Cấp bách mở rộng 4 tuyến quốc lộ
Quốc lộ 22 là tuyến đường Xuyên Á kết nối TPHCM với tỉnh Tây Ninh và Vương quốc Campuchia. Những năm qua, đoạn quốc lộ 22 qua địa bàn thành phố đã có dấu hiệu quá tải, thường xuyên ùn ứ. Vào những giờ cao điểm, đoạn quốc lộ 22 từ khu vực nút giao An Sương đến ngã tư Trung Chánh (quận 12) thường có rất đông phương tiện di chuyển. Vào một số thời điểm thường xảy ra ùn ứ vì tuyến đường này khá nhỏ hẹp, chưa đáp ứng được nhu cầu giao thông đang ngày càng tăng. Hiện nay, bất cứ sự cố giao thông nào xảy ra trên đường này đều có thể dẫn đến ùn tắc cục bộ.
Từ lâu TPHCM đã có chủ trương mở rộng quốc lộ 22 và từ năm 2016 thành phố đã tổ chức kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư với hợp đồng BOT cho dự án này. Tuy nhiên, đến cuối năm 2017, UBTV Quốc hội có Nghị quyết 437, trong đó ghi rõ: “Các dự án đường bộ đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT chỉ áp dụng đối với tuyến đường mới để bảo đảm quyền lựa chọn cho người dân, không đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo hiện hữu”. Do quy định mới nên việc áp dụng hợp đồng BOT với dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 22 không còn phù hợp. Sau đó dự án này được đề xuất thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách, tuy nhiên đến nay dự án này vẫn đang “án binh bất động” vì chưa có vốn.
Cũng vì nguyên nhân trên, các tuyến quốc lộ 1 (cửa ngõ phía Tây), quốc lộ 13 (cửa ngõ đông Bắc) đi qua TPHCM mặc dù đang quá tải, nhưng vẫn chưa được cải tạo, nâng cấp kịp thời nên thường xuyên xảy ra ùn ứ và tai nạn giao thông. Thành phố đã xác định việc mở rộng các tuyến quốc lộ này là cấp bách, cần triển khai thực hiện khẩn trương, dù thực tế dự án này vẫn đang chờ vốn.
Quốc lộ 50 (cửa ngõ phía Nam) kết nối TPHCM với các tỉnh Long An, Tiền Giang cũng thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông, vì đây là tuyến đường độc đạo, lưu lượng phương tiện lớn, làn đường chật hẹp, thường xuyên ngập khi triều cường...
Cuối năm 2022, TPHCM đã khởi công dự án xây dựng, mở rộng quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh). Theo đó, dự án này có chiều dài 6,92 km, trong đó có 4,36 km được làm mới và 2,56 km mở rộng quốc lộ 50 hiện hữu. Để tiếp tục giải tỏa áp lực cho quốc lộ 50, TPHCM đang có kế hoạch làm đường động lực (đường song song quốc lộ 50), tuy nhiên vẫn còn vướng về nguồn vốn.
“Xé rào” để gỡ nút thắt
Quốc lộ 1 - tuyến đường cửa ngõ phía Tây TPHCM thường xuyên ùn ứ (ảnh: H.H). |
Trước tình hình nguồn ngân sách còn hạn hẹp trong khi nhu cầu mở rộng các tuyến đường giao thông là rất cấp bách, mới đây Sở GTVT TPHCM có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) về việc bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù trong dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội. Theo đó, Sở GTVT TPHCM đề xuất được áp dụng hình thức hợp đồng BOT đối với dự án nâng cấp hệ thống đường bộ hiện hữu. Cụ thể có 6 dự án có thể xem xét gồm 4 dự án nâng cấp, mở rộng các tuyến quốc lộ kể trên.
Trong đó, quốc lộ 1 (đoạn An Lạc - ranh giới tỉnh Long An) có tổng mức đầu tư khoảng 12.876 tỷ đồng; dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 22 (1.200 tỷ đồng); dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13 (12.192 tỷ đồng); Đường động lực - đường song song quốc lộ 50 (3.816 tỷ đồng)…
Quốc lộ 13 đoạn qua Bình Dương mở rộng thêm 2 làn xe (ảnh: H.C). |
Ông Trần Chí Trung, Trưởng phòng KH&ĐT - Sở GTVT TPHCM cho biết, do quy định không được triển khai dự án BOT trên đường hiện hữu. Vì vậy, sở đã có đề xuất thí điểm cơ chế đặc thù thay thế Nghị quyết 54 (nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM), dự kiến trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 5/2023. “Nếu được chấp thuận chủ trương, Sở GTVT TPHCM sẽ tiếp tục tham mưu và đề xuất cơ chế, chính sách cụ thể hơn để triển khai phù hợp. Ngoài đảm bảo hài hoà lợi ích các bên sẽ có những giải pháp khắc phục một số tồn tại trước đây. Việc lựa chọn công trình cũng sẽ được cân nhắc, ưu tiên những tuyến thực sự cấp bách và điều tra, lấy ý kiến người dân trước khi triển khai”, ông Trung cho biết.
Cũng theo ông Trung, nếu được áp dụng cơ chế đặc thù như trên, thành phố sẽ có thể triển khai ngay các dự án cấp bách, không phụ thuộc vào khả năng cân đối vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Trước đây TPHCM đã thực hiện nhiều dự án theo hợp đồng BOT, BT mang lại lợi ích và hiệu quả như dự án mở rộng xa lộ Hà Nội (TP Thủ Đức) và quốc lộ 1 (quận Bình Tân)… Mặc dù vậy, với 6 dự án được đề xuất nêu trên, các chuyên gia còn tỏ ra băn khoăn vì đa số các đoạn đều có độ dài dưới 10km. Với chiều dài hạn chế như thế này, việc đặt các trạm thu phí một cách hợp lý là điều rất khó khăn.
Theo đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông TPHCM giai đoạn 2020 - 2030, tổng số km đường dự kiến được đầu tư khoảng 454 km (gồm các tuyến đường cao tốc, vành đai, quốc lộ, các tuyến giao thông trục chính, cầu lớn...). Tổng kinh phí dự kiến trong giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 266.000 tỷ đồng (trong đó, vốn ngân sách thành phố là 92.000 tỷ đồng, vốn đầu tư theo hình thức PPP là 174.000 tỷ đồng). Tuy nhiên, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được thành phố thông qua, vốn bố trí hạ tầng giao thông là 52.744 tỷ đồng. Số vốn này chỉ đạt 19,8% so với tổng nhu cầu, nên các dự án cấp bách chưa được bố trí vốn.
Cần tính kỹ
“Về nguyên tắc, mở rộng thêm hình thức đối tác công tư là để phong phú thêm vốn đầu tư. Tôi ủng hộ kiến nghị này, còn thực hiện thế nào thì phải tính toán, có ý kiến bổ sung của Bộ GTVT. Cụ thể, đối với dự án mở rộng đường thì chỗ nào làm được, mức độ thế nào, cái cũ bao nhiêu, cái mới bao nhiêu phải tính toán từng thứ cụ thể”- TS Trần Du Lịch, nguyên Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM cho biết như vậy khi trao đổi với PV Tiền Phong. Theo ông Lịch, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP) hiện nay có nhiều hạn chế, do đó TPHCM đang kiến nghị mở rộng áp dụng hình thức này sang cả lĩnh vực văn hóa, thể dục thể thao… cũng như dự án cải tạo, mở rộng đường sá. Ông Lịch cũng cho hay, việc sửa đổi Nghị quyết 54 của Quốc Hội, trong đó có một số đề xuất liên quan Luật PPP đang được bàn luận lấy ý kiến từ Bộ KH&ĐT cùng với các bộ ngành liên quan.
Mới đây, Bộ KH&ĐT vừa có tờ trình Chính phủ về tình hình xây dựng dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 của Quốc hội về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển TPHCM. Cụ thể, sau nhiều năm dừng triển khai, TPHCM muốn áp dụng lại hình thức BOT khi triển khai dự án nâng cấp đường hiện hữu, Bộ KH&ĐT cho rằng, việc này cần xem xét, đánh giá kỹ tác động đối với người dân, cũng như tính hợp lý trong quá trình lắp đặt các trạm thu phí.
Hiện tại, Nghị quyết số 437 (ngày 21/10/2017) của UBTV Quốc hội đã quy định chỉ áp dụng BOT đối với dự án làm đường mới để bảo đảm quyền lựa chọn cho người dân, không đầu tư các dự án BOT cải tạo, nâng cấp các tuyến độc đạo hiện hữu. Ngoài ra, về việc áp dụng hợp đồng BT trả bằng ngân sách thành phố, theo Bộ KH&ĐT, có nhiều ý kiến còn e ngại nếu thí điểm chính sách này. Bởi vì, chi phí đầu tư lớn hơn so với đầu tư công do phải chi trả phần lãi vay, lợi nhuận của nhà đầu tư. Việc lập dự án, lựa chọn nhà đầu tư chủ yếu tuân theo chỉ định thầu, không đảm bảo công khai, minh bạch. Một số dự án không bố trí kịp ngân sách để chi trả nên tạo gánh nặng trả nợ cho Nhà nước.
Trên số báo 67 ra ngày 8/3, do sơ sót trong khâu xử lý biên tập, Tiền Phong đã không đăng kỳ thứ 3 bài “Phát triển kinh tế vùng Đông Nam bộ: gỡ nút thắt về hạ tầng giao thông”. Kỳ 3 (kỳ cuối) bài báo này được đăng trên số báo 68. Xin cáo lỗi cùng bạn đọc!
TP