Poster phim The Dark Night năm 2008. |
Một nhóm các nhà nghiên cứu đến từ các trường Đại học của Mỹ và Hà Lan đã tiến hành phân tích 945 bộ phim, được lựa chọn từ 30 phim có doanh thu cao nhất mỗi năm trong giai đoạn 1950-2012. Theo đó, tần suất những cảnh bạo lực súng đạn xuất hiện trong các bộ phim PG-13 đã tăng hơn gấp ba lần kể từ năm 1985 và tỷ lệ này còn cao hơn so với những bộ phim được xếp loại R - phim hạn chế khán giả dưới 17 tuổi.
Kể từ năm 2009, các cảnh chiến đấu bằng súng trong những phim xếp loại PG-13 bắt đầu có xu hướng tăng và thậm chí còn tăng cao hơn những phim xếp loại R.
Một số bộ phim "bom tấn" được đánh giá dày đặc cảnh bạo lực súng đạn có thể kể đến là The Dark Knight ("Hiệp sỹ bóng đêm" - 2008), Terminator Salvation ("Kẻ hủy diệt" - 2009), Inception ("Đánh cắp giấc mơ" - 2010), Transformers: Dark of the Moon ("Robot đại chiến: Vùng tối của ánh trăng" - 2011), Captain America: The First Avenger ("Đội trưởng Mỹ: Kẻ báo thù đầu tiên" -2011), Mission Impossible: Ghost Protocol ("Nhiệm vụ bất khả thi: Chiến dịch bóng ma" - 2011), The Avengers ("Biệt đội siêu anh hùng" - 2012), The Amazing Spiderman ("Người nhện phi thường" - 2012), và Taken 2 ("Cưỡng đoạt" - 2012).
Nhận định về vấn đề này, nhóm nghiên cứu cho rằng việc tiếp xúc với các cảnh súng đạn qua phim ảnh có thể ảnh hưởng xấu đến hành vi của giới trẻ, dẫn tới hành động hung hăng và hiếu chiến hơn ở ngoài đời thực. Các nhà khoa học khuyến cáo các bậc phụ huynh cần lưu tâm đến nghiên cứu này.
Nghiên cứu trên được đưa ra trong bối cảnh các vụ xả súng đẫm máu xảy ra ngày càng nhiều ở Mỹ, điển hình là vụ thảm sát tại một trường học ở Newtown, bang Connecticut hồi tháng 12 năm ngoái làm 26 người thiệt mạng, trong đó có 20 trẻ em, đồng thời càng làm nóng cuộc tranh cãi dai dẳng tại Mỹ xung quanh việc siết chặt kiểm soát sử dụng súng đạn.
Theo một số liệu thống kê mới đây của chính phủ Mỹ dựa trên dữ liệu của các Trung tâm phòng chống bệnh tật, đã có hơn 28.400 người thiệt mạng do súng đạn tại Mỹ kể từ sau vụ thảm sát kể trên.
Theo Vietnamplus