Cầu đường sắt sẽ cách cầu Long Biên 75m?

TP - Có 9/15 ý kiến tại Hội nghị góp ý chọn vị trí xây cầu đường sắt vượt sông Hồng do thành phố Hà Nội và Bộ GTVT tổ chức ủng hộ phương án vị trí cầu mới cách cầu Long Biên 75m về phía thượng lưu. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, dù cách xa cầu Long Biên bao nhiêu, cũng cần đặc biệt lưu ý phương án kiến trúc của cầu mới sao cho hài hòa…
Cầu đường sắt sẽ cách cầu Long Biên 75m? ảnh 1

Phối cảnh các phương án xây cầu đường sắt vượt sông Hồng

Làm rõ phương án khả thi

Báo cáo của đơn vị tư vấn là Tổng Cty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) cho thấy, có 3 phương án được đưa ra để nghiên cứu, lựa chọn: tim cầu cách tim cầu Long Biên 30m, 186m, 75m về phía thượng lưu; Với phương án 1, (cách 30m) cầu nằm sát ngay cầu Long Biên nên kiến trúc cũng như kết cấu cầu cần được nghiên cứu kỹ để đảm bảo phù hợp.

Mặc dù tuyến cơ bản đi trùng với tuyến đường sắt quốc gia hiện hữu nhưng đối với khu vực ga Long Biên cũng như đoạn chuyển tiếp tách và nhập giữa tuyến và cầu ở hai bên đều là khu vực có đông dân cư, nên khối lượng GPMB là rất lớn, đặc biệt số lượng nhà dân thuộc khu phố cổ phải GPMB là lớn nhất.

Về mặt xây lắp, phương án có chi phí thấp hơn do chiều dài tuyến ngắn nhất, nhưng về GPMB phương án này có số nhà phải GPMB là cao hơn phương án 2 nhưng thấp hơn phương án 3.

Phương án 2 (cách 186m). Đây là phương án tác động đến cầu Long Biên ít nhất. Tuy nhiên đây lại là phương án khó khăn nhất về GPMB vì lượng nhà ở khu vực phố cũ, phố mới rất lớn, đặc biệt từ khu vực đường Quán Thánh tới đường Nguyễn Trung Trực và khu ngoài đê thuộc bãi Phúc Xá. Về kinh tế thì đây là phương án có chi phí xây lắp cao nhất và chi phí GPMB cũng cao nhất.

Với phương án 3: Phương án này có vị trí cách cầu Long Biên 75m được đánh giá là đủ xa để giảm bớt ảnh hưởng từ cầu long Biên. Tuyến có những đoạn đi mới trên đường Phùng Hưng và đường Hàng Đậu. Tuy nhiên, không gian các đường này hoàn toàn đủ để bố trí tuyến đường sắt đô thị mà không phải GPMB nhà dân.

Do vậy, khối lượng GPMB theo phương án này là thấp nhất so với 2 phương án nêu trên. Cụ thể, theo phương án 3, khu vực quận Hoàn Kiếm phải GPMB 1.990m2; theo phương án 2, phải GPMB trong khu vực Hoàn Kiếm là 2.885m2 đất. Khu vực Ba Đình theo phương án 2 phải GPMB 9.034m2; theo phương án 3 là 1.595m2…

GS Lê Văn Lân (Hội Kiến trúc sư Hà Nội) cho rằng, dù vị trí cầu mới cách cầu Long Biên 186m hay 75m về phía thượng lưu thì phương án kiến trúc của cầu mới vẫn phải gắn chặt trong mối quan hệ với cầu Long Biên, với không gian, cảnh quan của khu vực. Nói cách 186m là xa và không chịu tác động của cầu Long Biên là không đúng.

Nhà sử học Lê Văn Lan cho rằng, nên chọn phương án 3 (cách cầu cũ 75m) vì đây là phương án ít tác động đến phố cổ và cầu Long Biên. Trong khi đó, tính khả thi cao vì chi phí GPMB thấp hơn phương án cách cầu Long Biên 186m.

KTS Ngô Doãn Đức, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, lưu ý, nếu chọn phương án 3 thì cần lựa chọn phương án kiến trúc của cầu mới thật sự phù hợp với cầu Long Biên hiện tại. “Cầu cũ và cầu mới phải gắn bó với nhau về nhiều mặt”, KTS Đức nói.

GS Phan Huy Lê khẳng định: “Phương án 30m phải loại trừ vì gần cầu Long Biên quá, tạo nên tương phản không thể chấp nhận được, hơn nữa lại đi sâu vào khu phố cổ”. Đối với phương án 186m và 75m, GS Lê nhận định, đều có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, khi đối sánh với việc xâm phạm vào khu phố cổ thì “phương án 75m tốt hơn cả”.

Tổng cộng đã có 9/15 ý kiến ủng hộ chọn phương án vị trí cầu mới cách cầu Long Biên 75m. Theo ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, đây là dự án đường sắt đô thị, nhưng gắn liền với hệ thống đường sắt quốc gia. Nếu chọn phương án cách cầu Long Biên 186m thì sẽ tác động rất mạnh đến cuộc sống của người dân, khi mà số hộ dân phải di dời là cao nhất trong 3 phương án.

Đề xuất chuyển cầu Long Biên thành cầu đi bộ

Khẳng định giá trị của cầu Long Biên, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo nói rằng, cầu Long Biên không chỉ có giá trị về văn hóa, kiến trúc mà cả lịch sử khi gắn liền với hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc ta.

“Vậy chúng ta cần bảo tồn hay bảo tàng? Giữ nguyên hiện trạng hay phục chế như cũ? Nếu phục chế như cũ thì kinh phí ở đâu? Phục chế xong rồi có kết nối giao thông đô thị không?”, ông Thảo đặt ra hàng loạt vấn đề trước các nhà khoa học.

TS Nguyễn Ngọc Long, Phó Chủ tịch Hội Kỹ thuật cầu đường Việt Nam, cho rằng, vấn đề bảo tồn cầu Long Biên là việc không phải bàn cãi vì đã được thống nhất từ trên đến dưới, nhưng bảo tồn cũng phải đi liền với phát triển. Theo GS Phan Huy Lê, về vấn đề bảo tồn cầu Long Biên, đã có Luật Di sản nên không cần phải bàn cãi nhiều.

Theo GS Lê, khi xây cầu đi qua giữa Hà Nội, một thành phố văn hóa, bộ mặt của đất nước, cũng cần phải chú ý tới tính thẩm mỹ, kiểu dáng. “Ví dụ như cầu Vĩnh Tuy, Thanh Trì hiện nay chỉ có công dụng về giao thông”, GS Lê nói.

KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, đề xuất: “Nhiều chuyên gia quốc tế khẳng định, cầu Long Biên là một trong những cây cầu đẹp nhất thế giới, có lịch sử lâu đời, có giá trị văn hóa, kiến trúc độc đáo. Tại sao chúng ta không cắt giảm chức năng giao thông và biến cầu Long Biên thành cầu đi bộ đẹp nhất của Việt Nam và trên thế giới”?

MỚI - NÓNG