Theo Sở LĐ-TB&XH Tiền Giang, tính đến ngày 5/5, tỉnh đã chi hỗ trợ trên 108 tỷ đồng cho 103.235 người thuộc nhóm đối tượng bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 ở giai đoạn 1. Trong đó, đã chi hỗ trợ cho 11.682 người bán vé số lẻ; 26.907 đối tượng bảo trợ xã hội; 9.296 đối tượng người có công và 55.350 người diện hộ nghèo, cận nghèo.
Theo kế hoạch, tỉnh sẽ tiếp tục chi hỗ trợ giai đoạn 2 (từ tháng 5-7/2020) đối với các đối tượng thuộc các nhóm 1, 2, 3 và phần còn lại của nhóm 4 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ với tổng kinh phí trên 629 tỷ đồng.
Cụ thể, có trên 85.000 người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng hoặc nghỉ việc không hưởng lương; 500 người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; trên 117.000 người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng hỗ trợ cho người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động và hộ kinh doanh cá thể. Dự kiến, tổng kinh phí chi trả hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong hai giai đoạn là trên 859 tỷ đồng.
Lãnh đạo UBND tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành và địa phương khẩn trương tổ chức thực hiện công tác chi hỗ trợ cho các đối tượng, đảm bảo kịp thời, chặt chẽ, không để sai sót. Song hành với thực hiện chi trả hỗ trợ giai đoạn 2, tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung các đối tượng ở giai đoạn 1; khẩn trương triển khai để đảm bảo thời gian kết thúc việc chi trả hỗ trợ vào cuối tháng 6/2020.
Phát huy vai trò, trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã, phường, thị trấn và có chế độ chi trả phù hợp cho cán bộ làm công tác chính sách; thường xuyên kiểm tra cơ sở, điều chỉnh ngay các sai sót (nếu có) và nhân rộng mô hình tích cực. Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức thực hiện công tác giám sát cấp xã ngay từ khâu lập danh sách, niêm yết, loại bỏ sai sót ngay từ ban đầu. giữa các ngành, các cấp phải phối hợp chặt chẽ, thường xuyên để công tác chi trả hỗ trợ đạt hiệu quả cao nhất.
Hậu Giang cho phép chợ đêm hoạt động trở lại, dừng đo thân nhiệt
Ngày 8/5, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang có công văn chỉ đạo về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn. Trong đó, đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và UBND huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 680/CT-UBND ngày 24/4/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang trong tình hình mới.
Cho phép hoạt động chợ đêm được phép hoạt động trở lại nhưng phải thực hiện các biện pháp bắt buộc chung nêu tại Chỉ thị số 680/CT-UBND.
Hoạt động vận chuyển hành khách công cộng liên tỉnh, nội tỉnh hoạt động bình thường trở lại nhưng hành khách trên các phương tiện giao thông bắt buộc phải đeo khẩu trang và rửa tay sát khuẩn; chủ các phương tiện giao thông phải đảm bảo phun, xịt khử khuẩn phương tiện thường xuyên.
Các trạm kiểm soát ra vào chợ, khu vực tập trung đông người dừng việc đo thân nhiệt nhưng vẫn duy trì thực hiện việc nhắc nhở người dân đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi tiếp xúc…