Chủ tịch tỉnh Vĩnh Long nói gì về xây bảo tàng nông nghiệp 400 tỷ đồng?

Ông Lữ Quang Ngời – Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: N.H
Ông Lữ Quang Ngời – Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: N.H
TPO - Liên quan đến việc xây dựng bảo tàng nông nghiệp 400 tỷ đồng ở Vĩnh Long, Chủ tịch UBND tỉnh này cho biết, "không phải xây ra cho hoành tráng".

Trả lời báo chí ngày 16/5 liên quan đến việc xây dựng bảo tàng nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), ông Lữ Quang Ngời – Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết: Đây là ý tưởng của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và đã có từ rất lâu, "chứ không phải tỉnh Vĩnh Long ngẫu hứng làm".

 Theo ông Ngời, khi khởi động dự án xây bảo tàng, vẫn còn nhiều công việc phải làm. Tỉnh sẽ xin nguồn kinh phí từ trung ương hỗ trợ. Về dụng cụ nông nghiệp trưng bày, trang thiết bị, bảo tàng sẽ sử dụng những thứ đã có sẵn và một số địa phương trong vùng ĐBSCL ủng hộ…

Về địa điểm xây dựng, ông Ngời cho biết, việc xây dựng bảo tàng được triển khai trên phần đất công, không có thu hồi đất dân và không có doanh nghiệp nào hưởng lợi trong đó.

“Bảo tàng nông nghiệp vùng ĐBSCL không phải xây ra cho hoành tráng, để tạo tốn kém, tỉnh không mong muốn như vậy. Đề án là vì cộng đồng, để quảng bá hình ảnh, quảng bá sản phẩm của người nông dân từ xưa đến nay và phục vụ cho phát triển du lịch cộng đồng, do đó chủ yếu người dân được hưởng lợi.” – Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long nói.

Nói về vai trò, ý nghĩa xã hội của bảo tàng nông nghiệp vùng ĐBSCL, đề án của UBND tỉnh Vĩnh Long viết: Bảo tàng là nơi lưu giữ các giá trị vật chất và tinh thần của văn hóa dân tộc, của nền văn minh nông nghiệp ở ĐBSCL; là nơi bảo tồn và phát huy di sản văn hóa nông nghiệp ĐBSCL, trưng bày những hiện vật gắn liền với lịch sử phát triển nông nghiệp ĐBSCL.

Qua đó người xem cảm nhận được sự trù phú của thiên nhiên ưu đãi nhưng cũng không ít những thách thức, rủi ro trong suốt quá trình khẩn hoang, sản xuất nông nghiệp và hội nhập quốc tế, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của công chúng đối với công sức của các bậc tiền nhân và đối với quê hương, đất nước....

Theo tiến trình thực hiện, trong năm 2020, đề án xây dựng bảo tàng nông nghiệp vùng ĐBSCL sẽ được trình Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch để bổ sung  vào quy hoạch tổng thể hệ thống bảo tàng Việt Nam đến năm 2020, trình Chính phủ để thông qua đề án. Năm 2021, cơ quan chức năng triển khai viết đề cương chi tiết cho 4 dự án thành phần của đề án, xây dựng bộ máy tổ chức quản lý và đào tạo; từ năm 2022 -2026 sẽ tiến hành sưu tầm hiện vật và tư liệu; cũng trong năm 2022, sẽ thiết kế cơ sở hạ tầng; từ 2023-2025, thi công cơ sở hạ tầng. Năm 2026, trưng bày và tổ chức các hoạt động thử nghiệm để lấy ý kiến của chuyên gia và công chúng. Năm 2027, hoàn chỉnh các hạng mục trưng bày và tổ chức các hoạt động để đưa vào khai thác sử dụng.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.