Bài học từ vụ tìm máy bay mất tích

Trung tướng Võ Văn Tuấn trao đổi cùng báo chí sáng 17/3.
Trung tướng Võ Văn Tuấn trao đổi cùng báo chí sáng 17/3.
TPO - Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam cho biết, qua việc tổ chức tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích, bài học đầu tiên là nắm thông tin chính xác.

Sáng nay (17/3), trả lời phỏng vấn báo chí, Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam cho biết: Đến thời điểm hiện tại, không còn lực lượng của nước ngoài tham gia tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích trên địa phận lãnh hải Việt Nam.

Các lực lượng, phương tiện của Việt Nam cũng đã rút về vị trí, chuyển sang làm nhiệm vụ khác.

Nhận định về công tác tìm kiếm lần này, Trung tướng Tuấn cho biết, những lần trước chủ yếu trong khuôn khổ Việt Nam, chưa có phương tiện quốc tế tham gia, quy mô cũng nhỏ hơn.

“Việc máy bay MH370 chưa được tìm thấy có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân phụ thuộc khả năng tìm kiếm. Chẳng hạn, bạn chỉ có thể lặn xuống biển 100m, không thể tìm sâu hơn 100m được. Các nước cũng đã mở rộng tìm kiếm đủ các hướng tính từ đường bay của MH370, nhưng vẫn chưa có tín hiệu khả quan nào...” - Trung tướng Tuấn chia sẻ.

Cũng theo Trung tướng Tuấn, qua việc tổ chức tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích, bài học đầu tiên cần rút ra là nắm thông tin chính xác. Đặc biệt, trong việc này, bất bình thường so với những vụ khác, phải tìm kiếm mở rộng, thông tin rất nhiễu, nên càng phải đảm bảo thông tin chính xác.

Lực lượng thực hiện nhiệm vụ quan trọng nhất là cứu nạn phải chuẩn bị rất kỹ cả về con người và phương tiện. Giả sử có những người bị lâm nạn, làm sao phải đảm bảo thời gian càng nhanh càng tốt để họ không bị thương vong, thiệt hại do kéo dài thời gian. Muốn như vậy, phải xác định được vị trí gặp nạn để chúng ta có thể ứng cứu nhanh nhất.

“Sinh mạng con người vẫn là quan trọng nhất, dù chỉ có một người bị nạn. Như trước đây, có trường hợp ngư dân ở Trường Sa, chúng ta vẫn phải huy động 3 máy bay một lúc để kịp thời cứu hộ, cứu nạn. Trong cứu hộ, cứu nạn, mình phải đặt vào vị trí của thân nhân người bị nạn, chúng ta mới thấu hiểu được nỗi lòng của họ, từ đó kịp thời chia sẻ, động viên họ” – Trung tướng Tuấn cho biết.

Cũng theo Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, việc chỉ đạo phải thống nhất từ trên xuống dưới, theo Sở chỉ huy thống nhất, cùng đó là sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ của các quốc gia với tiêu chí cao nhất là trách nhiệm vì cộng đồng quốc tế, vì nhân đạo với con người.

Về việc huy động phương tiện, lực lượng tìm kiếm lần này, theo Trung tướng Tuấn, nhiệm vụ của Quân đội nhân dân Việt Nam trong thời bình là sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ chủ quyền đất nước. Khi có sự việc như thế này, nhiệm vụ cao nhất của chúng tôi là tham gia tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn. Đồng thời, trách nhiệm của quân đội là bảo vệ chủ quyền nên với bất cứ quốc gia nào cũng thế thôi.

Việc nước ta tham gia tìm kiếm ngay từ đầu thể hiện tinh nhần nhân đạo và thực hiện đúng công ước quốc tế về hàng không dân dụng, công ước cứu nạn hàng hải… 

“Chẳng hạn khi tàu cá nước ta bị nạn ở Nam Cực, các nước khác vẫn tham gia cứu hộ, cứu nạn, không có nhẽ gì khi có sự cố xảy ra nghi ở vùng biển nước ta mà ta không tham gia tìm kiếm, cứu nạn” – Trung tướng Tuấn chia sẻ.

Hơn nữa, việc Việt Nam tham gia tìm kiếm cũng nhằm để bảo vệ chủ quyền, kiểm soát lực lượng nước ngoài khi họ tiến vào vùng biển, vùng trời của nước ta. Lực lượng nước ngoài vào vùng biển, vùng trời của Việt Nam phải chịu sự hướng dẫn của nước chủ nhà.

MỚI - NÓNG