung ương, nguồn tăng thu của địa phương. Tuy nhiên sau khi đi khảo sát đoạn kết nối Bình Phước đi các tỉnh khác thì thấy đường rất dài và khó khăn hơn. Theo Thủ tướng, đường nối từ Đắk Nông đi Bình Phước là ngắn nhất để nối ra cảng ở Vũng Tàu, chính là đường chiến lược nối Tây Nguyên ra Đông Nam Bộ tạo điều kiện phát triển cho cả vùng. Do đó cần phải có đường nối với Bình Phước với Bình Dương.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu thảo luận đưa ra ý kiến để xem đã làm được gì, vướng mắc ở đâu, ai giải quyết? Nếu hợp tác công tư thì Chính phủ phải giải quyết về mặt thủ tục. Theo Thủ tướng đã là cao tốc thì phải có 4 làn đường hoàn chỉnh, vận tốc phải đạt 100km/h và chỉ có hợp tác công tư mới có nguồn lực để làm, tuy nhiên phải hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, chống tiêu cực, lãng phí. Thủ tướng chỉ rõ, cần phải quyết tâm cao, mục tiêu rõ, giải pháp rõ và tổ chức thực hiện rõ, trên cơ sở đó, các cơ quan phải tích cực vào cuộc với tinh thần đặt lợi ích chung lên trên hết.
Link gốc: https://vov.vn/chinh-tri/thu-tuong-da-la-cao-toc-thi-phai-co-4-lan-duong-hoan-chinh-van-toc-dat-100kmh-post1006939.vov