Làm rõ “bầu” Kiên lách luật, đầu tư cổ phiếu

Bầu Kiên tại toà ngày 26/5. Ảnh: Bảo Thắng
Bầu Kiên tại toà ngày 26/5. Ảnh: Bảo Thắng
TP - Ngày 26/5, HĐXX TAND Hà Nội tập trung làm rõ hành vi đầu tư cổ phiếu Ngân hàng ACB gây thiệt hại hơn 687 tỷ đồng. Theo đó, một chiêu “lách luật” được tòa làm rõ: Khi không được trực tiếp mua cổ phiếu, bầu Kiên xoay xở bằng việc hợp tác đầu tư...

Không mua được thì… hợp tác

Trước đó, cuối năm 2009, thường trực hội đồng quản trị ACB ra thông báo: Giá cổ phiếu ở thị trường chứng khoán đang diễn biến thuận lợi cho việc đầu tư để sinh lời. Thường trực HĐQT chấp thuận cấp hạn mức 700 tỷ đồng cho Hội đồng đầu tư để mua một số cổ phiếu có giá tốt và tính thanh khoản cao, ủy quyền cho ông Nguyễn Đức Kiên tức bầu Kiên, Chủ tịch Hội đồng đầu tư, chỉ đạo trực tiếp việc đầu tư này.

Thực hiện nội dung trên, bầu Kiên đã chỉ đạo Cty ACBS đầu tư cổ phiếu ACB và một số mã chứng khoán khác. Do hiểu luật không cho phép Cty ACBS mua cổ phiếu ACB, ông Kiên đã chỉ đạo ACBS ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Cty cổ phần Đầu tư Á Châu (Cty ACI) và Cty TNHH Đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội (Cty ACI-HN) do ông Kiên làm Chủ tịch để đầu tư mua cổ phiếu.

Đơn cử, ngày 1/12/2009, Hội đồng đầu tư ACBS gồm các ông Lê Vũ Kỳ, Đỗ Minh Toản, Nguyễn Ngọc Chung ký nghị quyết cho phép Cty hợp tác với Cty ACI để đầu tư cổ phiếu với giá trị tối đa 2.000 tỷ đồng. Nghị quyết này được Nguyễn Đức Kiên phê duyệt với tư cách là Chủ tịch Hội đồng đầu tư ACB.

Theo cáo buộc của Viện KSND Tối cao, để Cty ACBS có tiền mua cổ phiếu, theo chỉ đạo của bầu Kiên, ACB đã cho KienLongBank vay liên ngân hàng 1.000 tỷ đồng và cho VietBank vay liên ngân hàng 500 tỷ đồng, để 2 ngân hàng này cho Cty ACBS vay lại 1.500 tỷ đồng thông qua hình thức mua trái phiếu ACBS. Theo kết luận của cơ quan truy tố, việc ACB chuyển tiền cho ABCS thông qua việc cho KienLongBank và VietBank vay tiền liên ngân hàng dẫn đến việc ACB bị thiệt hại hơn 60 tỷ đồng.

Với các hành vi tương tự, cơ quan điều tra khẳng định, hành vi thống nhất, ban hành chủ trương mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán của các ông Trần Xuân Giá (đã được tạm đình chỉ vụ án), Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, Lê Vũ Kỳ, Lý Xuân Hải (Tổng GĐ ACB) và hành vi tổ chức việc đầu tư cổ phiếu ACB của Nguyễn Đức Kiên, Lê Vũ Kỳ đã gây thiệt hại cho ACB hơn 687 tỷ đồng.

“Tôi không thiếu tiền, không bao giờ vay mượn ai”

Chiều 26/5, Tòa dành thời gian cho các luật sư tham gia phần thẩm vấn. Với nội dung ủy thác gửi tiền của ACB với VietinBank, các luật sư cho gọi đại diện các nhân viên ACB. Theo đó, đại diện cho 19 nhân viên đã gửi hơn 718 tỷ đồng tại chi nhánh VietinBank cho rằng, khi gửi tiền cho Huyền Như, họ nhận thức đó là gửi tiền cho VietinBank chứ không phải cho cá nhân vị Quyền trưởng phòng giao dịch này.

Để làm rõ trách nhiệm trong việc chiếm đoạt số tiền hơn 718 tỷ đồng, các luật sư tập trung thẩm vấn Huỳnh Thị Huyền Như. Một luật sư hỏi: “Có phải với cương vị Quyền trưởng phòng giao dịch đã giúp chị dễ dàng chiếm đoạt được số tiền này không?”. “Dạ, thưa HĐXX, tôi không giải thích gì thêm về câu hỏi này” - Huyền Như đáp.

Liên quan đến nội dung chuyển nhượng 20 triệu cổ phần giữa Cty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội (Cty ACBI, do Nguyễn Đức Kiên làm Chủ tịch HĐQT) với Tập đoàn Hòa Phát, bầu Kiên khẳng định: “Tôi tin rằng, ở Việt Nam hiện nay, không ai lừa được anh Long” khi trả lời luật sư với câu hỏi “trong cách giao dịch với anh Long ở tập đoàn Hòa Phát, anh có lừa đảo không?”.

Ngoài ra, nói đến mối quan hệ cá nhân với ông Trần Đình Long (Chủ tịch HĐQT Cty cổ phần tập đoàn thép Hòa Phát), ông Kiên nói thêm: “Thứ nhất, tôi không thiếu tiền, nên không có nhu cầu cần tiền của ai. Thứ hai, tôi không thể chiếm đoạt tiền của tập đoàn Hòa Phát, với tư cách đạo đức của mình”.

Trước đó, ông Kiên khẳng định có mối quan hệ gắn bó với tập đoàn Hòa Phát cũng như mối quan hệ riêng tư với ông Long. Ông Kiên cho rằng, với ông Trần Đình Long, Kiên ví như “một người bạn thân”, “một người đồng cấp”, với cùng niềm đam mê bóng đá. “Chúng tôi còn từng nhiều lần sang châu Âu xem bóng” - bầu Kiên cho biết.

Nhằm tiếp tục khẳng định mối quan hệ thân thiết với tập đoàn Hòa Phát, bầu Kiên phân tích: “Ngay từ đầu tôi đã không muốn chuyển nhượng 20 triệu cổ phần sang tập đoàn Hòa Phát, vì các dự án của tôi vẫn đang phát triển tốt. Tuy nhiên, tôi vẫn đồng ý sang nhượng, coi như đó là việc giúp đỡ của tôi đối với anh Long”. Thậm chí, ông Kiên nói: “Nếu anh Long không phải bạn tôi, nếu tập đoàn Hòa Phát không phải bạn tôi, tôi khẳng định tôi là bị hại trong việc chuyện nhượng 20 triệu cổ phần”.

Bên lề:

Không cho “bầu” Kiên trả lời câu hỏi của luật sư

Liên quan đến nội dung có hay không hành vi chiếm đoạt 264 tỷ đồng của tập đoàn Hòa Phát, một luật sư đặt câu hỏi: “Anh là một doanh nhân có tiếng ở Việt Nam, điều này khỏi bàn cãi, vậy xin hỏi, anh có động cơ, mục đích nào để chiếm đoạt 264 tỷ đồng của tập đoàn Hòa Phát không?”. Nhưng khi bị cáo Nguyễn Đức Kiên định trả lời, lập tức thẩm phán Nguyễn Hữu Chính (chủ tọa phiên tòa) yêu cầu “bị cáo không được trả lời câu hỏi này”.

Sự “hào sảng” của “bầu” Kiên

Nhận xét về lời khai của bị cáo Nguyễn Thị Hải Yến (cựu Kế toán trưởng Cty ACBI) bất lợi cho mình, bầu Kiên nói trước tòa: “Yến là một người tôi quý mến, học với em gái tôi, là học sinh của mẹ tôi, lại làm việc cho tôi. Và tôi hiểu những áp lực của Yến khi đối mặt với cơ quan điều tra, do vậy, tôi không có ý định làm rõ những lời khai của Yến tại tòa”.

Tinh quái như Huyền Như

“19 nhân viên của Ngân hàng ACB gửi tiền cho chị hay cho VietinBank?” - một luật sư đặt câu hỏi đối với Huỳnh Thị Huyền Như. Giống như các phần trả lời trước, Huyền Như tinh quái đáp: “Tôi chỉ biết rằng, đó là họ gửi tiền cho tôi”. Các câu hỏi khác của luật sư xoáy vào hành vi chiếm đoạt số tiền 718 tỷ đồng đều được Huyền Như hóa giải bằng câu: “Dạ thưa tòa, tôi không cần giải thích thêm về điều này”. Trước hàng loạt câu hỏi tương tự, Huyền Như lặp lại điệp khúc: Tôi đã trả lời, tôi không trả lời câu này hoặc tôi đã khai rõ ràng tại cơ quan điều tra...

MỚI - NÓNG