Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV:

Báo cáo về Formosa, bauxite, các dự án nghìn tỷ 'đắp chiếu'

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của QH Nguyễn Đức Hải đề xuất nên có báo cáo riêng về Formosa tại Kỳ họp thứ 2 QH khóa XIV.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của QH Nguyễn Đức Hải đề xuất nên có báo cáo riêng về Formosa tại Kỳ họp thứ 2 QH khóa XIV.
TP - Đề cập dự kiến nội dung chương trình Kỳ họp thứ 2 Quốc hội (QH)  khóa XIV, trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH chiều 16/8, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý các vấn đề như Formosa, bauxite, các dự án nghìn tỷ “đắp chiếu” bởi đó là những vấn đề được dư luận xã hội, người dân, cử tri quan tâm.

Theo Tờ trình, dự kiến Kỳ họp thứ 2 QH khóa XIV diễn ra trong 22,5 ngày (từ 20/10 đến 18/11). Trong kỳ họp này, QH sẽ xem xét báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, ngân sách nhà nước; báo cáo của Chính phủ về phòng, chống tội phạm; phòng, chống tham nhũng; hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn…

Băn khoăn miễn thuế hơn 10 nghìn tỷ đồng cho Formosa

Phát biểu tại phiên họp, ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của QH đề nghị Kỳ họp thứ 2 nên có báo cáo riêng về vụ Formosa. “Vấn đề khắc phục hậu quả sự cố của Formosa. Chính phủ đã chỉ đạo một hai tháng nữa xử lý dứt điểm, trả tiền cho dân. Vấn đề nữa là liên quan công nghệ bảo đảm về môi trường. Cử tri, nhân dân rất quan tâm đến thái độ kiên quyết của Chính phủ. Phải đáp ứng nguyện vọng của nhân dân cả nước. Ngoài ra, cử tri cũng quan tâm đến vấn đề đầu tư công, nợ công, phòng chống tham nhũng”, ông Hải nói.

Cũng đề nghị phải có báo cáo về vụ Formosa, ông Trần Văn Túy, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban TVQH cho rằng, việc miễn thuế hơn 10 nghìn tỷ đồng cho Formosa gây phản ứng trái chiều trong dư luận. Ông Túy cũng đề nghị có báo cáo về các công trình nghìn tỷ đắp chiếu.

“Yêu cầu Chính phủ báo cáo, phân chia rõ ràng những công trình, dự án. Cái nào thuộc về yếu tố an ninh, quốc phòng, cái nào nên bỏ, nên giữ. Nợ xấu, nợ công, xử lý nợ xấu, nợ Chính phủ. Cái này cũng phải có báo cáo. Việc này thể hiện sự rõ ràng, minh bạch về những vấn đề lớn”, ông Túy nói.

Chủ tịch Hội đồng dân tộc của QH Hà Ngọc Chiến cũng cho rằng, dư luận rất quan tâm đến các dự án nghìn tỷ hiện nay sử dụng vốn nhà nước mà không phát huy hiệu quả, để xảy ra thua lỗ. Theo ông Chiến, với một số dự án lớn có quy định hàng năm phải báo cáo QH, nhưng dự án bauxite Tây Nguyên hiện nay hiệu quả thế nào chưa rõ. “Cử tri quan tâm, đại biểu QH cũng rất quan tâm”, ông Chiến nói.

Theo Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, chương trình Kỳ họp thứ 2 sẽ tiếp thu các ý kiến của các thành viên Ủy ban TVQH. Bà Ngân cho biết, theo quy định, sẽ phải báo cáo, trình QH các vấn đề cử tri đang quan tâm.

“Vấn đề nợ công, nợ xấu thì có rồi, nhưng giải quyết, khắc phục hậu quả vụ việc Formosa, sắp tới nếu chưa báo cáo thì chắc chắn trong thảo luận nhiều đại biểu sẽ đề cập vấn đề này. Bây giờ tiền bồi thường nhận rồi, giải quyết tới đâu, đời sống ngư dân thế nào, giám sát việc phát triển công nghiệp 4 tỉnh miền Trung ra sao, việc xả thải ra môi trường ở 4 tỉnh miền Trung thế nào, trong đó có dự án Formosa cũng phải chú ý. Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường phải chú ý điều này. Cái này tôi đã trả lời báo chí là QH có giám sát và sẽ có báo cáo”, bà Ngân nói.

Bà Ngân cũng đề nghị Chính phủ có báo cáo về các dự án nghìn tỷ hoạt động kém hiệu quả. Theo bà Ngân, vấn đề này rất nhiều người quan tâm, đặc biệt khi tiếp xúc cử tri. “Có bao nhiêu dự án nghìn tỷ đang đắp chiếu, có bao nhiêu dự án nghìn tỷ bị thua lỗ, chưa hoạt động đang nằm ở đâu? Trách nhiệm thế nào. Bây giờ khắc phục thế nào. Rồi bauxite Tây Nguyên thì chúng ta phải xem lại, lâu rồi thấy im hơi lặng tiếng”, bà Ngân nói thêm.

Sợi dây kinh nghiệm rút mãi không hết

Trước đó, Ủy ban TVQH cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ đề xuất sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ dự phòng giai đoạn 2012-2015 của dự án Hồ Tả Trạch (Thừa Thiên - Huế) cho hợp phần bồi thường, di dân tái định cư. Theo phương án đền bù được UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế phê duyệt, đối với đất lâm nghiệp tỉnh có chủ trương “đất đổi đất”, tuy nhiên không thực hiện được nên nhân dân trong vùng tái định cư gặp nhiều khó khăn, nhiều bức xúc, khiếu kiện đông người kéo dài.

Chính phủ đề nghị Ủy ban TVQH cho phép sử dụng 77 tỷ đồng trong 150 tỷ đồng dự phòng trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012 – 2015 để đầu tư cho hợp phần đền bù đất lâm nghiệp. Dù nhận định đề xuất này chưa thực sự phù hợp, nhưng Ủy ban Tài chính Ngân sách QH đề xuất Ủy ban TVQH chấp thuận đề xuất này để xử lý dứt điểm việc khiếu kiện kéo dài của người dân.

Nhiều ý kiến đề nghị phải quan tâm đời sống của người dân, dù thế nào cũng phải trả nợ cho người dân, không để người dân khổ thêm nữa. Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đồng ý với những ý kiến này. 

Theo bà Ngân, đây là trách nhiệm của nhà nước. “10 năm rồi mà bây giờ chúng ta ngồi đây bàn về vấn đề này là do tắc trách, sai thẩm quyền, không thực hiện đúng các nghị quyết đã ban hành. Chúng ta thường có tình trạng làm xong rồi là rút kinh nghiệm và sợi dây này nó dài từ năm này tháng nọ, rút hoài không hết. Hôm nay lại rút kinh nghiệm nữa. Đối với dân chúng ta làm chưa hết, chưa đủ”, Chủ tịch QH nói.

MỚI - NÓNG