'Bắt mạch' một số văn nghệ sĩ

'Bắt mạch' một số văn nghệ sĩ
TP - Văn nghệ sĩ là lớp người của công chúng, nên mọi phẩm chất và thói hư tật xấu đều trở thành tâm điểm chú ý của dư luận. Xin mạn phép “bắt mạch” cho một số văn nghệ sĩ như sau:

Nhiều văn nghệ sĩ mắc bệnh này rất nặng. Mọi cái mình viết ra, mọi vai mình diễn đều “number one”, đều xứng đáng tham dự các cuộc thi quốc tế. Có người đi đâu cũng khoe, cũng tiếp thị về sản phẩm của mình. Nếu ai muốn “mua thù chuốc oán” với các vị ấy thì cứ việc phê phán! Còn sản phẩm, vai diễn của người khác thì cũng bình thường, “dưới tầm”…

Rất ít chuyện tâm phục khẩu phục trong giới. Nếu có  lời khen ngợi thì thường được thể hiện ở dạng: “cũng khá, cũng được, hãy chờ xem sao…”.

Một số văn nghệ “sỉ” đã cạn kiệt sức sáng tạo chỉ còn biết “ăn mày dĩ vãng” với tiêu chí “quá khứ đáng yêu, quá khứ đáng tôn thờ”. Khi đồng nghiệp có tác phẩm, vai diễn, album… xuất sắc, được báo chí khen ngợi thì lại viết bài, lên tiếng công kích, “đánh” cho bõ ghét.

Lập dị, háo danh

Với quan niệm đã là văn nghệ sĩ thì phải khác người, nhiều vị tự tạo cho mình hình ảnh xa lạ, thậm chí quái gở trong con mắt công chúng, từ lời ăn tiếng nói, lối sống, tác phẩm, cách biểu diễn…

Nhiều người thích tạo ra những vụ xì căng đan để đánh bóng tên tuổi, coi như độc chiêu để câu khách. Chuyện quan hệ tình ái tay ba, tay tư… được xem là đáng tự hào. Nhiều người bước ra từ “làng nghệ thuật” với đủ thói hư tật xấu và một gia tài nghệ thuật trống  rỗng.

Làm hàng “nhái”

Tố chất hàng đầu của nghệ sĩ là sự sáng tạo, là phong cách độc đáo. Tuy nhiên, công việc sáng tạo hết sức gian nan, phải đổ mồ hôi sôi nước mắt nên không phải ai cũng làm nổi. Vì vậy, một số muốn “ăn non” đã tìm cách “làm hàng nhái”, nói theo chữ nghĩa là “đạo” (ăn cắp).

Thôi thì đủ kiểu “đạo”: Đạo văn, đạo thơ, đạo nhạc, đạo họa… Nhiều khi nghệ sĩ chân chính thì lao đao còn “đạo sĩ” lại ung dung sống khỏe, nhiều “đạo phẩm” đạt giải trong  những cuộc thi long trọng với thành phần giám khảo rất hoành tráng.

Lạ lùng là có vị “tai to mặt lớn”, tên tuổi nổi như cồn vẫn ghi danh vào hàng ngũ “đạo sĩ” khiến dư luận nhiều phen nổi sóng. Ở cấp độ nhỏ hơn là kiểu “nhái” phong cách, “nhái” giọng, “nhái” trang phục, “nhái” tên…

Tất cả khiến cho đời sống nghệ thuật trở nên hỗn loạn và công chúng tha hồ chịu trận, phải “thưởng thức” những sản phẩm nghệ thuật tạp pí lù.

Thiếu “phông văn hóa”

Thật phi lý khi một  bộ  phận của đội ngũ hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật lại thiếu “phông văn hóa” dĩ nhiên là chúng tôi không dám vơ đũa cả nắm. Công chúng nhiều phen “tá hỏa tam tinh” khi nghe được những “lời vàng ý ngọc” của các nghệ sĩ ngôi sao qua các cuộc trả lời phỏng vấn hoặc qua các cuộc giao lưu với khán giả.

Một số người mẫu, ca sĩ tham gia đóng phim tưởng là dễ ăn nhưng ai ngờ lại được công chúng bầu chọn danh hiệu “những bình hoa biết đi”, nghĩa là hữu sắc vô hương, diễn xuất kém, không có hồn.

Sự sa sút của văn hóa đọc và tâm lý muốn “ăn non” của một bộ phận nghệ sĩ đang là dấu hiệu đáng báo động của đời sống nghệ thuật. Sự thiếu hụt về “phông văn hóa” đã gây ra biết bao câu chuyện dở khóc dở cười mà hậu quả tai hại nhất là người nghệ sĩ không có cơ sở để sáng tạo, thiếu một cội  rễ vững chắc để vươn lên những đỉnh cao của nghệ thuật. 

Quang Hiển
Đức Thọ, Hà Tĩnh

MỚI - NÓNG