Vì sao Hà Nội vẫn ô nhiễm không khí dù đang giãn cách xã hội?

Vì sao Hà Nội vẫn ô nhiễm không khí dù đang giãn cách xã hội?
TPO - Trong khoảng thời gian từ 13-19/4, Hà Nội vẫn có gần nửa số ngày chìm trong ô nhiễm không khí dù đang trong thời gian giãn cách xã hội. Từ 19/4 đến nay, chất lượng không khí ở mức trung bình và kém. Nguyên nhân được lý giải là do lượng người tham gia giao thông tăng lên và thời tiết không thuận lợi.

Tổng cục Môi trường, Bộ Tài Nguyên và Môi trường cho biết, từ ngày 13- 19/4, là khoảng thời gian thực hiện giãn cách xã hội, chất lượng không khí tại đa số các đô thị đều ở mức tốt và trung bình. Tuy nhiên, tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh vẫn có những ngày giá trị thông số bụi mịn PM2,5 tăng cao.

Tại Hà Nội, có 3 trong số 7 ngày ô nhiễm không khí, trong đó ô nhiễm tập trung cao nhất trong hai ngày 15-16/4. Tại TP Hồ Chí Minh, mặc dù không có ngày nào giá trị thông số bụi mịn PM2,5 vượt quy chuẩn nhưng cũng có những ngày giá trị PM2,5 tăng khá cao (ngày 13-15/4).

Theo ghi nhận của Hệ thống theo dõi chất lượng không khí PAM Air và Đại sứ quán Mỹ, nhiều ngày qua, chất lượng không khí Hà Nội ở ngưỡng cam (ngưỡng kém-tác động đến sức khỏe của những người nhạy cảm như người hen suyễn, mắc bệnh hô hấp), nhiều giờ, ở một số điểm đo nội thành Hà Nội, chất lượng không khí lên ngưỡng đỏ (ngưỡng xấu-có hại cho sức khỏe tất cả mọi người). Từ ngày 19 đến nay, chất lượng không khí của Hà Nội duy trì ở mức trung bình và kém.

Nguyên nhân của tình trạng này, theo Tổng cục Môi trường, những ngày ô nhiễm là những ngày lưu lượng phương tiện tham gia giao thông tại khu vực nội đô gia tăng. Tại Hà Nội còn chịu ảnh  hưởng thêm bởi yếu tố thời tiết. Khoảng thời gian này là những ngày lặng gió, nhiệt độ giữa ngày và đêm chênh lệch khá lớn.

Vì sao Hà Nội vẫn ô nhiễm không khí dù đang giãn cách xã hội? ảnh 1Chất lượng không khí nhiều ngày qua tại Hà Nội ở ngưỡng kém, trung bình, cục bộ có thời điểm lên ngưỡng xấu, có hại cho sức khỏe tất cả mọi người. Ảnh: Như Ý.

Tổng cục Môi trường đánh giá, nhìn chung, trong thời gian từ ngày 13/4 đến 19/4, chất lượng không khí giữa các đô thị vẫn có sự khác biệt rõ rệt. Hà Nội vẫn là đô thị có mức độ ô nhiễm cao nhất. Tại một số đô thị khác như Việt Trì, Hạ Long, Huế, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh, về cơ bản chất lượng không khí vẫn duy trì ở mức tốt và trung bình.

Trước đó, trong khoảng thời gian từ 20/3 đến 10/4, chất lượng không khí tại các khu vực đô thị tốt hơn so tháng 1 và tháng 2/2020. Điều này thể hiện khá rõ tại TP Hồ Chí Minh - nơi ít chịu ảnh hưởng bởi sự biến động của yếu tố thời tiết.

Tại Thủ đô Hà Nội, chất lượng không khí trong khoảng thời gian nêu trên cũng có xu hướng tốt hơn thời gian trước, tuy nhiên, do chịu cả tác động bởi thời tiết nên trong một số ngày vẫn có những sự biến động. 

So sánh diễn biến chất lượng không khí từ ngày 1/1 đến 10/4 năm 2020 với cùng kỳ của những năm trước đó, chất lượng không khí cũng có xu hướng được cải thiện hơn. Trong khi đó, từ thời gian nửa cuối tháng 3 đến 10/4, giá trị thông số PM2.5 thấp hơn hẳn thời gian cùng kỳ những năm trước đó. "Điều này cho thấy ảnh hưởng của các nguồn phát thải như giao thông và hoạt động sản xuất có tác động đáng kể đến chất lượng không khí đô thị", Tổng cục Môi trường nhận định.

MỚI - NÓNG
Thông tin 'nóng' về hồ thủy điện Thác Bà
Thông tin 'nóng' về hồ thủy điện Thác Bà
TPO - Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, đến 9h sáng nay (11/9), lượng nước về hồ chứa thuỷ điện Thác Bà đã giảm xuống còn 3150 m3/s, tổng lưu lượng xả là 3200 m3/s (lượng xả nhiều hơn nước về hồ). Thủy điện đã mở 3/3 cửa xả theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sẵn sàng phương án ứng phó để đảm bảo an toàn đập.