Bầu Kiên bị đề nghị 30 năm tù giam

TPO - Sáng nay, 27/5, đại diện Viện kiểm sát đã kết luận vụ án Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) và đồng phạm. Bị xác định giữ vai trò chủ mưu, chỉ đạo, bầu Kiên bị đề nghị tuyên phạt 30 năm tù giam cho 4 tội danh.

Bảo lưu quan điểm truy tố

Ngoại trừ việc đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) TAND TP Hà Nội tạm đình chỉ vụ án đối với bị cáo Trần Xuân Giá, về căn bản đại diện cơ quan công tố giữ nguyên nội dung cáo buộc như bản cáo trạng đã được Viện KSND Tối cao truy tố trước tòa.

Theo đánh giá của công tố viên, có đủ căn cứ cho thấy Nguyễn Đức Kiên, còn gọi bầu Kiên, phạm các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Trốn thuế và Kinh doanh trái phép. 

Bị cáo Kiên bị cáo buộc đã lợi dụng các chính sách về quản lý kinh tế, gây lũng đoạn thị trường tài chính Việt Nam. Đơn cử, ở hành vi Kinh doanh trái phép, từ ngày 15/5/2007 đến 3/8/2012, Nguyễn Đức Kiên đã thông qua 6 Cty do mình làm chủ tịch để tổ chức kinh doanh không đúng với nội dung đăng ký; kinh doanh cổ phần, cổ phiếu và kinh doanh vàng với tổng số tiền hơn 21.000 tỷ đồng. 

Tại phiên tòa, các bị cáo cho rằng, biên bản họp của hội đồng quản trị trong việc ủy thác gửi tiền là đúng luật. Bên cạnh đó, đại diện Ngân hàng ACB khẳng định, trách nhiệm bồi hoàn 718 tỷ thuộc về Vietinbank.

Tuy nhiên, công tố viên khẳng định, những lời khai này không có cơ sở, bởi Ngân hàng Nhà nước cho có hướng dẫn cụ thể về nội dung ủy thác. “Là vi phạm Điều 106, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010” – kiểm sát viên nhấn mạnh.

Bản thân Huỳnh Thị Huyền Như cũng đã khai nhận có ý đồ chiếm đoạt từ trước, và bỏ tiền túi để trả chênh lệch lãi suất cho các giao dịch từ 19 nhân viên ACB, khi gửi tiền cho mình. 

Số tiền thiệt hại hơn 718 tỷ đồng từ Ngân hàng ACB, theo cơ quan công tố, được coi là hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng từ chính ACB.

Liên quan đến hành vi kinh doanh cổ phiếu, Nguyễn Đức Kiên cùng các bị cáo khẳng định, đã tuân thủ các quy định của pháp luật.

Bị cáo Kiên giữ vai trò chủ mưu, chỉ đạo 

Kết luận của cơ quan truy tố khẳng định, bị cáo Nguyễn Đức Kiên là người giữ vai trò chủ mưu, chỉ đạo. Các bị cáo (là nhân viên của “bầu” Kiên), về căn bản được kiểm sát viên “thương xót” khi cho rằng, chỉ là những người làm công ăn lương, hành vi phạm tội đều theo chỉ đạo của Nguyễn Đức Kiên, do vậy, cần xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Bầu Kiên bị đề nghị 30 năm tù giam ảnh 1

Kết luận của cơ quan truy tố khẳng định, bị cáo Nguyễn Đức Kiên là người giữ vai trò chủ mưu, chỉ đạo.

Trước đó, do có đơn của một số luật sư có đơn đề nghị HĐXX cho thêm thời gian để xét hỏi, do vậy, tòa quyết định quay lại phần xét hỏi để đảm bảo giải quyết vụ án được khách quan, toàn diện, đầy đủ.

Trong phần thẩm vấn, một luật sư cho hỏi ông Trần Đình Long (Chủ tịch HĐQT Cty cổ phần tập đoàn thép Hòa Phát): “Theo quan điểm cá nhân, ông có nghĩ mình bị Nguyễn Đức Kiên lừa đảo không?”. Nghe đến đây, ông Long tỏ ra khá bối rối, rồi hướng lên phía HĐXX.

Cùng lúc đó, vị chủ tọa lập tức ngắt lời: “Đề nghị luật sư tập trung các câu hỏi vào nội dung vụ án”. Cũng không vừa, luật sư phản pháo: “Nếu HĐXX không cho chúng tôi hỏi, và không yêu cầu những người liên quan trả lời, chúng tôi lấy đâu ra các nội dung, hành vi khách quan để làm rõ bản chất đúng đắn của vụ án”.

Mức án đề nghị của các bị cáo: 

Nguyễn Đức Kiên (SN 1964, ở phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội): Tội kinh doanh trái phép: 18 đến 24 tháng tù; Trốn thuế 4 đến 5 năm tù; Cố ý làm trái 14 đến 15 năm tù và 16 đến 18 năm tù cho tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tổng hợp hình phạt, bị cáo Kiên bị đề nghị chung 30 năm tù. 

Lê Vũ Kỳ (SN 1956, ở phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình, Hà Nội): 7 đến 8 năm tù. 

Trịnh Kim Quang (SN 1954, ở phường 6, quận 3, TP. Hồ Chí Minh): 6 đến 7 năm tù. 

Phạm Trung Cang (SN 1954, ở phường 2, quận 3, TP. Hồ Chí Minh): 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thử thách 5 năm.
Lý Xuân Hải (SN 1965, ở phường 14, quận 10, TP. Hồ Chí Minh): 12 đến 14 năm tù. 

Huỳnh Quang Tuấn (SN 1958, ở phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội): 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thử thách 5 năm. 

Trần Ngọc Thanh (SN 1952, ở phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội): 9 đến 10 năm tù.

Nguyễn Thị Hải Yến (SN 1969, ở quận Long Biên, Hà Nội): 7 đến 8 năm tù.

MỚI - NÓNG
Vì sao từ khóa phông bạt vào đề văn lớp 10?
Vì sao từ khóa phông bạt vào đề văn lớp 10?
TPO - Đề văn của một trường THPT tại TPHCM ra yêu cầu ngắn gọn: "Hãy viết bài văn nghị luận bàn về lối sống phông bạt của giới trẻ hiện nay". Một số phụ huynh nhận định đề thi thú vị, mang tính thời sự. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng từ "phông bạt" xuất hiện trong đề thi là không phù hợp.