Nằm trong khuôn viên Vườn quốc gia Pù Mát, một khu vực khá rộng được bao kín bằng tường vây là Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Pù Mát. Để vào nơi này, không những khách mà kể cả bác sĩ, nhân viên trung tâm đều phải thực hiện sát trùng ở ngay cửa ra vào để phòng ngừa dịch.
Trung tâm này ra đời sau khi Vườn quốc gia Pù Mát được thành lập. Tuy nhiên, nơi đây thực sự thành “bệnh viện” dành riêng cho thú rừng từ năm 2018, khi được Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam tài trợ kinh phí để mua sắm thêm thiết bị và bổ sung thêm 3 nhân sự, trong đó có 2 bác sĩ thú y.
7 cá thể hổ được đưa về "bệnh viện" chăm sóc sau khi được giải cứu |
Bác sĩ Nguyễn Tất Hà (42 tuổi) cho biết, thú rừng được đưa đến, nếu trong tình trạng bị thương nặng, kiệt sức do bị nhốt lâu ngày, sẽ được đưa đến phòng cấp cứu hồi sức, được các bác sĩ thú y thăm khám, hội chẩn tìm phương án điều trị phù hợp. Sau đó, khi con thú có dấu hiệu hồi phục, sẽ được đưa đến khu chăm sóc đặc biệt và theo dõi hằng giờ.
Trung tâm này đang điều trị, nuôi hàng chục cá thể gồm các loài: vượn, tê tê, cầy vòi, gấu, khỉ, rái cá... Sau điều trị, việc chăm sóc để chúng phục hồi hoàn toàn không phải là chuyện dễ.
Anh Hà đi kiểm tra sức khoẻ của từng con vật đang được chăm sóc mỗi ngày |
Đây cũng là nơi vừa tiếp nhận, chăm sóc cho 7 cá thể hổ hơn 1 tháng tuổi mới được Công an tỉnh Nghệ An bắt giữ hồi đầu tháng 8/2021. Do còn nhỏ, lại bị nuôi nhốt, thiếu ăn nhiều ngày nên khi về nơi ở mới, con nào cũng có vấn đề về sức khỏe, bị bệnh đường ruột, có biểu hiện tiêu chảy.
Theo các nhân viên nơi đây, việc chăm sóc một lúc 7 hổ con không hề dễ. Sau khi tiếp nhận, trung tâm có chế độ chăm sóc đặc biệt, dành những điều kiện tốt nhất để cứu hộ, chăm sóc. Bộ phận chuyên môn của Vườn Quốc gia Pù Mát dùng thuốc kháng sinh và men tiêu hóa để ổn định đường ruột cho chúng.
Động vật hoang dã sau giải cứu được đưa về trung tâm để chăm sóc, phục hồi sức khoẻ |
Mang bình sữa vào cho con gấu nặng hơn 100kg, anh Hà nói: “Con gấu này được đưa về đây từ lúc mới 5 tuổi (năm 2013). Do bị dính bẫy thú nên 1 tay của con gấu đã bị hoại tử, phải cắt bỏ”.
Theo anh Hà, thú rừng sau khi đã chăm sóc khỏe mạnh, anh cùng nhân viên trong trung tâm này sẽ huấn luyện lại khả năng sinh tồn của chúng. “Ví dụ như chúng tôi sẽ không cho ăn uống như trước mà đem giấu thức ăn trong chuồng để bắt chúng phải tự tìm kiếm. Không phải con nào cũng làm được điều này, có những con thú bị nuôi nhốt quá lâu, không thể quay lại rừng nữa” - anh Hà nói.
Chỉ vào cánh tay phải vẫn còn nham nhở vết sẹo, anh Hà cho hay đó là một ký ức buồn trong 16 năm gắn bó với công việc chăm sóc thú rừng của mình. Khi anh quay lại công việc sau kỳ nghỉ tết năm 2016 thì bất ngờ bị một con khỉ lao vào tấn công khiến anh bị thương nặng.
Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Pù Mát |
Các khu chăm sóc động vật được bố trí quang cảnh như ngoài tự nhiên để các con vật dần lấy lại khả năng sinh tồn của mình |
“Con khỉ này đã chăm lâu rồi, hôm đó không hiểu sao nó lại hung dữ như vậy. Coi như đó là bài học để mình cảnh giác hơn sau này” - anh Hà cười nói.
Mất cả năm trời sau đó để chữa trị vết thương nhưng cánh tay của anh Hà không bao giờ có thể lành lại như cũ. Dẫu vậy, anh vẫn chưa từng nghĩ đến việc từ bỏ công việc, từ bỏ những người “bạn” đặc biệt trong bệnh viện này.