Bhutan hoàn thành tiêm vắc-xin cho 90% dân số chỉ trong 1 tuần

0:00 / 0:00
0:00
Một sư thầy làm lễ cúng khi 500.000 liều vắc-xin Moderna được chuyển về Bhutan qua COVAX ngày 12/7. (Ảnh: AP)
Một sư thầy làm lễ cúng khi 500.000 liều vắc-xin Moderna được chuyển về Bhutan qua COVAX ngày 12/7. (Ảnh: AP)
TPO - Vương quốc Bhutan trên núi Himalaya đã tiêm xong vắc-xin cho 90% dân số đủ điều kiện chỉ trong vòng 7 ngày, Bộ Y tế nước này thông báo ngày 27/7.

Với gần 800.000 dân, quốc gia nhỏ bé nằm giữa Ấn Độ và Trung Quốc bắt đầu triển khai tiêm mũi thứ hai từ ngày 20/7, và đã hoàn thành nhiệm vụ mà UNICEF khen ngợi là “chiến dịch tiêm chủng nhanh nhất từng được tiến hành trong đại dịch”.

Hồi tháng 4, Bhutan gây chú ý trên báo chí quốc tế khi chính phủ nước này cho biết đã tiêm mũi đầu tiên cho 90% dân số đủ điều kiện chỉ trong 2 tuần, sau khi được Ấn Độ tặng 550.000 liều AstraZeneca. Nhưng sau đó, Bhutan không còn vắc-xin khi Ấn Độ dừng xuất khẩu để xử lý khủng hoảng y tế trong nước.

Tuần trước, Bhutan khởi động lại chương trình tiêm chủng sau khi nhận được nửa triệu liều vắc-xin Moderna từ Mỹ qua chương trình COVAX. Nước này còn nhận được 5.000 liều Pfizer thông qua COVAX, 400.000 liều AstraZeneca từ Đan Mạch, Croatia và Bulgaria trong 2 tuần qua.

“Mục tiêu của chúng tôi là đạt miễn dịch cộng đồng trong thời gian ngắn nhất có thể để chặn một cuộc khủng hoảng y tế lớn”, Bộ trưởng Y tế Bhutan Dechen Wangmo nói với AP.

Nhiều nước phương Tây giàu có hơn vẫn chưa đạt được tỷ lệ tiêm chủng cao như vậy.

Các chuyên gia nói rằng dân số nhỏ của Bhutan là một yếu tố, nhưng nước này cũng thành công nhờ thông điệp mạnh mẽ và hiệu quả từ lãnh đạo và hệ thống bảo quản lạnh sẵn có.

Hơn 3.000 nhân viên y tế tham gia tiêm chủng tại 1.200 điểm tiêm vắc-xin trên khắp cả nước, để bảo đảm vắc-xin đến được với tất cả người trưởng thành đủ điều kiện sức khoẻ. Trong một số trường hợp, các nhân viên y tế còn phải leo núi nhiều ngày trong trời mưa tầm tã để đến được những ngôi làng xa tít trên đỉnh núi, TS Sonam Wangchuck, thành viên nhóm đặc trách về tiêm chủng của Bhutan, cho biết.

“Tiêm chủng là trụ cột trong sáng kiến y tế của Bhutan”, ông nói.

Chính phủ Bhutan được điều hành bởi những người có chuyên môn y tế. Thủ tướng, ngoạii trưởng và bộ trưởng của nước này đều là người từ ngành y. Thông điệp liên tục từ chính phủ, cùng với việc giải đáp trực tiếp những câu hỏi của người dân về COVID-19 và tiêm chủng trên Facebook, góp phần giúp người dân gạt bỏ nghi ngại về vưacs-xin.

Thủ tướng Lotay Tshering và Quốc vương Jigme Khesar Namgyel Wangchuck ủng hộ vắc-xin từ rất sớm. Quốc vương còn thực hiện chuyến đi khắp cả nước để nâng cao nhận thức của người dân về tiêm chủng.

Một yếu tố khác làm nên thành công của Bhutan là mạng lưới tình nguyện viên rộng khắp, gọi là “desuup”, ông Will Parks, đại diện UNICEF tại Bhutan cho biết. Khoảng 22.000 tình nguyện viên đã tích cực hoạt động trong suốt 1 năm rưỡi qua để nâng cao nhận thức, gạt bỏ thông tin sai lệch về đại dịch, hỗ trợ sàng lọc, xét nghiệm và vận chuyển vắc-xin đến những nơi xa xôi, hiểm trở.

Thành công của Bhutan là điểm sáng hiếm hoi ở Nam Á, nơi nhiều nước như Ân Độ và Bangladesh đang chật vật tăng tốc tiêm chủng. Các chuyên gia nói rằng thành công này cho thấy tầm quan trọng của việc các nước giàu quyên góp vắc-xin để giúp thế giới đang phát triển, đồng thời cho thấy vai trò của chính phủ và sự vận động cộng đồng quan trọng như thế nào.

“Có lẽ vương quốc bé nhỏ trên núi Himalaya này là tia hy vọng cho một khu vực đang chìm trong lửa”, ông Parks nói.

Theo AP
MỚI - NÓNG