UBND tỉnh Vĩnh Long vừa có quyết định phê duyệt Đề cương trưng bày tổng quát Bảo tàng Nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Theo đề cương, bảo tàng sẽ có kết cấu nội dung trưng bày gồm: Khu trưng bày thường xuyên (bam gồm không gian khánh tiết); thiên nhiên và con người ĐBSCL; sự hình thành và phát triển nông thôn, nông nghiệp ĐBSCL; không gian tôn vinh danh nhân về nông nghiệp vùng ĐBSCL.
Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL dự kiến sẽ có các không gian về nông, sản vật, văn hóa trong vùng... (Ảnh minh họa). |
Bảo tàng gồm các khu trưng bày chuyên đề, với các chuyên đề về nông ngư cụ; cây trồng, vật nuôi; sản phẩm sau thu hoạch; ẩm thực; văn hóa, trang phục, kiến trúc nông thôn; phương tiện đi lại, tiền tệ trong giao thương…; khu trưng bày có thời hạn; khu vực nghiên cứu phát triển ĐBSCL…
UBND tỉnh Vĩnh Long giao đơn vị liên quan xây dựng chi tiết nội dung trưng bày của bảo tàng tập trung vào lịch sử phát triển nông nghiệp, sản phẩm nông nghiệp trọng tâm, đặc trưng của ĐBSCL. Lựa chọn những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tiêu biểu nhất gắn với sản xuất nông nghiệp. Tái hiện lại mô hình canh tác lúa, cây lâu năm, cây hàng năm, giống cây trồng, vật nuôi, đời sống người dân ĐBSCL qua từng thời kỳ lịch sử; tạo điểm nhấn, khác biệt...
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Vĩnh Long (đại diện chủ đầu tư) được giao chủ trì, phối hợp các cơ quan có liên quan tổ chức thực hiện; trên cơ sở đề cương trưng bày tổng quát, xây dựng đề cương trưng bày chi tiết Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL.
Sơ đồ tiếp cận của tổng thể công trình bảo tàng. |
Được biết, tỉnh Vĩnh Long đã và sẽ tổ chức thêm các chương trình tọa đàm, hội thảo, thi ý tưởng quy hoạch, kiến trúc Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL.
Đề án Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL được UBND tỉnh Vĩnh Long phê duyệt năm 2020. Địa điểm dự kiến xây dựng tại thị trấn Vũng Liêm, huyện Vũng Liêm, diện tích hơn 11ha; kinh phí đầu tư 400 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước và xã hội hóa.
Mục tiêu của bảo tàng là tạo dựng một thiết chế văn hóa xứng tầm với vai trò và vị thế của ngành nông nghiệp trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; phát huy những giá trị của di sản văn hóa nông nghiệp ở ĐBSCL. Tôn vinh sự cần cù, sáng tạo của người nông dân Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng; phục vụ nhu cầu du lịch, học tập, nghiên cứu khoa học, hưởng thụ văn hóa của công chúng, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL…
Dự kiến đến năm 2026 hoàn thành sưu tầm, thiết kế và thi công cơ sở hạ tầng của bảo tàng; hoàn thiện đề án, đưa bảo tàng vào đón khách năm 2027.