Trả nợ rừng xanh

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Từ một lâm tặc kiêm thợ săn khét tiếng, anh Kính đột nhiên bỏ nghề rồi trở thành thành viên của “Đội bảo vệ rừng cộng đồng” khiến nhiều người ngỡ ngàng. Chính những kỹ năng săn bắn của mình nay lại thành kinh nghiệm để anh Kính và đồng nghiệp đi cứu thú rừng.

Đưa đôi bàn tay chai sạn hơ trên bếp lửa sưởi ấm sau chuyến đi vào rừng sâu kiểm tra, anh Lương Văn Kính (SN 1977, trú xã Châu Khê, huyện Con Cuông, Nghệ An) nói: “Trời đã chuyển lạnh nên vào rừng cực hơn, nhưng cũng quen rồi. Mình mắc tội với rừng, giờ phải trả. Phải trả lại màu xanh, trả lại “tiếng rừng” cho chính khu rừng bị mình và nhiều người khác chặt phá đến cạn kiệt”.

Ngước nhìn về ngọn núi phía sau lưng, anh Kính kể, lúc anh còn nhỏ thường theo chân bố mẹ vào rẫy ở sâu trong rừng nên đã quen cảnh săn bắt thú làm thức ăn. Lớn lên, anh thạo việc đặt bẫy, săn thú rừng rồi cùng bạn bè vào rừng chọn những cây gỗ to nhất để hạ, đem ra ngoài bán kiếm tiền.

Trả nợ rừng xanh ảnh 1

Từ bỏ lâm tặc, anh Kính trở thành thành viên của "Đội bảo vệ rừng cộng đồng"

Gần 20 năm trước, anh cùng 3 người khác thường đi vào những cánh rừng nguyên sinh chọn gỗ rồi đốn hạ. Sau khi xẻ thành tấm, cả nhóm lại tìm cách vận chuyển ra ngoài. Mưu mẹo đứng bè, chuyển gỗ ra ngoài vào ban đêm không cần đèn để vượt mặt cơ quan chức năng đã khiến người đàn ông này trở nên "có tiếng" trong vùng.

Từ chỗ săn thú rừng làm thức ăn, anh Kính dần trở thành một tay săn bẫy đặt đâu trúng đó, cung cấp thú rừng cho nhiều thương lái thu mua để bán ra thị trường.

Năm 2005, anh Kính bị lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ hết các vật dụng khai thác gỗ và bẫy thú. “Lúc đó chả biết làm chi ăn nữa”, anh Kính nói và cho biết, chính thời gian thất nghiệp đã làm bản thân giày vò, quyết tìm một công việc mới để không còn phải sống kiếp chui lủi trong rừng xanh.

Trả nợ rừng xanh ảnh 2

Từ thợ săn khét tiếng, anh Kính chuyển mình trở thành người chuyên đi tháo gỡ bẫy thú trong rừng

Cũng từ đó, anh Kính tu chí bên ruộng nương sống qua ngày. Năm 2016, anh bất ngờ nhận được lời đề nghị dẫn đường đoàn nghiên cứu vào rừng Pù Mát của Phó giám đốc Vườn quốc gia Pù Mát Lưu Trung Kiên.

“Nói thật lúc đó tôi cũng ngượng, bởi mình từng tàn phá rừng, giờ lại dẫn người đi nghiên cứu rừng nữa chứ. Nhưng rồi tôi nghĩ nếu làm tốt thì đây chính là cơ hội để mình trả nợ rừng xanh”, anh Kính nhớ lại.

Vị Phó giám đốc Vườn quốc gia Pù Mát vẫn còn nhớ mãi về sự chu đáo của anh Kính khi cả đoàn đi thay pin cho máy ảnh. Lúc đó, cả đoàn rất vất vả khi chiếc khóa chống trộm máy ảnh han gỉ, đoàn không thể mở để thay pin được. Tuy nhiên, anh Kính mở túi lấy lọ dầu máy tra vào khiến các ổ khóa đều được đóng mở tanh tách dễ dàng. Hỏi anh về việc này, anh cười nói: “Các anh để những cái khóa này ngoài trời 3 tháng mà không có dầu máy thì chỉ có tài thánh mới mở được”.

Trả nợ rừng xanh ảnh 3

Những giấc ngủ tạm bợ trong rừng sâu mỗi khi đi tuần tra trong rừng già

“Nhờ thông thạo thời tiết mưa nắng trong rừng, động dốc, khe suối và nơi các loại thú thường qua lại nên chuyến đi có anh Kính dẫn đường luôn suôn sẻ, làm hài lòng các nhà khoa học sau những chặng đường rừng mệt nhọc nhưng đầy thú vị”, ông Kiên cho hay.

Anh Kính còn đầu quân vào đội bảo vệ rừng cộng đồng để phát huy hết khả năng của mình. Mỗi tháng, anh Kính cùng một số người khác cũng từng là lâm tặc một thời cùng đi giám sát, tuần tra rừng khoảng 10 ngày.

“Nếu đi dọc suối, chỉ cần xem có rác thải theo đầu khe chảy xuống hoặc có nước đục thì phía đầu nguồn chắc chắn có người lạ thâm nhập vào rừng. Tinh ý hơn, ta có thể nhìn các cây nhỏ bị gãy rạp thì biết rừng bị phá; ngửi mùi khói thì biết thợ săn đang nướng mồi thú rừng…”, anh Kính chia sẻ.

Bao con suối gập ghềnh, trơn trượt, bao đỉnh núi chênh vênh trong khu rừng Pù Mát họ đều đã băng qua để đi tìm dấu vết những loài động vật hoang dã và gỡ đi những chiếc bẫy thú.

Anh Kính tâm sự "Mất mát của rừng có một phần lỗi của mình nên 4 năm qua, tôi luôn cố gắng hết mình với mong muốn rừng lại có nhiều động vật như đã từng".

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.