Cầu xuống cấp, các dự án đắp chiếu
Tại tọa đàm, nhiều chuyên gia khẳng định, cầu xuống cấp rất thê thảm, hàng trăm thanh tà vẹt mục ruỗng, các dầm thép hoen gỉ, màu sơn của cầu bạc thếch theo thời gian. Phía dưới 131 vòm cầu gạch hiện là quán xá nhếch nhác lấn chiếm dọc theo phố Phùng Hưng, Gầm Cầu, làm xấu hình ảnh đô thị và ảnh hưởng cảnh quan chung. Các quầy hàng họp chợ la liệt dọc cầu cạn khiến người đi bộ và người đi xe đạp đi vào phần đường dành cho ô tô, xe máy dẫn đến ách tắc giao thông. Hai đầu cầu, chợ cóc, chợ tạm đeo bám từ sáng sớm tới đêm khuya.
Theo KTS Nguyễn Nga, Chủ tịch HĐQT Cty Tư vấn Đầu tư và Phát triển cầu Long Biên, mặc dù cầu được xác định là công trình, biểu tượng văn hóa, lịch sử quan trọng hàng đầu của Hà Nội, nhưng sự quan tâm cụ thể dành cho việc tu bổ và phát huy các giá trị của cây cầu còn hết sức hạn chế. Đã có nhiều đề tài nghiên cứu của các chuyên gia Việt Nam, Pháp thực hiện khá công phu nhưng đều xếp vào ngăn kéo, chưa biết đến bao giờ mới được sử dụng.
KTS Nguyễn Lân, nguyên KTS Trưởng thành phố Hà Nội, nói rằng mấy chục năm trước ông đã dự nhiều hội thảo, hội nghị về bảo tồn cầu Long Biên, nhưng rồi kết quả chẳng đi đến đâu, do cơ quan có thẩm quyền, trong đó có thành phố Hà Nội, các bộ, ngành chưa quyết liệt vào cuộc. Một số chuyên gia khác lo ngại, nếu việc bảo tồn chậm, cây cầu có nguy cơ đổ sập bất kỳ lúc nào và khi đó, hậu quả sẽ không lường hết.
“Gần đây, các chuyên gia đã lên tiếng rất nhiều về bảo tồn cây cầu. Tuy nhiên, việc hoàn tất các thủ tục công nhận di tích lịch sử, văn hóa cho cây cầu Long Biên làm căn cứ bảo tồn diễn ra khá chậm”, KTS Nguyễn Lân nói.
Cầu Long Biên - điểm đến hấp dẫn du khách
Mong mỏi cầu Long Biên được bảo tồn và ngày càng được nhiều du khách biết đến là ý kiến của nhiều chuyên gia về quy hoạch và phát triển đô thị. KTS Nguyễn Nga cho rằng, cần sớm tính đến các phương án bảo tồn và việc tranh thủ nguồn tài trợ, các kết quả nghiên cứu từ Pháp. Bà Nga nêu ra phương án bảo tồn cầu Long Biên theo hướng giảm chức năng giao thông và hình thành bảo tàng và các hoạt động văn hóa, du lịch trên cầu gắn với khai thác không gian bãi giữa sông Hồng theo hướng xã hội hóa.
KTS Đỗ Viết Chiến, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị - Bộ Xây dựng, cho rằng, Hà Nội đang rất cần thêm những không gian xanh, không gian văn hóa. Trong trường hợp đã có cầu đường sắt mới gánh bớt chức năng giao thông, việc khai thác cầu Long Biên phục vụ du lịch là rất khả thi.
KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam đề xuất, khi cải tạo cầu Long Biên, cần tính đến phương án lưu thông của giao thông đường thủy. “Nhiều quốc gia đã có những cây cầu đi bộ. Tại sao không tính đến phương án tổ chức đi bộ trên cầu Long Biên kết hợp với một số loại phương tiện nhẹ khác”, ông Chính đặt vấn đề.
KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội, cho rằng, việc bảo tồn cầu Long Biên cần đặt trong việc thực hiện quy hoạch chung và trị thủy sông Hồng. Bảo tồn cầu Long Biên nhưng không nên “chất tải” quá nhiều yêu cầu lên cây cầu này. Bảo tồn cầu phải đảm bảo tính nguyên trạng như hiện nay, không nên phục dựng trở lại cây cầu như ban đầu của Pháp xây dựng...