Ngày 22/12, Ban quản lý An toàn thực phẩm (BQL ATTP) TPHCM đã tổ chức hội nghị kết nối doanh nghiệp (DN), hợp tác xã, cơ sở chế biến nông sản tỉnh Lâm Đồng với các DN, hệ thống phân phối nông sản tại TPHCM.
Quang cảnh hội nghị |
Ông Hoàng Sỹ Bích, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Lâm Đồng cho biết, địa phương có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp như chè, cà phê, rau củ, cây ăn quả.... Tổng diện tích áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất VietGap, GlobalGap là hơn 7.600 ha. Toàn tỉnh có 234 chuỗi liên kết sản xuất với hơn 31.000 hộ liên kết. Quy mô trồng trọt đạt gần 53.000 ha với sản lượng trên 589.000 tấn.
Sở NN-PTNT Lâm Đồng và BQL ATTP TPHCM đã ký kết hợp tác về việc phối hợp quản lý và kết nối tiêu thụ nông sản, thực phẩm đảm bảo ATTP cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn giai đoạn 2021 – 2025.
Đến nay, có 70 cơ sở sản xuất, sơ chế rau củ quả các loại trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đang cung cấp cho các hệ thống siêu thị, chợ đầu mối tại TPHCM. BQL ATTP TPHCM đã xác nhận 29 cơ sở sản xuất, sơ chế rau củ quả được cấp giấy chứng nhận chuỗi an toàn thực phẩm. Sản lượng rau củ quả đạt hơn 38.000 tấn/năm, trái cây hơn 1.000 tấn/năm và trà 60 tấn/năm.
Doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng giới thiệu rau củ quả tại TPHCM |
Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, công nghiệp chế biến nông sản được quan tâm phát triển nhưng vẫn chưa đạt được sự tăng trưởng như kỳ vọng. Nhiều dự án chế biến chưa được triển khai thực hiện như nhà máy chế biến sữa, cà chua, mắc ca…
Tuy nhiên, việc sơ chế sau thu hoạch tương đối khả quan với việc hình thành và nhân rộng mô hình trung tâm sau thu hoạch, phân loại sơ chế sản phẩm trước khi chuyển đến các thị trường tiêu thụ… Năm 2023, sản lượng nông sản qua sơ chế, chế biến đạt khoảng 73% tổng sản lượng toàn tỉnh, trong đó sản lượng qua chế biến đạt khoảng 23%.
Từ năm 2016 đến nay, Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp với TPHCM lấy hơn 4.808 mẫu rau củ quả kiểm tra. Kết quả: Có 4.760 mẫu đạt, chiếm 99%, 48 mẫu không đạt về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng giới hạn cho phép (chiếm 1%).
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng BQL ATTP TPHCM cho biết, bên cạnh công tác chống thực phẩm bẩn, tăng cường thanh kiểm tra, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, TPHCM còn xây dựng hệ thống chuỗi thực phẩm sạch. Nông sản thực phẩm của tỉnh Lâm Đồng đã trở thành thương hiệu của người dân thành phố. Vừa qua, tỉnh Lâm Đồng và TPHCM đã ký kết hợp tác đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ nông sản thực phẩm sạch.
Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM kiểm tra thực phẩm tại chợ đầu mối Thủ Đức |
“TPHCM có 3 chợ đầu mối tập trung hầu hết nông sản, thực phẩm đến từ các tỉnh, thành. Trong đó, chợ đầu mối nông sản Thủ Đức chuyên về rau củ quả. Các mặt hàng Đà Lạt chiếm thị phần rất lớn. Làm sao có thể nhận biết sản phẩm chất lượng của Đà Lạt và chống gian lận thương mại là điều chúng tôi rất trăn trở. Chúng tôi thường đột xuất kiểm tra, tổ chức lấy mẫu để kịp thời phát hiện các chất độc hại nếu có” – bà Lan nói.
Tuy nhiên, Trưởng BQL ATTP TPHCM nêu thực tế tại các chợ đầu mối, thực phẩm được công bố rõ nguồn gốc. Tuy nhiên, khi tiểu thương mua về các chợ lẻ để bán thì có sự nhập nhằng. Thực phẩm có pha trộn hay không rất khó nhận biết.
Theo bà Lan, thời gian qua, để bảo đảm thực phẩm đạt chất lượng, cơ quan chức năng không chờ hàng hóa về thành phố mới đi kiểm nghiệm mà quản lý ngay khâu sản xuất ban đầu. Bà Lan khẳng định việc giám sát chất lượng từ khâu trồng trọt, chăn nuôi là rất quan trọng.
“Chúng tôi kỳ vọng rất nhiều vào việc giám sát từ nguồn của các sở, ban ngành địa phương. Hiện nay, nhiều DN, các siêu thị cũng có chương trình kiểm soát chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, có yên tâm, đảm bảo an toàn thực phẩm 100% hay chưa thì tôi chắc chắn rằng chưa” – bà Lan thừa nhận.