Báo Tiền Phong và cuộc thi hoa hậu đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất

0:00 / 0:00
0:00
TP - Năm 1987, tại Đại hội Đoàn Toàn quốc lần thứ 5, tôi được bầu vào Ban chấp hành, rồi Ban Thường vụ, được phân công phụ trách khối báo chí xuất bản của Đoàn. Từ Phó Tổng biên tập tôi được đề bạt làm Tổng biên tập báo Tiền Phong.

Vì sao báo Tiền Phong tổ chức thi hoa hậu?

Hai Phó Tổng Biên tập lúc đó mới được đề bạt là đồng chí Lương Ngọc Bộ và Nguyễn Văn Minh (đã mất) đều trẻ, cả ban biên tập chúng tôi chưa ai đến tuổi 40.

Đó cũng là thời điểm sau đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 6 (1986) một không khí đổi mới đang lan rộng khắp cả nước.

Chúng tôi họp bàn cách đổi mới tờ báo từ nội dung đến hình thức sao cho thu hút được nhiều bạn đọc, nhất là giới trẻ. Từ mở diễn đàn trên báo như “Sống hiện đại, yêu hiện đại”, “Nếu tôi là lãnh đạo”... đến việc đa dạng các ấn phẩm, tổ chức nhiều hoạt động sau mặt báo ...

Nhân kỷ niệm 35 năm báo Tiền Phong thành lập, chúng tôi đã quyết định tổ chức HỘI BÁO TIỀN PHONG 4 ngày. Ba ngày tổ chức ở Nhà Văn hóa Thiếu Nhi gồm trưng bày các ấn phẩm của báo; giao lưu với bạn đọc; ca nhạc và các trò chơi có thưởng... Ngày cuối cùng tổ chức cuộc thi “Hoa hậu hội báo Tiền Phong” ở nhà văn hóa Thanh Niên.

Thực ra, ý tưởng về cuộc thi sắc đẹp đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất là điều mà tôi đã ấp ủ từ lâu.

Năm 1975, sau khi nước nhà thống nhất, từ một sỹ quan điều khiển tên lửa trong chiến tranh chống Mỹ, tôi được ra quân, chuyển về làm cán bộ giảng dạy đại học ở trường đại học Tổng hợp Hà Nội nơi tôi đã từng học. Tôi ở đó chưa đến hai tháng thấy không hợp với mình vì tôi mê văn chương, muốn đi làm báo để có thực tế viết văn, làm thơ nên xin chuyển về làm phóng viên báo Tiền Phong.

Tháng 9/1975 tôi chính thức thành phóng viên báo. Nhiều chuyến đi công tác để viết bài trong đó có chuyến lên Sa Pa, ở đó tôi đã gặp một cô gái người dân tộc thiểu số được giới thiệu là một đoàn viên xuất sắc và tôi về nhà cô ấy trò chuyện trong một buổi tối bên bếp lửa ấm với cô em gái khoảng 18 tuổi. Khi tôi tạm biệt để về nhà khách huyện đoàn nghỉ, thì cô em rất xinh xé một tờ giấy trong cuốn vở học trò viết mấy dòng bảo tôi về Hà Nội mới được mở ra đọc.

Về tòa soạn (dạo đó tôi chưa có nhà ở, phải ngủ tại cơ quan, trên bàn làm việc) tôi bật điện mở ra đọc thì ra là hai câu ca dao: “Em như cây quế giữa rừng/Thơm tho ai biết, ngát lừng ai hay”. Hai câu ca dao cứ ám ảnh tôi. Tôi tự bảo mình làm sao để những cô gái xinh đẹp, thông minh như vậy được nhiều người, ở nhiều miền trên đất nước biết đến...

Báo Tiền Phong và cuộc thi hoa hậu đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất ảnh 1

Hoa hậu Bùi Bích Phương

Rồi có lần tôi lên Đà Lạt công tác, vào tham quan dinh Vua Bảo Đại, thấy một bức ảnh treo trên tường ghi “Nam Phương hoàng hậu”.

Quả thực hoàng hậu Nam Phương rất đẹp. Tôi tìm hiểu, được biết Nam Phương hoàng hậu tên thật là Nguyễn Hữu Thị Lan, hoa khôi Nam Kỳ Lục tỉnh, con ông Nguyễn Hữu Hào một điền chủ nổi tiếng... Đó lần đầu tiên trong đầu tôi xuất hiện từ Hoa Khôi với cuộc thi người đẹp ở mấy tỉnh Nam bộ.

Về Hà Nội, biết tôi có ý định tổ chức một cuộc thi người đẹp, anh bạn tôi, một nhà sử học tặng tôi cuốn sách viết về lễ hội Đền Hùng trong đó có kể lại chuyện cách đây trên 200 năm, trong ngày hội dân làng tổ chức một cuộc thi chọn một cô gái trẻ, đẹp đưa lên kiệu rước...

Đầu năm 1988 có cuộc thi hoa hậu thế giới tổ chức ở Mỹ và lần đầu tiên một cô gái châu Á đăng quang. Cô gái người Thái Lan tên là Phon Thít. Một sự kiện chấn động thời bấy giờ. Tôi đọc một tờ báo nước ngoài (thời đó báo chí truyền thông ở ta chưa được phép tuyên truyền về các cuộc thi hoa hậu). Tờ báo đăng ảnh Thủ tướng Thái Lan lúc đó ra tận chân cầu thang máy bay đón hoa hậu thế giới trở về quê.

Ông phát biểu với báo giới rằng: “Tôi đã đón nhiều bậc vua chúa, tổng thống, nhiều nguyên thủ quốc gia nhưng chưa lần nào tôi run như lần này...”.

May sao một người bạn tôi làm ở báo Phụ Nữ Việt Nam có vợ công tác ở Fafilm Việt Nam. Tôi tìm đến và mượn được bộ phim về hoa hậu thế giới năm 1988 do một hãng phim nổi tiếng nước ngoài sản xuất. Tôi hỏi mượn và người phụ trách dặn đi dặn lại rằng phim này chỉ được chiếu “nội bộ” tham khảo, không được chiếu công khai rộng rãi ra ngoài...

Tôi về chiếu “nội bộ” cho một số cán bộ, phóng viên xem, mọi người đều rất thích và giục tôi sớm tổ chức cuộc thi người đẹp như tôi đã từng có ý tưởng nhiều năm nay.

Ban Biên tập mở một cuộc họp toàn cơ quan để lấy ý kiến. Tôi nói rõ ý định của mình về cuộc thi lấy tên là “Hoa hậu hội báo Tiền Phong” nhằm tôn vinh vẻ đẹp của các thiếu nữ Việt Nam, tạo ra một ngày hội văn hóa mới nhằm định hướng cái đẹp cho tuổi trẻ, qua đó thu hút tuổi trẻ đến với tờ báo Tiền Phong, đến với tổ chức Đoàn, tổ chức Hội...

Tham khảo ý kiến một số đồng chí trong ban thường vụ T.Ư Đoàn lúc đó, có ý kiến phản đối, nhiều ý kiến đồng tình, có đồng chí còn bảo tôi: “Báo Tiền Phong là tờ báo của tuổi trẻ, tổ chức thi người đẹp là hiển nhiên rồi”. Tôi rất mừng vì anh Hà Quang Dự, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn thời điểm đó cũng đồng tình.

Sự kiện văn hóa chấn động dư luận

Cuộc thi diễn ra một ngày tại nhà Văn hóa Thanh Niên (phố Tăng Bạt Hổ). Buổi sáng chúng tôi tập trung thí sinh chiếu bộ phim về Hoa Hậu Thế giới cho mọi người xem. Rồi luyện tập trên sân khấu. Gần 100 thí sinh đăng ký dự thi, Ban Tổ chức quyết định chọn trên 40 thí sinh vào chung kết, tham gia trình diễn trên sân khấu, có thí sinh ở TPHCM; Đồng Nai; Đà Nẵng... Nhưng đa phần là ở phía Bắc, thí sinh Hà Nội nhiều nhất. Thời đó đi thi hoa hậu là việc quá mới mẻ, chưa từng có nên chúng tôi đã thông qua các tổ chức cơ sở Đoàn ở nhiều tỉnh thành trong cả nước để vận động các thí sinh đăng ký dự thi. Bản thân tôi cũng như một số đồng chí ở báo Tiền Phong trong đó có Nghệ sĩ (NS) nhiếp ảnh Mai Nam (đã mất) đến trường múa, trường nghệ thuật sân khấu và nhiều trường đại học vận động sinh viên đi thi. Chính NS nhiếp ảnh Mai Nam đã tìm được nhiều thí sinh đẹp và vận động họ đi thi trong đó có Bùi Bích Phương sau đó đã đăng quang Hoa hậu.

Tôi mời họa sĩ Phan Kế An tham gia ban giám khảo. Hai người dẫn chương trình là Nguyễn Quang Vinh và Thu Hương người của nhà Văn hóa Thanh Niên. Đồng chí Nguyễn Khánh lúc đó là Phó Thủ tướng Chính phủ cùng anh Vũ Quang Chánh Văn phòng T.Ư Đảng (nguyên Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn) đến dự. Chúng tôi không bán vé, chỉ phát giấy mời, hội trường nhà Văn hóa Thanh Niên hơn một ngàn chỗ chật cứng.

Hơn ngàn con người vây kín phía ngoài nhà văn hóa làm các đồng chí công an rất vất vả. Anh Văn người phụ trách lực lượng công an bị xô đẩy, bị thương ở tay phải băng bó...

Kịch bản của cuộc thi chúng tôi lấy gần như y nguyên cuộc thi hoa hậu thế giới năm đó là thi áo tắm, ứng xử, quần áo dạ hội, chúng tôi thay phần thi quần áo dạ hội bằng phần thi áo dài dân tộc. Sau nhiều năm áo dài gần như bị lãng quên chúng tôi mong muốn khôi phục lại qua cuộc thi này.

Phải nói rằng, phần thi khó nhất là áo tắm. Lần đầu tiên ở nước ta có chuyện những cô gái trẻ đẹp mặc áo tắm lên sân khấu trình diễn trước cả ngàn con người nên MC gọi tên mãi mà không ai chịu ra sân khấu. Nhiều chị em ở báo phải vào động viên . Tôi nhờ ca sỹ Ái Vân mặc áo tắm dẫn một thí sinh ra trước để các thí sinh theo ra...

Báo Tiền Phong và cuộc thi hoa hậu đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất ảnh 2

Những người đẹp tham dự cuộc thi Hoa hậu Hội báo Tiền Phong

Ban Giám khảo chọn được 10 người đẹp nhất cuộc thi, chọn hoa hậu và hai á hậu. Bùi Bích Phương năm đó 17 tuổi đang là sinh viên năm đầu khoa tiếng Anh Đại học Ngoại ngữ đoạt vương miện Hoa hậu. Trong những người đoạt giải cao có Yến Chi sau này là diễn viên điện ảnh đóng vai Thị Mịch trong phim SỐ ĐỎ.

Cuộc thi thành công ngoài sự mong đợi và sức tưởng tượng của chúng tôi. Thời đó báo Tiền Phong còn nhiều khó khăn nên giải thưởng đều do một số tờ báo và hãng thông tấn nước ngoài trao. Giải thưởng cho hoa hậu Bùi Bích Phương là chiếc xe đạp Mi-fa do hãng thông tấn Đức trao.

Hàng trăm người vây kín hoa hậu Bùi Bích Phương ở sân nhà Văn hóa Thanh Niên. Chúng tôi phải nhờ xe cảnh sát chở hoa hậu và một xe của công an vũ trang mở đường mới đưa hoa hậu về phố Bà Triệu nơi Bích Phương đang sinh sống. Bùi Bích Phương kể rằng gần như suốt đêm hôm ấy cả trăm con người vây quanh nhà Phương hô: Bùi Bích Phương...Hoa hậu Bùi Bích Phương...!

Chiếc xe đạp Mi-fa giải thưởng của hoa hậu, Phương kể: được lau sạch, đưa lên dựng ở một góc nhà (nhà Phương ở tầng 2), mọi người trong gia đình và bạn bè đến chơi ai cũng sờ chiếc xe “một cái” và lấy làm thích thú lắm!

Rồi người nhà bảo Bùi Bích Phương tập đi. Có hôm Phương đạp xe đi học tận Mễ Trì, tan học về muộn Phương để chiếc xe dưới cầu thang căn nhà, khóa cẩn thận, thế nhưng, sáng ra chiếc xe đạp giải thưởng danh giá của hoa hậu không cánh mà bay... Cho đến nay vẫn chưa tìm lại được.

Cuộc thi thành công ngoài sự mong đợi và sức tưởng tượng của chúng tôi. Thời đó báo Tiền Phong còn nhiều khó khăn nên giải thưởng đều do một số tờ báo và hãng thông tấn nước ngoài trao. Giải thưởng cho hoa hậu Bùi Bích Phương là chiếc xe đạp Mi-fa do hãng thông tấn Đức trao.

Chỉ có một tờ báo trong nước là báo Độc Lập do nhà thơ Ngô Quân Miện Tổng Biên tập lúc đó có in bài thơ của nữ sỹ Phan Thị Thanh Nhàn ca ngợi cuộc thi, các báo khác không viết bài, đăng tin! Nhưng, nhiều tờ báo, hãng thông tấn nước ngoài đưa tin, viết bài đề cao cuộc thi cho rằng đây là “tín hiệu đổi mới” của Việt Nam!

Cuộc thi chấn động dư luận trong nước và nhiều nước trên thế giới. Một hãng phim Tây Ban Nha đã xin phép tôi vào quay và sau đó bộ phim về cuộc thi hoa hậu đầu tiên ở nước Việt Nam thống nhất do báo Tiền Phong tổ chức đã chiếu rộng rãi ở nhiều nước. Không lâu sau cuộc thi tôi có dịp sang Liên Xô công tác, thấy nhiều người Việt ở Matxcơva rủ nhau đi xem phim về hoa hậu, tôi cũng mua 1 vé 5 rúp vào xem, thì ra là cuộc thi “Hoa hậu hội báo Tiền Phong” do hãng phim Tây Ban Nha sản xuất.

Khi qua Trung Quốc, Hàn Quốc tôi đều được truyền hình ở đó mời đến phỏng vấn về cuộc thi hoa hậu đầu tiên ở nước Việt Nam thống nhất.

Lịch in ảnh hoa hậu Bùi Bích Phương cho Tết Dương lịch năm đó được phát hành rộng rãi khắp cả nước, hầu như nhà nào cũng cố mua cho được một tờ để treo... Suốt thời gian dài sau đó khắp nơi trong cả nước đi đâu cũng nghe bàn tán chuyện hoa hậu...

Khi tôi đưa hoa hậu Bùi Bích Phương xuống Thái Bình dự cuộc thi học sinh sinh viên thanh lịch do Tỉnh Đoàn tổ chức, hàng ngàn người vây lấy chiếc xe chở chúng tôi, cả những người đang cấy dưới ruộng cũng bỏ việc chạy đi xem hoa hậu. Họ bảo nhau “Đi xem tiên”. Đồng chí Hoàng Bình Quân (sau này là Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Trưởng Ban Đối ngoại T.Ư Đảng) lúc đó là bí thư tỉnh đoàn đã điều xe cảnh sát đi mở đường chúng tôi mới vào được hội trường nơi sắp diễn ra cuộc thi. Đúng là một sự kiện văn hóa chấn động dư luận...

'Loạn' Hoa hậu và quy chế thi người đẹp đầu tiên

Sang năm 1999, do tác động của cuộc thi hoa hậu đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất , rất nhiều nơi trong cả nước tổ chức thi hoa hậu. Hoa hậu Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, hoa hậu hội Lim, hoa hậu Đền Hùng... Đến xã phường cũng tổ chức thi hoa hậu... “Loạn” hoa hậu và báo chí lên tiếng phê phán, người ta kết tội tôi kích động thi hoa hậu, tuyên truyền lối sống MỸ, lối sống tư sản...

Kịch bản của cuộc thi chúng tôi lấy gần như y nguyên cuộc thi hoa hậu thế giới năm đó là thi áo tắm, ứng xử, quần áo dạ hội, chúng tôi thay phần thi quần áo dạ hội bằng phần thi áo dài dân tộc. Sau nhiều năm áo dài gần như bị lãng quên chúng tôi mong muốn khôi phục lại qua cuộc thi này.

Một cuộc họp cấp thứ trưởng được tổ chức tại ban tuyên huấn, tôi phải trả lời rất nhiều câu hỏi, nào thi hoa hậu để làm gì trong lúc đất nước còn rất khó khăn, nào thi hoa hậu là tuyên truyền lối sống tư sản, xa lạ với chúng ta... Tôi đã lấy cuốn sách của nhà xuất bản Sự Thật lúc đó do một nhà sử học tặng tôi có nói về cuộc thi sắc đẹp trong ngày hội đền Hùng khi nước Mỹ chưa ra đời... Cuối cùng mọi người bàn biện pháp “Dẹp loạn hoa hậu” và giao cho tôi soạn thảo quy chế thi người đẹp. Quy chế thi người đẹp đầu tiên ở Việt Nam thống nhất do tôi soạn thảo và một số anh chị em trong báo Tiền Phong góp ý đã được bộ văn hóa thời đó ban hành cuối năm 1999 cho đến năm 2006 mới sửa đổi!

Trong quy chế đầu tiên này có nhiều điều mà nay tôi thấy vẫn còn giá trị như: Cần quy định cuộc thi nào, như cấp quốc gia mới gọi là HOA HẬU, cuộc thi cấp tỉnh, thành, ngành gọi là HOA KHÔI, các cuộc thi còn lại gọi là NGƯỜI ĐẸP như người đẹp ngành chè, ngành than... Nếu không sẽ loạn DANH XƯNG như hiện nay. Hay những đơn vị nào mới được cấp phép, tiêu chuẩn các thành viên ban giám khảo...

Đã 35 năm trôi qua kể từ cuộc thi hoa hậu đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất, các cuộc thi HOA HẬU VIỆT NAM do báo Tiền Phong tổ chức vẫn diễn ra đều đặn hai năm một lần, được đánh giá cao, là “Cuộc thi hoa hậu lâu đời nhất, quy mô nhất, uy tín nhất Việt Nam...” (trích Từ Điển Bách Khoa toàn thư mở-wikipedia).

Viết nhân kỷ niệm 70 năm thành lập báo Tiền Phong

MỚI - NÓNG