Bầu Kiên: “Tôi không thiếu tiền nên không phải lừa ai”

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên, tức 'bầu' Kiên
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên, tức 'bầu' Kiên
TPO - Đó là khẳng định của “bầu” Kiên trước những câu hỏi của luật sư liên quan đến hành vi lừa đảo, chiếm đoạt 264 tỷ đồng của Tập đoàn Hòa Phát.

Chiều 26/5, HĐXX dành thời gian cho các luật sư tham gia phần thẩm vấn. Với nội dung ủy thác gửi tiền của Ngân hàng ACB với Vietinbank, các luật sư cho gọi đại diện các nhân viên Ngân hàng ACB. Theo đó, đại diện cho 19 nhân viên (đã gửi hơn 718 tỷ đồng tại Vietinbank) cho rằng, khi gửi tiền cho Huyền Như, nhận thức đó là gửi tiền cho Ngân hàng Công thương chứ không phải cho cá nhân vị Quyền trưởng phòng giao dịch này.

Nhằm làm rõ trách nhiệm trong việc chiếm đoạt số tiền hơn 718 tỷ đồng, các luật sư tập trung thẩm vấn Huỳnh Thị Huyền Như (cựu quyền trưởng phòng giao dịch một chi nhánh Vietinbank).

Sự hào sảng của “bầu” Kiên

“Nhận xét về lời khai của bị cáo Nguyễn Thị Hải Yến (cựu Kế toán trưởng Cty ACBI), “bầu” Kiên cho rằng: “Yến là một người tôi quý mến, học với em gái tôi, là học sinh của mẹ tôi, lại làm việc cho tôi. Và tôi hiểu những áp lực của Yến khi đối mặt với cơ quan điều tra, do vậy, tôi không có ý định làm rõ những lời khai của Yến tại tòa”

Theo đó, một luật sư lên tiếng hỏi Huyền Như: “Có phải với cương vị quyền trưởng phòng giao dịch đã giúp chị dễ dàng chiếm đoạt được số tiền này không?”. “Dạ, thưa Hội đồng xét xử, tôi không giải thích gì thêm về câu hỏi này” – Huyền Như khôn ngoan đáp.


Liên quan đến nội dung chuyển nhượng 20 triệu cổ phần giữa Cty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội (Cty ACBI, do Nguyễn Đức Kiên làm chủ tịch hội đồng quản trị) với Tập đoàn Hòa Phát, “bầu” Kiên khẳng định: “Tôi tin rằng, ở Việt Nam hiện nay, không ai lừa được anh Long” – khi trả lời luật sư với câu hỏi “trong cách giao dịch với anh Long ở tập đoàn Hòa Phát, anh có lừa đảo không?”.

Ngoài ra, nói đến mối quan hệ cá nhân giữa “bầu” Kiên và ông Trần Đình Long (Chủ tịch Hội đồng quản trị Cty cổ phần tập đoàn thép Hòa Phát), ông Kiên nói thêm: “Thứ nhất, tôi không thiếu tiền, nên không có nhu cầu cần tiền của ai. Thứ hai, tôi không thể chiếm đoạt tiền của tập đoàn Hòa Phát, với tư cách đạo đức của mình”.

Trước đó, quá trình diễn biến vụ án, ông Kiên khẳng định có mối quan hệ gắn bó với tập đoàn Hòa Phát cũng như mối quan hệ riêng tư với “anh Long”. Nguyễn Đức Kiên cho rằng, với ông Trần Đình Long, Kiên ví như “một người bạn thân”, “một người đồng cấp”, với cùng niềm đam mê bóng đá. Và “chúng tôi từng nhiều lần sang Châu Âu để xem bóng” – “bầu” Kiên khẳng định.

Nhằm tiếp tục khẳng định mối quan hệ thân thiết với tập đoàn Hòa Phát, “bầu” Kiên phân tích: “Ngay từ đầu tôi đã không muốn chuyển nhượng 20 triệu cổ phần sang tập đoàn Hòa Phát, vì các dự án của tôi vẫn đang phát triển tốt. Tuy nhiên, tôi vẫn đồng ý sang nhượng, coi như đó là việc giúp đỡ của tôi đối với anh Long”. Thậm chí “nếu anh Long không phải bạn tôi, nếu tập đoàn Hòa Phát không phải bạn tôi, tôi khẳng định tôi là bị hại trong việc chuyện chuyển nhượng 20 triệu cổ phần” – bị cáo Kiên nói thêm.

Tòa không cho “bầu” Kiên trả lời câu hỏi của luật sư

 Liên quan đến nội dung có hay không hành vi chiếm đoạt 264 tỷ đồng của tập đoàn Hòa Phát, một luật sư đặt câu hỏi: “Anh là một doanh nhân có tiếng ở Việt Nam, điều này khỏi bàn cãi, vậy xin hỏi, anh có động cơ, mục đích nào để chiếm đoạt 264 tỷ đồng của tập đoàn Hòa Phát không?”. Nhưng khi bị cáo Nguyễn Đức Kiên định trả lời, lập tức thẩm phán Nguyễn Hữu Chính (chủ tọa phiên tòa) yêu cầu “bị cáo không được trả lời câu hỏi này”. Trước câu hỏi đó, “bầu” Kiên khẳng định mình không thiếu tiền, không vay mượn của ai.

MỚI - NÓNG