Hôm qua 12/5, tình hình tại giàn khoan HD 981 của Trung Quốc đặt trái phép tại vùng biển Việt Nam vẫn đặc biệt căng thẳng. Tàu Trung Quốc bố trí đông đặc xung quanh giàn khoa và tiếp tục gia tăng các hoạt động cản trở phong tỏa vị trí bằng các tàu hải giám, hải cảnh, tàu quân sự, tàu hộ vệ tên lửa. Các tàu chấp pháp Việt Nam vẫn kiên trì bám trụ, không lùi bước. (Xem chi tiết)
Chiều 12/5, ông Nguyễn Văn Trung, Phó Cục trưởng Kiểm ngư Việt Nam cho biết, ngoài các lực lượng như Kiểm ngư, Cảnh sát biển, có nhiều tàu cá của ngư dân ta cũng tham gia bảo vệ chủ quyền trên biển. Đến chiều qua, có 9 kiểm ngư viên bị thương, do tàu phía Trung Quốc đâm va, bắn vòi rồng. Ngoài ra, hiện Trung Quốc vẫn duy trì từ 15-20 tàu cá đánh bắt ở khu vực cách đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) khoảng 55 hải lý về phía đông. (Xem chi tiết)
Không chỉ người dân trong nước, kiều bào nước ngoài cũng đồng loạt xuống đường phản đối hành động ngang ngược và sai trái của Trung Quốc. Trong những ngày qua, người Việt Nam tại Đức, Anh, Ý, Canada, Cộng hòa Séc cùng với bạn bè quốc tế cùng tham gia biểu tình hòa bình phản đối hành động xâm phạm trắng trợn của Trung Quốc với chủ quyền Việt Nam. (Xem chi tiết)
Thiếu tướng Lê Văn Cương - Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Công an khẳng định việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam vi phạm trắng trợn các điều luật biển quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Chính phủ Trung Quốc đã đơn phương phá vỡ cam kết thực hiện nghiêm Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC). (Xem chi tiết)
Thomas Friedman - nhà báo nổi tiếng 3 lần nhận giải Pulitzer của Mỹ - chủ bút đối ngoại của tờ The New York Times - tác giả của cuốn “Thế giới phẳng” trở lại Hà Nội sau 20 năm. Ông chia sẻ Trung Quốc đang theo đuổi chiến lược “gặm nhấm dần”, “ăn dần” và họ sẽ đi từng bước một, đẩy mọi thứ vừa đủ để có lợi cho mình nhưng đồng thời cũng không đẩy quá mức để có thể tạo nên một phản ứng toàn cầu. Trung Quốc có thể có hành động điên rồ ở biển Đông, nhưng cái giá Trung Quốc phải trả sẽ đắt hơn và sớm hơn rất nhiều. (Xem chi tiết)
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã lần đầu tiên chính thức lên tiếng, bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc Trung Quốc đưa giàn khoan dầu và tàu hộ vệ vào hoạt động trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, muốn thấy vụ việc trên được giải quyết một cách hòa bình thông qua Luật biển, thông qua trọng tài, thông qua bất cứ phương thức nào nhưng không phải bằng đối đầu trực tiếp và hành động gây hấn.
Ít giờ sau khi kết quả kiểm phiếu về cuộc trưng cầu dân ý về quyền tự trị cho hai tỉnh Donetsk và Lugansk được công bố, lãnh đạo “Cộng hòa Nhân dân Donetsk” và “Cộng hòa Nhân dân Lugansk” đồng loạt tuyên bố chủ quyền và độc lập từ Ukraine. Donetsk đang xem xét việc xin gia nhập Liên bang Nga, trong khi Lugansk tuyên bố sẽ bắt đầu “cuộc sống mới” và sẽ không thực thi mệnh lệnh của chính quyền Kiev. Nga tuyên bố tôn trọng kết quả và quyền tự quyết của Donetsk và Lugansk. (Xem chi tiết)
Mỹ tiến hành cuộc tập trận hạt nhân quy mô lớn, kéo dài từ ngày 12 đến 16/5 với sự tham gia của 10 máy bay ném bom B-52 Stratofortresses và 6 chiếc B-2 Spirit với mục đích ngăn chặn và phát hiện các cuộc tấn chống chiến lược chống lại Mỹ cùng các đồng minh. Cuộc tập trận của Mỹ diễn ra trong bối cảnh niềm tin giữa Washington và Moscow đang ở mức thấp nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng Ukraine. (Xem chi tiết)
Hôm qua, Triều Tiên lên án việc Hàn Quốc tố Bình Nhưỡng cử 3 máy bay không người lái qua biên giới và nói đây là một “màn kịch gây khiêu khích” của Tổng thống Park Geun-hye. 3 chiếc máy bay không người lái được phát hiện ở 3 khu vực khác nhau của Hàn Quốc từ ngày 24/3 đến 6/4. Seoul cho biết, các dữ liệu của máy bay cho thấy chúng được lập trình để do thám các căn cứ quân sự Hàn Quốc, sau đó trở về Triều Tiên. (Xem chi tiết)
Hôm 12/5, lãnh đạo hàng đầu của những người biểu tình phản đối chính phủ, Suthep Thaugsuban, tuyên bố sẽ mở một văn phòng tại Tòa nhà Chính phủ hiện đang bỏ trống tại thủ đô Bangkok. Tòa nhà Chính phủ của Thái Lan đã bị bỏ trống trong nhiều tháng qua do các cuộc đụng độ bạo lực diễn ra gần đó giữa người biểu tình và cảnh sát. Động thái mới nhất trên càng cho thấy sự bất lực của chính phủ Thái Lan đối với cuộc khủng hoảng chính trị đã kéo dài nhiều tháng qua tại nước này.