Bản xuất ngoại

Bản xuất ngoại
TP - Đến bản làng thuộc các xã Ba Xa, Ba Tô, Ba Vì (huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi) đâu đâu cũng nghe người dân rôm rả kể chuyện đi Malaysia, Hàn Quốc, Ả Rập Xê Út... lập nghiệp mưu sinh.

Căn nhà của ông Đinh Văn Sâm (45 tuổi, dân tộc H’rê, thôn Goi Re, Ba Xa) mới xây khang trang ngay đầu cầu đi vào trung tâm xã. Nhà ông Sâm có 8 người con, thuộc diện nghèo nhất trong các hộ nghèo. Cuối năm 2009, cậu con trai thứ ba, Đinh Văn Sài (22 tuổi) trúng tuyển đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) tại Malaysia. Gần 2 năm mưu sinh xứ người, Sài trả hết nợ ngân hàng và gửi về cho gia đình một khoản kha khá. Nối tiếp Sài, cậu em trai thứ tư cũng vừa xuất ngoại mưu sinh. Cạnh nhà ông Sâm, bốn người con trai của những người hàng xóm đi cùng đợt với Sài cũng góp phần làm khu bản nhỏ đổi thay. Bà Phạm Thị Re (49 tuổi) cho biết: Mỗi tháng thằng con trai Đinh Văn Sinh gửi về 7-8 triệu đồng, nằm mơ ở nhà cũng không kiếm được. Nghe nói nó sang đó làm công nhân xây dựng.

Cuối năm 2008, đứa con đầu của ông Phạm Văn Mai (xã Ba Xa) là một trong những người đầu tiên rời bản làng đi xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc. Kể từ đó, gia đình ông dựng lại nhà, sắm thêm xe máy và nhiều vật dụng đắt tiền khác... “Ban đầu nó chỉ kiếm được vài trăm đô la Mỹ một tháng nhưng giờ được đến hơn 1.000 đô, nếu làm tăng ca có thể đến 2.000 đô. Ngày đầu ra nhận tiền, cầm vài chục triệu đồng mà vợ chồng tui mừng suýt ngất” - Ông Mai nói.

Theo ông Đinh Nam Oang - Chủ tịch UBND xã Ba Xa, phong trào XKLĐ phát triển mạnh độ khoảng ba năm nay. Chỉ tính hai năm 2009 - 2010 xã đã có hơn 70 người đi XKLĐ. Đến năm 2011 đã có hơn 150 lao động đi XKLĐ sang các nước Malaysia, Hàn Quốc, Ả Rập Xê Út... Trong đó thôn Goi Re có đông lao động đi xuất khẩu nhất. Số hộ nghèo trên địa bàn nhờ đó giảm đáng kể.

Ông Oang cho biết, dân bản muốn XKLĐ được tạo điều kiện tối đa, chỉ cần đăng ký là được tham gia lớp học nghề, tập huấn, được hỗ trợ vay vốn ngân hàng. Tuy nhiên, ban đầu không phải ai cũng hào hứng. Bởi người H’rê luôn gắn bó với bản làng. Nhiều người còn cho rằng, đi xa sẽ gặp xui, rước con ma về bản quấy nhiễu, gây dịch bệnh nên khi triển khai Quyết định 71 của Thủ tướng Chính phủ (năm 2009) hỗ trợ hộ nghèo đi XKLĐ, chẳng mấy người dám đăng ký. Cán bộ xã phải nêu gương cho con cái đi trước.

Ông Phạm Văn Ố, Bí thư xã Ba Xa, kể: Sau khi đưa con trai là Phạm Văn Thương đi XKLĐ ở Malaysia đợt đầu, con gửi tiền về, ông phải tìm cách “khoe” với cả bản làng. Thấy có lợi, giờ ai cũng đăng ký tham gia. Ông Phạm Văn Xí, cán bộ LĐ-TB&XH xã, đang chuẩn bị cho đứa con thứ hai đi XKLĐ nói: “Dân bản bây giờ ủng hộ phong trào lắm. Mỗi lần có đợt tuyển dụng do Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Quảng Ngãi tổ chức, thì người dân đến đăng ký rần rần”.

Cuối tháng 4-2011, Trung tâm Giới thiệu việc làm Quảng Ngãi tổ chức chợ việc làm đăng ký XKLĐ cho các xã Ba Xa, Ba Tô... Ông Đoàn Khắc Chỉnh, Phó Giám đốc Trung tâm cho hay, chỉ tính riêng qua kênh của trung tâm đã có hơn 500 lao động miền núi đi XKLĐ, trong đó chủ yếu là thanh niên nông thôn ở huyện Ba Tơ, số còn lại thuộc Sơn Hà, Trà Bồng.

Thôn 1 xã Nghĩa Lâm, có số người XKLĐ nhiều nhất huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi). Theo ông Võ Năm - trưởng thôn, có hơn 70 lao động ra nước ngoài và hàng chục người chuẩn bị xuất ngoại. Từ ngày có đội ngũ lao động đi XKLĐ, đời sống thôn phát triển, số hộ nghèo giảm.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG