Hà Nội: Không khí sạch hơn do cách ly xã hội?

Chất lượng không khí Hà Nội có nhiều giờ tốt từ ngày thực hiện cách ly đến nay. Ảnh: Nguyễn Bình
Chất lượng không khí Hà Nội có nhiều giờ tốt từ ngày thực hiện cách ly đến nay. Ảnh: Nguyễn Bình
TP - Nhóm nghiên cứu của Hệ thống theo dõi chất lượng không khí PAMAir đã lựa chọn hai ngày có điều kiện khí tượng tương đối giống nhau trong tháng 2 và tháng 4 để so sánh chất lượng không khí thời điểm trước và sau khi cách ly xã hội tại Hà Nội. Kết quả cho thấy chất lượng không khí được cải thiện hơn, dù còn ô nhiễm.

Vào ngày 20-21/2, Hà Nội rơi vào đỉnh điểm của ô nhiễm không khí với hàng loạt điểm đo lên ngưỡng tím ( chỉ số chất lượng không khí AQI từ 200 trở lên), cục bộ một số điểm đo lên ngưỡng nâu (ngưỡng nguy hại nhất trong ô nhiễm không khí với AQI từ 300). Ngày 3/4, thời điểm thực hiện cách ly xã hội được 3 ngày, trong điều kiện thời tiết tương tự, ô nhiễm không khí tại Hà Nội vẫn diễn ra nhưng ở mức độ nhẹ hơn nhiều, chủ yếu ở ngưỡng đỏ (AQI từ 150-200) và ngưỡng cam (AQI từ 100-150).

“Rất may mắn là ngày 3/4 có điều kiện thời tiết tương tự ngày 20-21/2, là cơ sở để so sánh, đối chiếu. Dù việc so sánh hai ngày là chưa đủ song kết quả trên cho thấy, chất lượng không khí Hà Nội được cải thiện hơn trong điều kiện cách ly xã hội khi các hoạt động giao thông, xây dựng, sản xuất, hoạt động đốt ngoài trời giảm đáng kể”, bà Hà Thanh Hương, quản lý dự án PAMAir chia sẻ.

Theo các hệ thống quan trắc tại Hà Nội, chất lượng không khí tại Việt Nam được cải thiện từ nửa cuối tháng 3 và tương đối tốt trong những ngày đầu tháng 4, kể từ khi thực hiện cách ly xã hội.

Cụ thể, theo thống kê của hệ thống PAMAir tại 3 điểm đo ở Hà Nội, từ 8-14/3 có 14% số ngày chất lượng không khí ở ngưỡng đỏ; từ 15-21/3 có 29% số ngày ở ngưỡng đỏ nhưng từ 22-28/3 không có ngày nào chất lượng không khí ngưỡng đỏ, chỉ có 43% số ngày chất lượng không khí ở ngưỡng cam (AQI từ 100-150) và từ 29/3- 4/4 không có ngày ào AQI đỏ, 14% số ngày ở ngưỡng cam.

Đại diện Tổng cục Môi trường cho biết, khoảng thời gian cuối tháng 3 (từ ngày 24 - 31/3), chất lượng không khí chủ yếu nằm ở mức trung bình (AQI từ 50-100) và tiếp tục có xu hướng được cải thiện hơn. Nhìn chung, trong 3 tháng năm 2020, mặc dù, tình trạng ô nhiễm không khí vẫn diễn ra khá phổ biến tại khu vực nội thành thủ đô Hà Nội, tuy nhiên, mức độ ô nhiễm có giảm hơn so với hai tháng trước đó, cũng thấp hơn so với các năm trước đó. Tại các đô thị khác, chất lượng không khí đều duy trì ở mức tốt và trung bình.

Nhiều lo ngại

Dù chất lượng không khí được cải thiện song trưa qua (8/4), hầu hết các điểm đo của PAMAir và Đại sứ quán Mỹ, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội ghi nhận ngưỡng kém (ngưỡng cam) và xấu (ngưỡng đỏ). Nguyên nhân có thể liên quan đến điều kiện thời tiết gió lặng.

TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch ở Việt Nam nêu vấn đề, giao thông là một nguồn gây ô nhiễm không khí cho Hà Nội. Tuy nhiên, đóng góp do ô nhiễm giao thông là bao nhiêu % thì phải kiểm kê khí thải. Việc này chưa được Hà Nội thực hiện.

Việc cách ly xã hội với lượng tham gia giao thông giảm đến 80% song vẫn có thời điểm ô nhiễm cho thấy, cùng với nguồn giao thông, nhiều nguồn gây ô nhiễm nghiêm trọng khác của Hà Nội là xây dựng, cơ sở sản xuất, làng nghề, đặc biệt là hoạt động đốt không kiểm soát. “Đợt đại dịch lần này cho thấy cần có nhiều chính sách giảm thiểu ô nhiễm không khí từ nguồn giao thông và các nguồn khác”, ông Tùng nói.

Đại diện Tổng cục Môi trường cho biết, đang tiếp tục theo dõi diễn biến chất lượng không khí Hà Nội, đặc biệt khoảng thời gian bắt đầu từ ngày 28/3 (sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 15/CT-TTg yêu cầu tạm dừng hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ, hạn chế các phương tiện vận chuyển hành khách liên tỉnh từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, giảm tần suất hoạt động các phương tiện giao thông công cộng) và từ ngày 1/4 (thực hiện Chỉ thị 16, toàn quốc cách ly xã hội). Từ đó sẽ có những đánh giá cụ thể hơn về ảnh hưởng của các hoạt động sản xuất, giao thông tới chất lượng không khí của khu vực đô thị tại Việt Nam.

“Có thể thấy, những biến động của yếu tố thời tiết trong giai đoạn giao mùa, cùng với việc giảm lượng phương tiện tham gia giao thông và một số hoạt động sản xuất, dịch vụ do ảnh hưởng của đại dịch COVID - 19 cũng có những tác động đáng kể đến chất lượng không khí”,  Đại diện Tổng cục Môi trường       

MỚI - NÓNG