Bảo tàng Đồng quê của tướng công binh

0:00 / 0:00
0:00
TP - Thiếu tướng Hoàng Kiền khởi công xây Bảo tàng Đồng quê năm 2012 với tất cả kinh nghiệm của một tư lệnh công binh từng đi xây dựng Trường Sa ở cái giai đoạn mà “Trường Sa trông chả khác gì Mặt trăng”. Qua 12 năm hoạt động, bảo tàng độc nhất vô nhị này đã trở thành một điểm đến được chính dân Nam Định nhiệt liệt đề cử khi có khách tới thăm.

Hiện vật mua theo giá đồng nát

Chuyện tướng Kiền xây nhà, làm đường (ông có 6 năm làm công binh Trường Sơn từ 1970-1976, rồi sau này làm Giám đốc ban dự án Đường tuần tra biên giới từ năm 2007-2014), xây công trình quân sự ở Trường Sa, đào âu tàu cũng ở Trường Sa… kể cả ngày không hết, mà nghe không chán. Bởi mỗi tình huống lại là một cách ứng xử táo bạo khác nhau, mà đích đến thì cứ phải là “tiết kiệm mà vẫn dùng tốt”.

Bảo tàng Đồng quê của tướng công binh ảnh 1

Chân dung tướng Hoàng Kiền

Tướng Kiền kể, ban đầu ông chỉ định làm một cái thư viện nhỏ tặng quê (làng Bỉnh Di, xã Giao Thịnh, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định), nhưng khi địa phương biết được thì đã tạo điều kiện cho gia đình thuê khu đất gần 6.000m2 trong vòng 30 năm để xây bảo tàng.

Xây dựng là nghề của ông Kiền. Ở Binh chủng công binh đến nay nhiều người vẫn kể những câu chuyện “tháo vát” của vị cựu Tư lệnh như là một giai thoại của cái gọi là “khó khăn nào cũng vượt qua, hoàn cảnh nào cũng chiến thắng”. Ví dụ một lần ông cầy cục mua được hai bao xi măng xin đi ké xe đồng đội về nhà thì bất ngờ gặp mưa rào. Ngay lúc ấy ông đã đề nghị cho xe dừng trú mưa rồi đưa xi măng vào quán, bốc chỗ ướt ra trộn ngay thành miếng để kê thép sàn mái chứ nhất định không bỏ phí. Lại có lần xây nhà ở Đà Nẵng, để tiết kiệm ông tận dụng móng nhà cũ của doanh trại quân đội Mỹ cộng với kiến thức xây dựng học được, tự tính toán kết cấu, thi công mà xây nên một cái nhà ba tầng không có cột bê tông cốt thép song vẫn “dùng rất tốt” khiến cả đơn vị kinh ngạc.

Đấy là những “chuyện bé” (theo cách nói của ông), chứ còn chuyện lớn như xây công trình ở Trường Sa thì ông bảo không kể cụ thể được bởi nó liên quan đến bí mật quân sự. Chỉ biết là nhờ những đóng góp này, ông và các cán bộ công binh Hải quân đã được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ.

Quay trở lại với việc xây bảo tàng, khi đó ông vẫn đang gánh trách nhiệm Giám đốc ban quản lý dự án Đường tuần tra biên giới, đi đến đâu cũng là phá đá mở đường, cùng anh em cong lưng lội bùn đẩy xe không phân biệt tướng, quân. Việc xây bảo tàng, do vậy gần như đều dồn cho vợ ông là nhà giáo Ngô Thị Khiếu. Cũng chính bà Khiếu, nghe theo sự gợi ý của chồng, từ những năm 90 của thế kỷ trước đã chậm rãi mà sưu tầm đồ đồng cũ để sau này không tiếc vì những thứ đẹp đẽ đã mất đi theo những cách rất đáng buồn.

“Lương bộ đội với giáo viên, lấy đâu ra mà khá giả. Nên chúng tôi chỉ mua được đồ cổ với giá đồng nát tức là 70 nghìn một cân. Thời điểm ấy, đồ đồng cả nước đều đổ về một đầu mối là làng Đại Bái. Dân ở đây dùng xe lu cán bẹp tất rồi bán cân sang Trung Quốc. Vợ tôi, các chị em dâu cứ rảnh thì lại đến chọn, rất nhiều cái đẹp, có giá trị đều tìm được ở đây, ví như cái mâm đồng có khắc hình Trần Nhân Tông đi tu, ngay cả Bảo tàng quốc gia cũng không có. Về sau, biết chúng tôi sẽ lập bảo tàng, nhiều đồng đội, rồi dân quanh vùng đều đem đồ đến tặng. Họ bảo, để ở nhà cũng phí đi vì có ai xem đâu, sau này họ mất đi con cháu nó cũng bán đồng nát hết”, tướng Kiền kể.

Sau này, tổng kết lại, số đồ cũ mà gia đình ông mua ở Đại Bái lên tới trên 5 tấn. Trước khi Bảo tàng được cấp phép hoạt động (2013), hơn 10 cán bộ của Bảo tàng Nam Định đã đến làm công việc giám định hiện vật, và quá trình này kéo dài hơn 10 ngày mới xong.

Đến khi trưng bày, thay vì bày riêng từng cái, bảo tàng của ông Kiền trưng theo kiểu bộ trăm, nghĩa là không phải chỉ có một hai cái mâm mà là hàng trăm cái mâm, hàng trăm cái ống nhổ, đèn dầu… Khách tham quan có muốn lướt qua cũng khó chính vì ấn tượng thị giác mà những con số trăm này mang lại.

Bảo tàng Đồng quê của tướng công binh ảnh 2

Một góc nhà trung nông ở Bảo tàng Đồng quê

Trong bảo tàng có một Trường Sa

Bảo tàng Đồng quê có 3 khu trưng bày chính là khu trưng bày ngoài trời, khu trưng bày trong nhà với khoảng hơn 1.000 hiện vật và khu lưu giữ những nét văn hóa ẩm thực đồng quê.

Ở khu trưng bày ngoài trời, bảo tàng tái hiện 4 mô hình nhà tiêu biểu gắn với quá trình phát triển của vùng nông thôn đồng bằng Bắc bộ. Ngôi nhà thứ nhất của bần cố nông là kiểu nhà tranh vách đất lợp rạ, tường đất đồng thời cũng là nơi để các dụng cụ lao động như cày, bừa, cối giã gạo, bếp tro… Ngôi nhà thứ hai của tầng lớp trung nông là nhà gỗ lợp bổi (cói), đồng thời cũng là nơi dệt chiếu, trưng bày các vật dụng sinh hoạt. Ngôi nhà thứ ba của địa chủ, là nhà ngói gỗ lim, cây mít. Ngôi nhà thứ tư là nhà gác, lợp ngói Tây tiêu biểu cho nhà vùng nông thôn Bắc Bộ thập niên 60 - 80 của thế kỷ 20, mang đặc trưng của vùng Giao Thủy. Tất cả đều là những nếp nhà cũ có tuổi từ 70 - 100 năm, nguyên bản do người dân dỡ bỏ được vợ chồng tướng Kiền mua, dỡ về dựng lại.

Sau hơn mười năm mở cửa, bình quân mỗi tháng bảo tàng đón tiếp 2.000 lượt khách, có ngày cao điểm lên đến 500 lượt khách, bao gồm mọi thành phần nhưng nhiều nhất là học sinh, sinh viên, bộ đội, cựu chiến binh…

Một điều đặc biệt của bảo tàng này, tướng Kiền dành hẳn một không gian có tên “Đời chiến sĩ” ở ngay tầng 1 của khu nhà trưng bày để lưu giữ hầu hết những kỷ vật và câu chuyện gắn liền với đời binh nghiệp của ông. Ở đó có mô hình nhà giàn trên biển Đông, dụng cụ mà dân làng Bỉnh Di mang đi xây dựng đảo Trường Sa hay chỉ đơn giản là những viên đá trên tuyến đường tuần tra biên giới...

Riêng ba mô hình nhà giàn DK, trong đó có nhà C3, do tư lệnh Giáp Văn Cương chỉ đạo, phòng công binh hải quân, công binh vùng 4 thiết kế thi công, chỉ tồn tại 6 tháng. Từ nhà giàn C3, Bộ Tư lệnh công binh tiếp tục nghiên cứu làm nhà C2 và nó cũng chỉ tồn tại trong hai năm 1988-1989. Tiếp đến là mô hình nhà C1 do trung đoàn công binh Hải quân 83 xây dựng trên các đảo chìm ở Trường Sa giai đoạn đầu những năm 90, tướng Hoàng Kiền lúc ấy là Trung đoàn trưởng trực tiếp chỉ huy.

Bảo tàng Đồng quê của tướng công binh ảnh 3
Hiện vật được trưng bày theo “bộ trăm” ở Bảo tàng Đồng quê

“Tất cả những nhà giàn này giờ đều không còn nữa, nhưng tôi muốn lưu giữ lại cho con cháu đời sau biết, từ lúc Trường Sa chưa có nước ngọt, chưa có đất, bề mặt đảo cằn cỗi chả khác gì Mặt trăng, cha ông ta đã kiên trì giữ đảo như thế nào. Lúc ấy khó khăn mọi bề, làm gì đã có nước nào trên thế giới đóng cọc trên nền san hô để làm nhà giàn, chỉ có anh Việt Nam vì khó khăn quá mà ló cái khôn, thành ra lại làm được, thành ra ban DK mới được phong Anh hùng LLVTND”, tướng Kiền nhớ lại.

Là khách thường xuyên của Bảo tàng, ông Nguyễn Văn Hoàn xưa là thợ nề giỏi của làng Bỉnh Di được tướng Kiền chiêu mộ ra xây dựng Trường Sa kể lại: “Năm 1991, chúng tôi lần đầu đặt chân lên đảo Nam Yết, lúc bấy giờ chỉ có nắng, cát và san hô thôi, cây cối không có gì. Đến năm 2011 tôi ra đảo Trường Sa lớn xây cái nhà truyền thống thì cây cối phủ xanh mát rượi rồi. Sau tôi mới biết, việc Trường Sa có cây xanh liên quan rất lớn đến tướng Hoàng Kiền, vì chính ông là người có sáng kiến làm ngọt hóa Trường Sa, sau lại trực tiếp mang đất ra Trường Sa để trồng rau cho bộ đội cải thiện bữa ăn”.

Bảo tàng Đồng quê của tướng công binh ảnh 4

Bà Ngô Thị Khiếu cùng với người em nhặt lá gai chuẩn bị phơi, chế biến bánh gai

“Từ khi thành lập đến nay, Bảo tàng Đồng quê mở cửa liên tục (trừ thứ 2 hàng tuần) để phục vụ khách đến tham quan (miễn phí) cho đến khi nào không còn đủ khả năng quản lý nữa thì vợ chồng tôi sẽ hiến tặng bảo tàng cho chính quyền và nhân dân địa phương”… (trích lời tướng Kiền).

Xuất phát từ nhu cầu của khách tham quan, các nhân viên bảo tàng trực tiếp sản xuất nước mắm, nước tương, mắm tôm, miến dong, làm bánh gai, bánh khúc, rượu nếp quê, cơm quê vv... để bán, vừa giúp khách trải nghiệm món quê, vừa có thêm kinh phí hoạt động.

MỚI - NÓNG