Bị sặc khi ăn canh cá ngừ, 7 năm sau mới gắp được dị vật có răng cưa

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Một bệnh nhân từng bị sặc khi ăn canh cá ngừ và có cảm giác bị dị vật xâm nhập vào trong cổ họng. Tuy nhiên, đến 7 năm sau mới được phát hiện và gắp dị vật có dạng răng cưa ra ngoài.

Chiều 19/2, bác sĩ Trần Thế Vinh, khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, đơn vị vừa gắp thành công dị vật nằm sâu trong đường hô hấp cho bệnh nhân H.V.P. (SN 1968, ở thôn 9, xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông, Đắk Lắk).

Trước đó (ngày 16/2), khoa Ngoại tổng hợp tiếp nhận bệnh nhân P. trong tình trạng đau ngực, ho, khạc ra máu.

Ngay sau khi tiếp nhận, các bác sĩ cho bệnh nhân làm một số xét nghiệm cận lâm sàng và chẩn đoán bị viêm phổi kèm dị vật nằm sâu trong phổi. Nhận thấy tình trạng nguy hiểm, khoa Ngoại tổng hợp phối hợp với khoa Nội soi tiến hành thủ thuật nội soi khí phế quản, gắp dị vật có kích thước 1x2cm, có răng cưa, kèm theo nhiều mủ đặc. Quá trình gắp dị vật diễn ra an toàn. Sau khi gắp dị vật, bệnh nhân dễ chịu hơn, sức khỏe dần ổn định.

Bị sặc khi ăn canh cá ngừ, 7 năm sau mới gắp được dị vật có răng cưa ảnh 1

Bệnh nhân P. cảm thấy dễ chịu sau khi dị vật được gắp ra ngoài

Cách đây 7 năm, bệnh nhân P. ăn canh cá ngừ thì bị sặc và cảm giác có dị vật xâm nhập vào cổ họng. Dù bệnh nhân đi khám nhiều cơ sở y tế trong tỉnh và ngoài tỉnh nhưng vẫn không tìm thấy dị vật.

Theo bác sĩ Trần Thế Vinh, dị vật được gắp ra nhỏ nhưng lại đi vào rất sâu bên trong, tuy không gây ngạt thở nhưng lại gây tình trạng nhiễm trùng trong phổi khiến bệnh nhân bị đau ngực, ho, sốt, khạt ra máu kéo dài. Đối với dị vật đường thở có hai biến chứng quan trọng nhất: Ngạt thở, gây suy hô hấp và tử vong tại chỗ; biến chứng nhiễm trùng và xuyên thủng các tổ chức.

“Nếu đi vào đường tiêu hóa thì gây tổn thương từ thực quản đến dạ dày, đến ruột, có thể gây thủng bất cứ chỗ nào, đặc biệt là thủng thực quản. Nếu bị thủng thực quản là một trong những biến chứng rất nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân, gây nhiễm trùng trung thất và có thể tử vong. Nếu xâm nhập qua đường khí quản vào đến phổi gây nhiễm trùng, áp xe phổi, lâu dài gây tổn thương chức năng hô hấp kéo dài dù đã được lấy dị vật ra. Khi có cảm giác dị vật xâm nhập, cần đến ngay cơ sở y tế để được xử trí kịp thời”, bác sĩ Vinh chia sẻ.

MỚI - NÓNG