An toàn thực phẩm từ thiện đang bị thả nổi

TP - Ngày 5/10, trả lời phóng viên về việc quản lý đối với mặt hàng thực phẩm từ thiện, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý An toàn Thực phẩm TPHCM, nói: “Đây còn là mảng trống, chúng tôi chưa tìm ra cách quản lý hiệu quả vấn đề thực phẩm từ thiện”.
An toàn thực phẩm từ thiện đang bị thả nổi ảnh 1
Cơ quan chức năng kêu gọi người dân sử dụng thực phẩm có nguồn gốc, đảm bảo chất lượng để tránh nguy cơ ngộ độc. Ảnh: Vân Sơn

Chiều tối 29/9, có 50 người bị ngộ độc, 1 bé gái 6 tuổi tử vong sau khi ăn bánh su kem được phát từ thiện trong buổi tiệc liên hoan Trung thu tại chung cư Palm Heights (TP.Thủ Đức, TPHCM). Bước đầu điều tra, cơ quan chức năng xác định, bánh su kem là loại thực phẩm được tập trung điều tra, xét nghiệm vì nghi ngờ bị nhiễm khuẩn.

Bà Lan cho rằng, đa số thực phẩm từ thiện đều xuất phát từ tâm của người cho tặng, do đó cách làm của họ cũng khá cẩn thận. Tuy nhiên, trên thực tế hoạt động này đa phần là tự phát. Căn cứ các quy định của pháp luật, thực phẩm từ thiện không thuộc loại hình đăng ký kinh doanh. Việc quản lý thực phẩm từ thiện có thể cũng tương tự thức ăn đường phố, đây sẽ là loại hình được cơ quan chức năng, các lực lượng ở địa phương cùng Ban Quản lý An toàn thực phẩm (Ban) phối hợp để quản lý.

Ban đang có kế hoạch để thống kê tất cả các cơ sở từ thiện ở quận, huyện của TPHCM. Trước mắt, sẽ tổ chức tập huấn, tuyên truyền nâng cao kiến thức cho những người làm công tác từ thiện để chuẩn bị những bữa ăn, các loại thực phẩm đảm bảo an toàn cho người dân. Ban kêu gọi cộng đồng cần phải sử dụng thực phẩm, suất ăn có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, có thương hiệu. “Mục tiêu của Ban trong bảo đảm an toàn thực phẩm là tăng cường tuyên truyền, kéo giảm đến mức thấp nhất có thể thậm chí là không để bất kỳ vụ ngộ độc nào xảy ra kể cả về số lượng và quy mô. Sau vụ việc ngộ độc vừa xảy ra thì mục tiêu đặt ra đã bước đầu thất bại. Phải khẳng định là chúng ta tuyên truyền chưa tới với cộng đồng về đảm bảo an toàn thực phẩm. Đến nay vẫn chưa thể biết được mầm bệnh nhiễm vào thực phẩm như thế nào” - bà Lan nói.

Ban đang tập trung vào việc điều tra đối với bánh su kem được sử dụng trong bữa tiệc liên hoan Trung thu. Em bé 6 tuổi tử vong trên thực tế không tham gia bữa tiệc mà ở nhà và được mẹ mang bánh su kem về cho ăn.

Hai trẻ quốc tịch Nga bị ngộ độc

Liên quan vụ ngộ độc trên, ông Nguyễn Hải Nam, Phó chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM, cho biết, ngày 5/10 Sở nhận được kết quả xét nghiệm mẫu phân của 2 bệnh nhi bị ngộ độc tham gia buổi tiệc Trung thu tại chung cư Palm Heights. Theo đó, qua báo cáo của Trung tâm Y tế thành phố Thủ Đức, ngoài những trẻ được đưa đến các bệnh viện, còn 2 trẻ 6 tuổi và 12 tuổi (quốc tịch Nga) có triệu chứng sốt, đau bụng, nôn ói và tiêu chảy đi khám tại Phòng khám Đa khoa số 3 (95 Thảo Điền, phường Thảo Điền, thành phố Thủ Đức) với triệu chứng sốt, đau bụng, nôn ói và tiêu chảy.

Cả 2 trẻ có tham gia chương trình Trung thu tại chung cư Palm Heights vào tối 29/9, đã ăn nhiều loại thức ăn tại buổi tiệc. Cơ quan chức năng đã lấy mẫu phân để xét nghiệm truy tìm nguyên nhân ngộ độc. Kết quả xét nghiệm PCR cho thấy, cả hai bệnh nhi đều dương tính với vi khuẩn Salmonella spp. Sau khi được chăm sóc, hiện sức khỏe cả hai bệnh nhi đã diễn tiến khả quan.

Ông Nam cho biết, đến ngày 5/10 còn 17 bệnh nhi liên quan vụ ngộ độc đang điều trị tại các bệnh viện trong tình trạng sức khỏe đều ổn định. Dù đã có kết quả xét nghiệm của 2 trường hợp ngộ độc sau dự tiệc Trung thu, ngành y tế thành phố vẫn đang chờ kết quả phân lập vi khuẩn do Viện Vệ sinh Y tế Công cộng thực hiện trước khi có kết luận chính thức về nguyên nhân gây ngộ độc.

MỚI - NÓNG