Bất ngờ chất lượng không khí thời giãn cách xã hội

Ô nhiễm không khí trên phố Khâm Thiên (Hà Nội) vào ngày 15/4- đúng thời điểm giãn cách xã hội. Ảnh: Như Ý.
Ô nhiễm không khí trên phố Khâm Thiên (Hà Nội) vào ngày 15/4- đúng thời điểm giãn cách xã hội. Ảnh: Như Ý.
TPO - Kết quả nghiên cứu của Đại học Quốc gia Hà Nội cho thấy nhiều thông tin bất ngờ về chất lượng không khí thời kỳ giãn cách xã hội. Có khu vực, nồng độ chất gây ô nhiễm không giảm mà còn tăng, Hà Nội vẫn có những ngày ô nhiễm nghiêm trọng. Tuy nhiên, nhìn chung trên cả nước, chất lượng không khí được cải thiện.

Giảm nồng độ nhiều chất ô nhiễm nghiêm trọng

Để xác định sự thay đổi chất lượng không khí trên cả nước trong thời kỳ giãn cách xã hội, nhóm nghiên cứu của Đại học Quốc gia Hà Nội sử dụng công nghệ viễn thám quan sát sự thay đổi nồng độ NO2 (chất ô nhiễm phát thải chủ yếu từ giao thông và công nghiệp) trên toàn quốc.

Kết quả cho thấy, so với cùng kỳ năm ngoái, nồng độ NO2 thời kỳ giãn cách xã hội giảm ở mức độ khác nhau tại từng vùng, trong đó Đông Bắc Bộ giảm nhiều nhất (19%), Tây Bắc Bộ giảm 16%, đồng bằng Sông Hồng giảm 5%, Nam Trung Bộ giảm 12%, Đông Nam Bộ giảm 6%. Tuy nhiên, Tây Nguyên và ĐBSCL lại có xu thế tăng nhẹ 5%.

So với tháng 3 - thời điểm trước giãn cách xã hội, nồng độ NO2 hầu hết các khu vực trên cả nước cũng giảm, trong đó có những nơi giảm khá mạnh như Đông Bắc Bộ (28%), Tây Bắc Bộ (24%). Tuy nhiên, Nam Trung Bộ không có dấu hiệu giảm mà tăng nhẹ.

Cùng với NO2, nồng độ bụi mịn PM2,5 cũng có xu hướng giảm trong thời gian này. Theo số liệu của Tổng cục Môi trường, trong khoảng thời gian từ 20/3 đến 10/4, chất lượng không khí tại các khu vực đô thị tốt hơn so tháng 1 và tháng 2. Điều này thể hiện khá rõ tại TP HCM, nơi ít chịu ảnh hưởng bởi sự biến động của yếu tố thời tiết.

“Điều này cho thấy ảnh hưởng của các nguồn phát thải như giao thông và hoạt động sản xuất có tác động đáng kể đến chất lượng không khí đô thị", Tổng cục Môi trường nhận định.

Số liệu của Tổng cục Môi trường cũng cho thấy, một chất gây ô nhiễm khác là CO giảm đáng kể. Trong khoảng thời gian từ nửa cuối tháng 3 và đầu tháng 4, giá trị CO thấp hơn hẳn khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 3 và cùng thời kỳ những năm trước đó.

Nhiều vấn đề cần làm rõ

Dù chất lượng không khí ở hầu hết các vùng trên cả nước có dấu hiệu cải thiện song vẫn còn nhiều điểm bất thường như Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ lại có hàm lượng NO2 tăng lên, Hà Nội vẫn có nhiều ngày ô nhiễm không khí nghiêm trọng.

Tổng cục Môi trường cho biết, trong thời kỳ giãn cách xã hội, tại Hà Nội và TP HCM, đặc biệt là Hà Nội vẫn xuất hiện những ngày chất lượng không khí lên ngưỡng xấu. Chẳng hạn, từ ngày 13- 19/4, Hà Nội có 3 trong số 7 ngày ô nhiễm không khí, tập trung cao nhất trong hai ngày 15-16/4. Tại TP HCM, mặc dù không có ngày nào giá trị thông số bụi mịn PM2,5 vượt quy chuẩn nhưng cũng có những ngày giá trị PM2,5 tăng khá cao (ngày 13-15/4).

Nguyên nhân của tình trạng này, theo Tổng cục Môi trường, là do lưu lượng phương tiện tham gia giao thông tại khu vực nội đô gia tăng. Tại Hà Nội còn chịu ảnh hưởng bởi yếu tố thời tiết. Khoảng thời gian này là những ngày lặng gió, nhiệt độ giữa ngày và đêm chênh lệch khá lớn.

Lý giải vì sao Tây Nguyên, ĐBSCL và Nam Trung Bộ lại có hàm lượng NO2 tăng trong thời kỳ giãn cách xã hội, bà Nguyễn Thị Nhật Thanh, trưởng nhóm nghiên cứu “COVID-19 và chất lượng không khí ở Việt Nam” của Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, ngoài những nguyên nhân nội tại như giao thông, công nghiệp, các vùng trên cả nước còn chịu tác động của ô nhiễm từ vùng lân cận. Ví dụ, thời điểm NO2 tăng ở Tây Nguyên, ĐBSCL có thể liên quan đến việc đốt nương làm rẫy bên Lào.

TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng, thời kỳ giãn cách xã hội do COVID-19 là "cơ hội vàng" để các nhóm nghiên cứu xác định vai trò của các nguồn gây ô nhiễm không khí. Kết quả cho thấy, đây là vấn đề rất phức tạp, còn nhiều điều cần sáng tỏ. Trên cơ sở đó mới có thể tạo nền tảng khoa học cho các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí.

Nhiều thành phố bị phong tỏa có chất lượng không khí cải thiện đáng kể

Tại Trung Quốc trong thời kỳ phong tỏa, nồng độ NO2 giảm 40%, nồng độ bụi mịn PM2,5 giảm 20-30%. Mô hình tính toán cho thấy, việc cải thiện chất lượng không khí ở Trung Quốc giúp giảm 6% số trường hợp tử vong sớm do ô nhiễm không khí, tương đương 100.000 người.

Tại Sao Paulo của Brazil, nồng độ CO giảm tới 64,8%, nồng độ NO giảm 77,3%, nồng độ NO2 giảm 54,3%. Tuy nhiên, chất Ozon lại tăng 30%. Nhiều thành phố khác ở Ấn Độ, Châu Âu cũng ghi nhận sự cải thiện chất lượng không khí trong thời gian phong tỏa vì COVID-19.

MỚI - NÓNG