Phát biểu đề dẫn hội thảo về phương án vị trí cầu đường sắt vượt sông Hồng thuộc dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1 (Ngọc Hồi - Yên Viên) sáng 28/10, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo khẳng định: “Hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội là một yêu cầu rất cao”.
Do đó, lãnh đạo Hà Nội mong muốn các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đóng góp ý kiến, đặc biệt là phương án bảo tồn cầu Long Biên.
Khẳng định vai trò quan trọng của cầu Long Biên, KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Xây dựng đề xuất: “TP.HCM đã có cầu đi bộ vượt sông rất đẹp. Tại sao chúng ta không biến cầu Long Biên thành thành cầu đi bộ đẹp nhất của Việt Nam và trên thế giới”.
Còn TS Nguyễn Ngọc Long, Phó chủ tịch Hội kỹ thuật cầu đường Việt Nam cho biết, là công dân thủ đô, ông thấy một đặc trưng của Hà Nội là có sông Hồng chảy qua, vì vậy phải hình dung được giá trị lịch sử truyền thống của của các cây cầu bắc qua con sông này.
Ông Long cũng khẳng định, vấn đề bảo tồn cầu Long Biên là việc không phải bàn cãi vì đã được thống nhất từ trên xuống dưới. Tuy nhiên, khi xây cầu phải tính tới tầm nhìn 20 - 30 năm, bởi hiện nay cầu Nhật Tân, cầu Vĩnh Tuy đều gặp vấn đề khi kết nối với các trục song song.
Trong khi đó, GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam cho rằng, khi xây cầu đi qua thủ đô Hà Nội - một thành phố văn hóa, bộ mặt của cả nước thì “cần phải chú ý tới tính thẩm mỹ, kiểu dáng", bởi cầu Vĩnh Tuy, Thanh Trì hiện nay chỉ có công dụng về giao thông.
“Để nói về việc bảo tồn cầu Long Biên phải cần một buổi làm việc khác, trong đó việc bảo tồn trước tiên phải tuân thủ Luật Di sản”, GS Phan Huy Lê nói.
Bỏ phiếu cho phương án 75 m
Trước đó, ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông Vận tải (TEDI) đã trình bày 3 phương án xây dựng cầu đường sắt số 1 ở vị trí cách cầu Long Biên 30 m về phía thượng lưu (phương án 1), 186 m (phương án 2) và 75 m (phương án 3).
Cầu Long Biên vẫn đứng vững ở vị trí giao thông xung yếu nhất bao năm qua. Ảnh: Đạt Nguyễn.
Ông Sơn cho rằng, phương án 30 m ảnh hưởng lớn tới Cầu Long Biên, kể cả phương án 75 m hay 186 m, nhưng phương án cuối là ít tác động nhất.
"Dù vậy, phương án 186 m phải giải phóng 484 nhà với 1.110 hộ dân và gần 44.000 m2. Số tiền giải phóng mặt bằng lên tới 716 tỷ đồng, còn phương án 75 m chỉ mất 217 tỷ đồng", ông Sơn nói.
Sau khi tổng hợp so sánh các phướng án vị trí, phía TEDI cho rằng phương án 75 m có ưu thế về bảo tồn, giải phóng mặt bằng và kinh tế. Còn phương án 186 m có ưu thế về bảo tồn, kiến trúc.
“Về quan điểm tư vấn, phía TEDI cho rằng phương án 75 m là phương án khả thi nhất về các tiêu chí. Còn phương án 186 m đúng là tốt hơn nhưng khả năng giải phóng mặt bằng khó khăn, nhất là đối với cộng đồng dân cư đã ổn định hàng trăm năm”, ông Sơn cho biết thêm.
Đồng tình với ý kiến này, GS Phan Huy Lê khẳng định: “Phương án 30 m phải loại trừ vì gần cầu Long Biên quá, tạo nên tương phản không thể chấp nhận được, hơn nữa lại đi sâu vào khu phố cổ”.
Đối với phương án 186 và 75m, GS Lê nhận định, đều có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, khi đối sánh với việc xâm phạm vào khu phố cổ thì “phương án 75m tốt hơn cả”.
Nhà sử học Dương Trung Quốc cũng cho biết, việc bảo tồn cầu Long Biên là một chủ trương còn bảo tồn như thế nào cần sự phân giải. “Tôi tán thành phương án 3, xây dựng cầu mới cách cầu Long Biên 75 m về phía thượng lưu", ông Quốc nói.
Ông Lưu Minh Trị, Chủ tịch Hội bảo tồn di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội cũng thống nhất với phương án 75 m.
“Đây là phương án chấp nhận được. Chứ nếu cứ để bàn mãi cũng không nên. Chúng ta cần bảo tồn tôn tạo và biến cây cầu thành một di sản gắn liền với phố cổ, thành một bảo tàng sống”, ông Trị nói.
Theo Công Khanh